Thụy Sỹ ngưng thử nghiệm vắc-xin chống Ebola
- Thứ bảy - 13/12/2014 13:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quyết định ngưng cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Đại học Geneva, Thụy Sỹ được đưa ra sau khi 4 người tình nguyện thông báo bị đau khớp ở bàn tay và bàn chân của họ. Các nhà tổ chức nói, động thái này là "một biện pháp phòng ngừa", sau khi những người tình nguyện được tiêm vắc-xin thử nghiệm 10 - 15 ngày trước đó.
Các nhà nghiên cứu Geneva từng thông báo hôm 2/12 rằng, những người đầu tiên được chủng ngừa bằng thuốc thử nghiệm không bị bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào và chỉ có vài người bị sốt nhẹ. Tuy nhiên, hôm 11/12, họ cho biết, đã có 4 trong số những người tình nguyện có biểu hiện đau khớp kéo dài tới vài ngày.
Giới khoa học đang chạy đua phát triển vắc-xin chống virus Ebola, mầm bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.300 người, chủ yếu ở các quốc gia Tây Phi như Sierra Leone, Liberia và Guinea. Các chuyên gia tin rằng, thế giới cần phải có hàng triệu liều vắc-xin để chấm dứt đợt bùng phát dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện nay cũng như kiềm chế dịch bùng phát trong tương lai.
Vắc-xin Ebola thử nghiệm tại Thụy Sỹ là một trong 2 vắc-xin dạng này đang được thử nghiệm lâm sàng ở nhiều nơi trên thế giới. Nó do chính phủ Canada phát triển và cấp đăng ký cho 2 công ty Mỹ NewLink và Merck. Các quan chức có liên quan đến cuộc thử nghiệm này khẳng định, cả 59 người tình nguyện tiêm vắc-xin thử nghiệm nhìn chung đều trong tình trạng sức khỏe tốt và được nhóm nghiên cứu theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Cuộc thử nghiệm tại Thụy Sỹ đã bắt đầu hồi tháng trước và dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 5/1 năm sau ở 15 người tình nguyện, sau khi các cuộc kiểm tra bảo đảm rằng triệu chứng đau khớp là "lành tính và tạm thời". Nhóm nghiên cứu cũng đang giữ liên lạc chặt chẽ với các chuyên gia đang tiến hành thử nghiệm tương tự tại Mỹ, Đức, Canada và Gabon.
Marie-Paule Kieny, chuyên gia vắc-xin của WHO, tuyên bố sự trì hoãn sẽ cung cấp thời gian để đánh giá quy mô của các vấn đề. Theo bà Kieny, đây không phải là một thất bại, vì việc tạm ngưng vẫn thường xảy ra trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng y học trên thế giới. Chuyên gia này hy vọng, cuộc thử nghiệm sẽ có thể tiếp tục như dự kiến ban đầu.
Các nhà nghiên cứu cũng kỳ vọng, các vắc-xin Ebola an toàn và hiệu quả sẽ sớm được phép lưu hành vào năm tới, mặc dù họ hiện vẫn chưa rõ chúng sẽ phát huy hiệu quả như thế nào và sẽ cần bao nhiêu liều.
Tháng trước, Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Margaret Chan từng phát biểu rằng, hàng thập niên sau khi virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 70, thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa mầm bệnh nguy hiểm này, vì bệnh trước đây chỉ tấn công các nước châu Phi nghèo đói. Tiến sĩ Chan chỉ trích các hãng dược đã quay lưng với "các thị trường không mang lại lợi nhuận".
Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình, Liên minh vắc-xin toàn cầu (GAVI) vừa lên tiếng cam kết chi tới 300 triệu USD để mua bất kỳ vắc-xin chống Ebola nào được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng trong tương lai.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)