Viện Nghiên cứu phát triển Mekong: Trung thực trong nghiên cứu xã hội
- Thứ ba - 12/09/2017 08:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cán bộ Viện khảo sát tại Hà Giang trong dự án Đánh giá chương trình Giảm nghèo 135 năm 2014. TS. Phùng Đức Tùng bìa trái. Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.
Nghiên cứu ứng dụng là đòi hỏi bức thiết
Trong các xã hội chuyển đổi khi mà hệ thống an sinh xã hội và dịch vụ công chưa đầy đủ sẽ dẫn đến xu hướng các cá nhân tự xây dựng một hệ thống bảo hiểm cho chính mình để đối phó lại các rủi ro có thể gặp phải (như lo ngại về sự bất ổn định của nền kinh tế hay mất lòng tin vào sự phát triển bền vững sẽ dẫn đến các doanh nghiệp, cá nhân có xu hướng kinh doanh kiểu chụp giật, chỉ tập trung vào những mục tiêu kinh doanh ngắn hạn…). Bối cảnh mới đó rất cần các nhà nghiên cứu đưa ra câu trả lời dựa trên bằng chứng thực nghiệm cho các câu hỏi: các chính sách kinh tế xã hội hiện đang gặp phải những hạn chế gì và đâu là giải pháp.
Tuy nhiên, theo TS. Phùng Đức Tùng, người sáng lập và cũng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (Viện), từng có thâm niên nghiên cứu tại một đơn vị nghiên cứu công lập, hiện nay không phải viện nghiên cứu nào ở trong nước cũng đáp ứng được những thôi thúc đó. Rất nhiều đơn vị nghiên cứu đang có sức ì rất lớn, trong đó có một phần nguyên nhân do cơ chế phân bổ kinh phí đồng đều, không tự chủ trong nghiên cứu, thiếu sự cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn, nghiệm thu các công trình nghiên cứu. Hệ quả là có rất nhiều đề tài không có tính ứng dụng cao, còn môi trường học thuật thì trầm lắng. Do đó, anh và các cộng sự muốn xây dựng một đơn vị nghiên cứu độc lập, tự chủ mà ở đó phát huy được hết tiềm năng, đam mê nghiên cứu của mỗi cá nhân.
Chính vì mục tiêu như vậy, Viện của anh chỉ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay như bất bình đẳng, đói nghèo (cụ thể trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, phát triển nông nghiệp nông thôn, biến đổi khí hậu, tiếp cận các dịch vụ cơ bản). Trên cơ sở điều tra khảo sát, xây dựng dữ liệu thống kê, Viện đánh giá tác động của các dự án phát triển và chính sách xã hội ở Việt Nam. Nhiều chương trình nghiên cứu của các tổ chức tài trợ và cơ quan xây dựng chính sách xã hội ở Việt Nam trong thời gian gần đây đều có vai trò tư vấn của Viện. Một số ví dụ điển hình như các Báo cáo thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam (năm 2013, 2015), Các Báo cáo Nghèo của Ngân hàng Thế giới, Khảo sát về tình hình cư trú tại Việt Nam (nhằm góp ý cho các chương trình di dân và chính sách hộ khẩu) của Ngân hàng Thế giới, Đánh giá tác động của Chương trình giảm nghèo 135, Đánh giá tác động của các chính sách giảm nghèo của TP Hồ Chí Minh, Đánh giá tác động của các dự án nước sạch và vệ sinh khu vực nông thôn, Đánh giá tình trạng bất bình đẳng giới và tiếp cận công việc đối với nam giới và nữ giới tại nông thôn, Đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN), Đánh giá tác động của các hỗ trợ của Chính phủ Ireland, Cơ quan phát triển Úc hay Bộ Phát triển Anh …
Tuy nhiên, để xây dựng được báo cáo nghiên cứu thể hiện đúng bản chất của các vấn đề xã hội một cách trung thực, tránh ngụy tạo lại không phải là nhiệm vụ dễ dàng. “Điều đó cũng đòi hỏi sự nỗ lực, kiên định, mà nếu không vững tâm thì rất dễ đánh mất sự trung thực đó”, TS. Phùng Đức Tùng cho biết. Ví dụ, trong một dự án nghiên cứu đánh giá về tỷ lệ đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ Đỏ) của đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả nghiên cứu của Viện cho thấy chỉ có 49% diện tích đất của các hộ dân tộc thiểu số tại bốn tỉnh được khảo sát có sổ đỏ, một con số hoàn toàn gây “sốc” với các cơ quan quản lý và nhà tài trợ. “Thời điểm đó Bộ chủ quản dự án đã không thừa nhận con số này và thậm chí không muốn trả tiền cho nghiên cứu nhưng chúng tôi chỉ có thể nói rằng đó là sự thật, các cơ quan quản lý có thể kiểm tra lại kết quả điều tra để xác tín nó, còn chúng tôi không thể nói khác được”, TS. Phùng Đức Tùng nhớ lại.
