Trong cuộc chiến mật mã: Người giàu chưa chắc đã là kẻ mạnh

Trong cuộc chiến mật mã: Người giàu chưa chắc đã là kẻ mạnh
Công bố khoa học của nhà nghiên cứu mật mã Neal Koblitz (Mỹ) và Phan Dương Hiệu (Pháp) trong khuôn khổ Hội thảo mật mã Châu Á - AsiaCrypt 2016 về “Mật mã trong chiến tranh Việt Nam” hấp dẫn như một câu chuyện. Nó kể về quá trình Việt Nam đi từ một trình độ mật mã rất yếu cuối năm 1945 (tới mức để nguyên chìa khóa trong đoạn văn được mã hóa) cho đến việc tự phát triển một phương thức mật mã riêng, có thể bảo vệ các thông tin chiến thuật khỏi những tấn công phá mã của đối phương và thậm chí, phía Việt Nam còn phá mã các thông tin được mã hóa bằng thiết bị tối tân nhất của Mỹ. GS. Neal Koblitz đã trao đổi với Tia Sáng về những về những điều ông tâm đắc trong nghiên cứu này ngay sau khi hội thảo AsiaCrypt 2016 kết thúc.


Điệp viên Phạm Xuân Ẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái).

Có điều gì khiến ông bất ngờ khi thực hiện nghiên cứu này không?

Trong nghiên cứu của tôi có một vấn đề mà tôi đã không đề cập trong bài thuyết trình vì không đủ thời gian. Đó là khi Ban cơ Yếu của quân đội Việt Nam được thành lập vào ngày 12/9/1945, lúc đó trình độ mật mã Việt Nam  rất thấp. Tôi tự hỏi tại sao trước đó, Mỹ lại không giúp đỡ Việt Minh trong lĩnh vực thông tin tình báo (communication intelligence), dù đã có một cuộc gặp giữa đại diện của Chính phủ Mỹ với Hồ Chí Minh và Võ Nguyễn Giáp trong việc hợp tác cung cấp thông tin tình báo về hoạt động của quân đội Nhật trong khu vực. Đáng lẽ Mỹ hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Minh trong lĩnh vực mật mã để họ có thể gửi thông tin cho phía Mỹ dễ dàng hơn.  
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng sau đó trình độ của quân giải phóng trong việc mã hóa các thông tin mang tính chiến lược rất cao. Họ thậm chí tìm ra được điểm yếu trong thiết bị mã hóa tối tân nhất của Mỹ và còn tấn công phá mã bản tin của phía Mỹ. Không ai ngờ rằng một đất nước nghèo, một đội quân du kích hoạt động trong rừng sâu có thể bắt được thông tin mã hóa và giải mã thông tin của phía Mỹ. Hơn thế nữa, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, phía Việt Nam có thể đào tạo được những người hiểu được tiếng Anh, không phải chỉ thứ tiếng giao tiếp thông thường mà bao gồm cả những biệt ngữ, thuật ngữ rất phức tạp được sử dụng trong quân đội Mỹ. Phía Mỹ không tin được điều đó, họ nghĩ rằng việc Việt Nam [có nghe được cũng] không đời nào hiểu được họ đang nói gì.
Phía Pháp cũng đánh giá cao Việt Nam. Christopher Goscha, một chuyên gia hàng đầu thế giới nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, nói rằng trong số những cuộc đấu tranh chống chế độ thuộc địa, Việt Nam là nơi duy nhất có trình độ thông tin tình báo có thể so sánh được với đối thủ, kể cả Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) Algeria chống lại Pháp, hay những người Cộng hòa Indonesia chống lại người Hà Lan [hai trong số các cuộc chiến tranh chống thuộc địa nổi tiếng nhất thế giới] có trình độ thông tin tình báo kém hơn rất nhiều.  

Tuy nhiên, vẫn có giới hạn về trình độ sử dụng mật mã của Việt Nam vì trong nghiên cứu của mình, ông có chỉ ra rằng phía Việt Nam không thể giải mã được các thông tin chiến lược mã hóa của Mỹ?

Đúng là Việt Nam không thể giải mã được các thông tin chiến lược của Mỹ nhưng ngược lại, Mỹ cũng vậy. Hơn thế nữa, Việt Nam có Phạm Xuân Ẩn, một trong những điệp viên hàng đầu thế giới nắm giữ một lượng lớn thông tin chiến lược của Mỹ. Minh chứng cho điều này, có một câu nói nổi tiếng về Phạm Xuân Ẩn trong cuốn tiểu sử của ông, đó là: “Chúng ta dường như đang có mặt trong phòng tác chiến của Mỹ”. Những người trong hội thảo AsiaCrypt 2016 có lẽ hứng thú với những câu chuyện, không chỉ về mật mã mà còn về những điệp viên.


