Vì sao virus corona chỉ "thích" tấn công phổi?

Vì sao virus corona chỉ "thích" tấn công phổi?
Theo GS Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, virus corona bản chất là từ nguồn gốc động vật và tấn công vào tế bào hô hấp.

Coronavirus có 4 chi khác nhau. Trong đó, chi beta-coronavirus có bao hàm những chủng rất nguy hiểm mà năm 2003 chúng ta gặp là SARS. Sau SARS, chúng ta có MERS-CoV. Hiện tại là chủng corona mới nCoV.

Con virus mới này khá tương đồng so với virus gây dịch SARS (85% gene tương đồng). Bản chất của nó có nguồn gốc có thể từ động vật hoang dã, nguyên nhân ban đầu có thể từ con dơi, lây sang động vật hoang dã khác rồi lây sang người.

Khi nó đã xâm nhập vào con người, lây từ người sang người, chúng ta cần phải ngăn chặn lây từ người sang người. Con virus này nhìn giống vương miện, nên người ta gọi nó là corona, theo tiếng Tây Ban Nha.

Hình dạng nó gồm nhiều chồi nhú, gai nhú, cấu tạo gồm các glycoprotein, gồm các S và M để có thể bám dính vào các tế bào niêm mạc đường hô hấp. Đặc biệt đích tấn công là các tế bào có điểm tiếp nhận CD26, khác với HIV là CD4.

Vì sao virus corona chỉ 'thích' tấn công phổi?
 

GS Kính lý giải, CD26 tập trung chủ yếu ở niêm mạc đường hô hấp và một số ở trong đường ruột. Cùng lúc nó có thể tấn công mạnh mẽ, cơ bản vẫn là đường hô hấp là chính, tấn công ở đường tiêu hóa và thận thứ yếu, chính vì thế người ta gọi là viêm đường hô hấp cấp.

Khi virus tấn công vào tế bào, nó xâm nhập với chồi nhú bên ngoài giống như gai trên vương miện, cắm neo vào tế bào niêm mạc hô hấp, tổng bộ gene của nó có khoảng 6500 kilo base pair, chui vào dễ dàng.

Cấu tạo gene bằng ARN sợi đơn, chui vào niêm mạc nó sao chép ngược trở lại thành ADN, sau đó nó nhân lên, nó bắt tế bào của chúng ta ở trong bào tương của tế bào hô hấp, nó phát triển hình thành nên thành mạch của virus mới.

Sau đủ thành phần, nó lại hoàn chỉnh, sau đó nó thoát chồi, chui ra khỏi tế bào và hủy tế bào đó đi. Sau đó xuất hiện các triệu chứng đường hô hấp. Con virus này có thể sống ở trong niêm mạc đường hô hấp thời kỳ đầu tới 4 ngày, SARS thì chỉ 1-2 ngày đã bùng phát rồi. 

 

Thời kỳ nằm trong đường hô hấp dài, ủ bệnh khá lâu, tối đa có thể tới 14 ngày. 9 ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam trung bình 10 ngày mới có dấu hiệu lâm sàng. Trong thời kỳ ủ bệnh, có lây hay không, hiện chưa rõ.

Theo luật của các bệnh nhiễm trùng do virus cấp tính, thời điểm lây nhiều nhất là vào thời kỳ khởi phát. Khi bệnh nhân bắt đầu ho, sốt, viêm long, chảy nước mũi, ho khạc, nó sẽ lây giọt bắn trong không khí chui qua đường hô hấp con người, có thể lây từ 1-5 người.

Rất lâu mới xuất hiện ca bệnh bởi phải ủ bệnh. So với SARS, nCoV chậm hơn, nhưng nguy hiểm vì lây lan âm thầm hơn. Sau đó nó lây lan rất nhanh ở các tỉnh của Trung Quốc. Lây ra theo đường hàng không tới 27-28 nước.

Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế cho biết: đến 16h00, ngày 8/02/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới đã có 34.909 trường hợp mắc, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 34.569, tổng số trường hợp tử vong: 724, trong đó, lục địa Trung Quốc: 722 người.

Theo nhận định của các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc nCoV đang giảm ngày thứ 2 liên tiếp ở Trung Quốc, Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này xấp xỉ 2 %, trong khi 82% số trường hợp mắc bệnh đều bị nhẹ.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng số ca nhiễm mới nCoV có thể tăng trở lại tuy nhiên các số liệu cho thấy trong 48 giờ đồng hồ qua tỷ lệ các ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn quá sớm để ăn mừng.

Tại cuộc họp báo ở trụ sở của cơ quan WHO, Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng có tín hiệu tích cực khi nhìn vào số lượng các ca nhiễm mới, tốc độ của các ca nhiễm mới đang có xu hướng chậm lại. Số liệu các ca nhiễm mới trong ngày 7/2 được xem là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 4/2

Nguồn tin: Vietnamnet