Vận hành phòng thí nghiệm triệu đô đào tạo nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam
- Thứ năm - 11/10/2018 23:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 11/10 phòng thí nghiệm hóa học phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng Khoa học phân tích, Đại học Khoa học Tự nhiên được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Phòng thí nghiệm được đầu tư nhiều thiết bị phân tích hiện đại phục vụ cho việc đào tạo các cấp, từ đại học đến tiến sĩ và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. Tổng giá trị thiết bị lên tới 1 triệu USD, giai đoạn được đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.
Lãnh đạo nhà trường và các chuyên gia cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm. Ảnh: BN. |
Đây là một trong những hạng mục đầu tư thuộc Chương trình Siêu đại học toàn cầu của Đại học Tokyo và Hiệp hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật Bản tại các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam là đối tác đầu tiên được thụ hưởng từ dự án.
Thông qua chương trình sẽ đào tạo các kĩ thuật phân tích hiện đại ứng dụng trong nghiên cứu môi trường và thực phẩm cho các cán bộ, sinh viên. Các cán bộ nghiên cứu, sinh viên sẽ được thực hành và thực hiện các bài tập sát với thực tế.
Về lâu dài chương trình tiến tới việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kĩ thuật tại các cơ sở có liên quan đến phân tích môi trường và thực phẩm trên cả nước.
Các sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm sáng 11/10. Ảnh: BN. |
Hiện trưởng dự án phía Nhật Bản là GS Takehiko Kitamori - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hoá học phân tích và chế tạo các thiết bị vi lưu (microfluidic) ứng dụng trong phân tích môi trường, thực phẩm và y học. Phía Việt Nam là GS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Đại học khoa học tự nhiên.
Hóa học phân tích là ngành khoa học để xác định tính chất, số lượng, cấu trúc của một chất, sản phẩm, mẫu vật... Đây là ngành tích hợp các ngành hóa học, vật lý, toán học, tin học, sinh học, môi trường, vũ trụ, hải dương học, địa chất, địa lý.