Theo Brian Snow (nguyên giám đốc kỹ thuật đơn vị bảo mật thông tin của NASA mà sau này gọi là IDA, Information Assurance Directorate) cho biết trong suốt chiến tranh Việt Nam, họ luôn xác định dùng công nghệ mật mã cao cấp nhất bất kể trình độ mật mã của Việt Nam ở đâu. Trong ảnh là NESTOR, thiết bị mã hóa thông tin qua radio, được cho là thiết bị mã hóa tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ. Nguồn: báo cáo của Neal Koblitz và Phan Dương Hiệu.

Ông còn nhắc tới Nguyễn Đình Ngọc trong nghiên cứu của mình nữa, đúng không?

Nguyễn Đình Ngọc là một người rất khiêm tốn và ít nói. Tôi không hề biết ông ấy nắm giữ một vị trí cao trong quân đội, tôi chỉ biết ông là một nhà toán học. Mỗi lần ông đến các buổi seminar, ông thường mặc quân phục khiến cho các nhà toán học khác lấy làm lạ và họ đùa rằng, lí do mà ông ấy ăn mặc như thế là vì hồi chiến tranh, làm tình báo nên dù ở trong quân đội, ông ấy cũng không được mặc quân phục nên bây giờ bù lại, ông ấy mặc suốt ngày. Nhưng Nguyễn Đình Ngọc không kể một chút gì về việc ông ấy đã làm trong chiến tranh. Còn với tôi, ông ấy là một người bạn, một nhà toán học và ông đã kể với tôi rất nhiều về Việt Nam.

Nguyễn Đình Ngọc là một người rất khác thường, ông ấy có thói quen ăn uống kì lạ và ông ấy say mê những thứ mà những nhà toán học khác cự tuyệt, chẳng hạn như chiêm tinh và bói toán. Nhưng tôi nghĩ có hai nhân cách trong con người Nguyễn Đình Ngọc [nhà toán học và nhà tình báo]. Ngô Bảo Châu nói với tôi rằng khi Nguyễn Đình Ngọc làm tình báo ở phía Nam, ông ấy bói chỉ tay rất giỏi nên thường được những tướng lĩnh cấp cao mời lên nói chuyện và nhờ đó ông thu thập được rất nhiều thông tin trong nội các. Rất lâu sau này khi hòa bình lập lại, ông ấy vẫn có những niềm tin kỳ bí nhưng có thể đó chỉ là thói quen không bỏ được, chẳng có gì chắc chắn rằng ông ấy thật sự có những niềm tin ấy. Giống như Phạm Xuân Ẩn, nhân cách điệp viên là một phần của con người ông Nguyễn Đình Ngọc mà ông ấy không dễ dàng từ bỏ ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa một thời gian dài, cũng giống như một diễn viên giỏi không thoát khỏi cái bóng vai diễn của mình.

Một trong những nhận định mà ông rút ra từ nghiên cứu của mình đó là “trong mật mã, bạn không cần giàu, bạn chỉ cần cái đầu thôi”. Vậy ông có thể nói rõ hơn về điều này không?

Khi bạn có một điệp vụ tốt, bạn đã có thông tin, đặc biệt là các thông tin mang tính chiến lược, bạn cần bảo vệ các thông tin mật đó. Vì vậy bạn cần phải đầu tư để phát triển một trình độ mật mã cao. Trong trường hợp này, Việt Nam dùng trí thông minh thay cho những thiết bị hiện đại đắt tiền mà họ không thể có. Họ chỉ dùng một quyển sách mã (codebook, nhiều người có thể đọc được) để mã hóa bước một và mã OTP để mã hóa bước hai (OTP - one-time pad, quyển mã dùng một lần1, chỉ được chia sẻ giữa hai người duy nhất là người gửi và người nhận được, in ở Liên Xô vì kích thước quá nhỏ và dễ dàng tiêu hủy khi gặp nguy biến). Ngoài ra, phía Việt Nam còn có trạm radio di động trong rừng để có thể tránh bị phát hiện nguồn tin nhưng đó cũng chỉ là công nghệ cơ bản. Trái lại, NSA [Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ] có thiết bị mã hóa rất đắt tiền nhưng nó lại không chạy tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Lợi thế mà NSA có là tiền bạc và công nghệ tối tân lại không hiệu quả cho lắm. Trong mật mã, không thể phụ thuộc vào thiết bị cao cấp hay tiền bạc để thành công, trí thông minh mới quan trọng.

