Tĩnh lặng quả đầu mùa

Tĩnh lặng quả đầu mùa
Cộng đồng khoa học Việt Nam vui mừng nhận tin giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 được trao cho hai nhà khoa học, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Sum, trường đại học Quy Nhơn, lĩnh vực Toán học về công trình 58 trang trên một tạp chí toán học hàng đầu: “Nguyễn Sum, On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274 (2015), 432–489”.

 

GS. TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (phải) và PGS. TS Nguyễn Sum trong một chuyến công tác tại Nhật Bản.

Nguyễn Sum là một nhà toán học được đào tạo hoàn toàn ở trong nước. Anh thuộc số những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn. Trước 1975, Đại học Quy Nhơn vốn là một trường trung cấp Sư phạm, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học. Nguyễn Sum cũng làm luận án tiến sĩ ở trong nước, tại Đại học Tổng hợp (tiền thân của Đại học Khoa học Tự nhiên) Hà Nội, trong thời lượng chuẩn lúc bấy giờ là 5 năm, từ 1989 tới 1994. Thời gian này Nguyễn Sum làm việc với tôi và giáo sư Huỳnh Mùi. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ tháng 3/1994.

Đây là lần đầu tiên Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho một nhà khoa học không làm việc tại Hà Nội, trung tâm khoa học số 1 của Việt Nam.

Đại học Quy Nhơn, nơi Nguyễn Sum làm việc, đang nổi lên như một trung tâm Toán học của Việt Nam, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo tôi, Đại học Quy Nhơn đang là đại học địa phương xuất sắc nhất trong nền Toán học Việt Nam hiện nay.

Quy Nhơn, chính xác là thành Đồ Bàn, từng là thủ phủ của Vương quốc Chămpa xưa. Nơi này đồng bằng đủ rộng, giàu sản vật của rừng, của biển, của ruộng đồng. Nơi địa linh nhân kiệt ấy đã từng là cái nôi chính của nền Thơ Mới nước ta, với Trường Thơ Loạn nổi tiếng (1936-1945): gồm Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, và Quách Tấn.

Đã nhiều lần tới Quy Nhơn, tôi mê thành phố biển đẹp tĩnh lặng và bình yên này. Đứng trên giảng đường Đại học Quy Nhơn ở tầng 10 hay tầng 12, nhìn thẳng ra vịnh Quy Nhơn xanh ngắt, tôi nhận ra rằng đây là giảng đường đẹp nhất mà tôi từng biết trên thế giới. Buổi chiều, sau một ngày làm việc, ngồi trong một quán trà, nhâm nhi tách café đặc sánh, đón gió mát lạnh từ biển, tôi yêu nhịp sống chậm của thành phố này.

Tôi nhận thấy các nhà Toán học ở Quy Nhơn làm việc với cái tâm rất tĩnh. Họ gắn bó hồn nhiên và lâu dài với thành phố này. Điều tưởng chừng đơn giản ấy, theo tôi, là một trong những cội nguồn chính của thành công.

Năm 2000, trong một báo cáo mời tại Hội nghị Đại số - Hình học - Tôpô toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn, tôi đã giới thiệu bài toán “hit” (có thể dịch là va đập) của Peterson và những ứng dụng của nó. Tôi đề nghị Nguyễn Sum theo đuổi bài toán này. Lúc ấy, anh đang bận bịu với công việc quản lý. Vì thế, bài toán “hit” càng thích hợp với anh. Bài toán này đòi hỏi một khối lượng tính toán khổng lồ, bù lại nó không cần quá nhiều sự cọ sát thường xuyên với những ý tưởng mới, điều không thể có ở Quy Nhơn; nó cơ bản đến mức không ai có quyền chối bỏ, và nó phức tạp đến mức ở những nơi có nhiều lựa chọn hơn thì những người làm toán thường “kính nhi viễn chi”, không đủ can đảm để nghiên cứu nó.

Năm 2009, khi Nguyễn Sum đang là một Phó Hiệu trưởng, thì Đại học Quy Nhơn trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Nguyễn Sum nhận trách nhiệm Quyền Hiệu trưởng trong 5 tháng, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2009, nhưng một mực từ chối chức vụ Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì thuyết phục. Đó là điều tôi chưa từng thấy trong xã hội chúng ta hiện nay.

Nguyễn Sum là người công bố rất ít. Anh điềm tĩnh lạ thường trên con đường riêng mà anh đã chọn trong khoa học. Khoảng 10-15 năm sau ngày tiếp xúc với bài toán “hit”, Nguyễn Sum đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực này. Anh công bố hai bài báo khoa học trên tạp chí hàng đầu “Advances in Mathematics”. Trong bài báo thứ nhất (26 trang, công bố năm 2010), anh phủ nhận giả thuyết Kameko, ra đời từ 1990. Giả thuyết này đưa ra một cận trên chính xác cho số phần tử sinh của đại số đa thức xem như một môđun trên đại số Steenrod. Cho tới lúc ấy, giả thuyết Kameko chiếm được niềm tin gần như tuyệt đối của hầu hết các chuyên gia trong Tôpô Đại số. Cụ thể hơn, nhiều đồng nghiệp tâm sự với tôi rằng họ định dành thời gian để tìm cách chứng minh giả thuyết, và không thấy ai tỏ ra nghi ngờ nó. Trong bài báo thứ hai (58 trang, công bố năm 2015), anh giải quyết trọn vẹn bài toán “hit” cho đại số đa thức bốn biến, trên cơ sở một công thức truy toán cho số phần tử sinh của đại số đa thức, phụ thuộc số biến của đại số ấy, xem như một môđun trên đại số Steenrod.

Bản thảo của công trình rất công phu này lúc đầu dài 240 trang, được viết xong từ 2007, một năm trước khi tác giả phủ nhận giả thuyết Kameko. Khó khăn nảy sinh là làm sao công bố được một bài báo dài như vậy trên một tạp chí quốc tế uy tín. May mắn thay, trên cơ sở những hiểu biết mới do sự phủ nhận giả thuyết Kameko đem lại, và lắng nghe sự góp ý của nhiều đồng nghiệp, Nguyễn Sum đã thu gọn được sự trình bày, để cuối cùng bài báo được in ra với dung lượng đáng kính nể, 58 trang.

Các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực Tôpô Đại số: các Giáo sư Haynes Miller (MIT, Massachusetts), William Singer (Fordham Univ., New York), và Lionel Schwartz (Univ. Paris 13, Pháp), khi được Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu tham vấn, đều ủng hộ mạnh mẽ việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho Nguyễn Sum với công trình nói trên.

Tôi tin rằng, cùng với giải thưởng này, một giai đoạn mới đã mở ra cho Đại học Quy Nhơn. Xin chân thành chúc mừng Nguyễn Sum và Đại học Quy Nhơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Việt Hưng

Nguồn tin: Tia Sáng