Trong bài viết “Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Các trường đại học Việt Nam có thể đang bị 'ăn thịt" đăng trên báo Thanh Niên hồi tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng nhiều đầu nậu thuộc mạng lưới mafia khoa học nước ngoài hút máu một số trường ĐH Việt Nam bằng cách đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo thượng vàng hạ cám từ khắp nơi rồi bán cho các trường để phục vụ mục đích tạo thành tích khoa học ảo.
Ngoài những hậu quả tiềm ẩn, lâu dài, cần thêm thời gian mới biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt, kết cục nhãn tiền của hiện tượng mà chúng tôi gọi là “bệnh thành tích di căn” này là một loạt bài báo của những cai thầu nước ngoài ghi địa chỉ làm việc là các trường ĐH trong nước vừa bị nhiều tạp chí khoa học gỡ bỏ vì vi phạm tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học.
Bị gỡ bỏ vì lén bổ sung tác giả liên hệ vào bài báo
|
Mới đây, tạp chí Applied Surface Science thuộc Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) đã gỡ bỏ loạt 3 bài báo mà Kittisak Jermsittiparsert là tác giả liên hệ của cả 3 bài (tác giả liên hệ của bài báo khoa học thường là người chịu trách nhiệm nộp bản thảo cho tạp chí cũng như liên lạc với biên tập viên và phản hồi các chuyên gia bình duyệt). Trong 3 bài báo này, Kittisak đều ghi địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Điều đáng nói, ở cả 3 bài báo, tên tác giả Kittisak đều không có trong bản thảo ban đầu, mà chỉ được thêm vào trong quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện bài báo. Việc bổ sung tên tác giả trong các bài này không hề được thông báo cho biên tập viên tạp chí cũng như không được các tác giả đầu tiên chấp thuận một cách rõ ràng.
Thật vậy, bản thảo bài “Tuning the structural and electronic properties of Ag/Au embedded arsenene monolayers and investigation of their adsorption behaviors for various gas molecules” (đăng trên Tập 504, tháng 2.2020) và bài “Structural, electronic and magnetic properties of the Ni/Cu-embedded S-vacancy defective MoS2 monolayers and their effects on the adsorption of SOx and O3 molecules” (đăng trên Tập 517, tháng 7.2020) đều chỉ có một tác giả ban đầu là Wei Gao, địa chỉ tại ĐH Sư phạm Vân Nam, Trung Quốc.
Khi công bố, bài thứ nhất bổ sung thêm tên Kittisak Jermsittiparsert và 2 tác giả ghi địa chỉ ĐH Tây An, Trung Quốc; bài thứ 2 bổ sung thêm “siêu nhân” này và 2 nhà nghiên cứu khác của ĐH Nông nghiệp Hà Nam, Trung Quốc.
Bản thảo bài thứ 3, “Enhancing the adsorption performance and sensing capability of Ti-doped MoSe2 and MoS2 monolayers by applying electric field” (đăng trên Tập 512, tháng 5.2020), chỉ có một tác giả Lilin Jiang, Học viện Hạ Châu, Trung Quốc, nhưng khi công bố thì xuất hiện thêm tên của Kittisak cùng 3 tác giả mới ghi địa chỉ ĐH Nông nghiệp Hà Nam.
Việc bổ sung đồng tác giả trong quá trình bình duyệt bản thảo không phải hành vi bị cấm trong xuất bản hàn lâm, nhưng với điều kiện nó được thông báo và giải trình rõ ràng, minh bạch rồi được biên tập viên xử lý bản thảo chấp thuận. Nhưng trong 3 bài báo trên, tên của “siêu nhân” Kittisak và các đồng tác giả khác đã được thêm vào mà biên tập viên tạp chí không hề hay biết. Đặc biệt, việc tác giả được bổ sung về sau lại thế chỗ tác giả ban đầu để trở thành tác giả đầu mối là hết sức kỳ lạ và bất thường.
Vì lý do này, tạp chí Applied Surface Science đã quyết định gỡ bỏ cả 3 công trình với nhận định: “Vấn đề với danh tính và đóng góp khoa học của các tác giả gây nghi ngờ về dữ liệu cũng như những kết luận rút ra từ dữ liệu trình bày trong bài báo”. Tạp chí này cho biết, “việc thay đổi tác giả sau khi nộp bản thảo mà không được biên tập viên chấp thuận đi ngược lại chính sách của tạp chí” và đánh giá hành vi của các tác giả là “biểu hiện của việc lạm dụng hệ thống xuất bản khoa học”. Ban biên tập tạp chí Applied Surface Science cũng nói rằng, “cộng đồng khoa học giữ quan điểm nghiêm khắc về vấn đề này và xin cáo lỗi vì hành vi của các tác giả đã không được phát hiện trong quá trình xử lý bản thảo”.
“Siêu nhân” Kittisak là ai?
|
Kittisak Jermsittiparsert là một “cai thầu săn mồi” tiêu biểu đã được nhắc đến trên báo Thanh Niên. Tuy mới hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành khoa học xã hội vào năm 2017 tại Thái Lan, “siêu nhân” này đã công bố tới 383 bài báo thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ tính toán lý thuyết đến thực nghiệm, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội (theo thống kê mới nhất của cơ sở dữ liệu học thuật Scopus).
Nếu như từ 2018 trở về trước, tác giả này chỉ công bố 1-6 công trình khoa học mỗi năm thì sang các năm 2019 và 2020, số bài báo của Kittisak nhảy vọt lên lần lượt 207 và 133 bài. Tính trung bình, gần như bất kỳ ngày làm việc nào “siêu nhân” Kittisak cũng xuất bản một bài báo.
Cho đến nay, Kittisak khai địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong 233 bài và Trường ĐH Duy Tân trong 35 bài.
Cả 3 bài báo mà siêu nhân này đứng tên tác giả đầu mối trên tạp chí Applied Surface Science vừa bị gỡ bỏ đều thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên ngành khoa học xã hội mà Kittisak chỉ vừa tốt nghiệp 4 năm trước.
Sau bài viết của chúng tôi trên báo Thanh Niên tháng 9 năm ngoái, phát biểu trên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, trường này đã ngừng “hợp tác” với Kittisak. Tuy thế, chúng tôi nhận thấy một số bài báo mới công bố của siêu nhân này vẫn tiếp tục lấy địa chỉ làm việc là Trường ĐH Tôn Đức Thằng và một trường ĐH Việt Nam khác.
Chẳng hạn, trong bài báo “The step towards environmental mitigation in Pakistan: do transportation services, urbanization, and financial development matter?” công bố trên tạp chí Environmental Science and Pollution Research (Tập 28, tháng 1.2021), “siêu nhân” Kittisak ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng; trong khi ở bài “Management of higher heating value sensitivity of biomass by hybrid learning technique“ đăng trên tạp chí Biomass Conversion and Biorefinery (tháng 1.2021), nơi làm việc của “siêu nhân” này lại biến thành Trường ĐH Duy Tân. Cả 2 bản thảo đều được nộp cho các tạp chí vào thời điểm tháng 11.2020 với Kittisak Jermsittiparsert là tác giả liên hệ.
(Còn nữa)
TS Ngô Đức Thế làm việc ở ĐH Manchester, Vương quốc Anh; TS Dương Tú làm việc ở ĐH Purdue, Mỹ. Các tác giả điều tra và viết loạt bài với tư cách cá nhân nhà khoa học, muốn góp phần làm trong sạch cộng đồng khoa học Việt Nam.