Câu chuyện về lịch sử mật mã ở Việt Nam liên quan như thế nào đến niềm tin của nhiều người nghiên cứu mật mã rằng “mật mã có tiềm năng rất lớn bảo vệ những người yếu thế, những người bình thường trước những tổ chức quyền lực của chính phủ và các công ty khổng lồ” như ông viết trong nghiên cứu?

Tôi đã từng nói rằng mật mã không cần nhiều tiền và nó hoàn toàn là vấn đề thuộc về trí tuệ (cerebral). Trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, quân giải phóng của một nước nghèo khó với nguồn lực hạn chế đã sử dụng mật mã hiệu quả như bên đối thủ giàu có. Trong thời đại bây giờ, Edward Snowden, một người bình thường (bây giờ thì anh ấy nổi tiếng rồi), không có nhiều tiền bạc, cũng chẳng có quyền lực gì, cũng có thể dùng mật mã để thoát khỏi sự kiểm soát chính quyền và chuyển thành công toàn bộ thông tin cho phía báo chí. Rồi phía báo chí lại sử dụng mật mã (sau khi được Snowden hướng dẫn) để liên lạc với anh ấy. Có rất nhiều trường hợp mọi người sử dụng mật mã để bảo vệ bản thân mình khỏi sự đe dọa và theo dõi từ các cơ quan, tổ chức lớn. Mật mã là một công cụ bình đẳng cho tất cả mọi người, kể cả những người yếu thế, những người bình thường không có lợi thế về tiền bạc hay quyền lực sử dụng.

Ngoài những chi tiết sâu về kỹ thuật mật mã được sử dụng bởi hai nước mà vẫn chưa được giải mật, ông có câu hỏi nào chưa thể trả lời trong nghiên cứu này không?

Một điều tôi đã hỏi nhiều người. Đó là phía Việt Nam có biết là có một cuộc biểu tình diễn ra trong đơn vị tình báo của lực lượng không quân Mỹ (USAF) trong đợt dội bom vào Giáng Sinh năm 1972 ở Hà Nội? Họ đã giúp các trạm tên lửa đất đối không (SAM- Surface to air missle) của Việt Nam bằng cách từ chối thông báo tín hiệu của các trạm này cho lực lượng không quân của Mỹ, để có thể bảo vệ Hà Nội dễ dàng hơn?
Chúng tôi từng biết rằng thường xuyên có trường hợp những người lính Mỹ ở Việt Nam từ chối chiến đấu và sát thương cấp trên của họ, đặc biệt là khi trận chiến gần kết thúc. Quân đội Mỹ mất dần khả năng kiểm soát những người lính của mình và trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, họ có những đợt kiểm tra xem những sĩ quan cấp cao bị giết bởi quân giải phóng hay bởi chính những người lính của mình. Nhưng trong các cơ quan tình báo Mỹ, chưa bao giờ chúng tôi nghe đến những điều như vậy.
Một lí giải cho cuộc biểu tình này có thể là đơn vị tình báo của Mỹ ở Hà Nội biết rằng cuối năm 1972, chiến tranh sẽ kết thúc và Hà Nội đang chuẩn bị một lễ ăn mừng hòa bình lớn. Vậy mà cùng lúc, họ được ra lệnh phải tham gia cuộc tấn công Hà Nội. Vì là những sĩ quan tình báo, họ nhận thức rõ rằng cuộc tấn công trên không sẽ giết hại một số lượng lớn người dân thường chứ không phải là cuộc tấn công nhằm vào quân đội. Họ biết mục đích là để Mỹ đe dọa phía Việt Nam trong việc đàm phán hòa bình, giành lấy những điều khoản có lợi hơn cho mình. Sự kiện này lúc đó không ai biết, chỉ đến năm 1978 mới được tiết lộ trên một tờ báo. Có lẽ Ban Cơ yếu của Việt Nam không hề biết gì về nó, có lẽ vì nó nằm ngoài lĩnh vực của họ trong chiến tranh, nằm ngoài phần lịch sử mà họ biết.      

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Hảo Linh thực hiện