Lấy ứng dụng để “nuôi” cơ bản
Các nghiên cứu ứng dụng không chỉ mang lại những khuyến nghị chính sách mà còn tạo ra nguồn thu tài chính và dữ liệu để làm “vốn liếng” cho các nghiên cứu hàn lâm, từ đó giúp Viện tăng cường công bố để tham gia thảo luận trong môi trường học thuật quốc tế. Kể từ ngày thành lập (năm 2013) đến nay, Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong đã công bố 60 bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín, được xếp hạng cao trong phân ngành kinh tế học (trung bình 12 bài/ năm). Đồng thời, nguồn dữ liệu của Viện còn rất hữu ích cho cộng đồng các nhà nghiên cứu khác ở Việt Nam. “Nhờ vào việc tham khảo và phân tích nguồn dữ liệu điều tra khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong mà nhóm của chúng tôi cũng đã công bố được một số bài viết trên các tạp chí quốc tế uy tín”, TS. Trần Quang Tuyến, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Cách bố trí công việc ở Viện cũng dành nhiều “đất” cho những nghiên cứu viên muốn chuyên tâm vào nghiên cứu cơ bản. TS. Nguyễn Việt Cường, phó Viện trưởng (đồng thời là giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân) và là một trong hai người sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong cho biết: “Tôi chỉ tổ chức thiết kế về mặt kỹ thuật cho các nghiên cứu ứng dụng của Viện, thậm chí tôi cũng ít tham gia các cuộc họp mang tính hành chính ở Viện mà chủ yếu dành thời gian để nghiên cứu cơ bản”.
Tuy nhiên, việc lấy nguồn thu từ nghiên cứu ứng dụng để “nuôi” các ý tưởng nghiên cứu cơ bản còn rất hạn chế. Bởi trong trường hợp các ý tưởng nghiên cứu cơ bản nằm ngoài phạm vi của các đề tài ứng dụng đang được thực hiện thì Viện sẽ phải “chắt bóp” nguồn tài chính cho hoạt động thường xuyên để tiến hành nghiên cứu. Nguồn kinh phí này khá eo hẹp, chỉ đủ cho các nghiên cứu viên trong Viện thực hiện những thực nghiệm nhỏ. “Ngoài ra, tìm kinh phí [bên ngoài Viện] cho các nghiên cứu cơ bản cũng tương đối khó khăn. Có những nghiên cứu rất có ý nghĩa trong khoa học hành vi, nhưng sẽ khó xin tài trợ vì bao giờ đơn vị tài trợ cũng hỏi ‘nghiên cứu này khả năng ứng dụng như thế nào, có ngụ ý chính sách gì không?’ ”, TS. Nguyễn Việt Cường, người được Repec xếp vào top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới nói.
“Tôi vẫn có một ước muốn ‘viển vông’ là Viện Mekong sẽ trở thành một nơi tụ hội được những nhân tài trong nghiên cứu xã hội đang ‘lang thang’ đi tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế ở Việt Nam (theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam chỉ có 432 nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất bản trên tạp chí quốc tế ISI, một con số quá ít ỏi so với một quốc gia gần 100 triệu dân), có đủ nguồn lực từ tài trợ, cùng nhau làm nghiên cứu cơ bản. Nhưng điều này khó thực hiện ở Việt Nam, khi mà nguồn kinh phí cho nghiên cứu xã hội còn ít ỏi, không có nhiều công ty tư nhân sẵn lòng làm ‘mạnh thường quân’. Trước đây, tôi cùng với một số nhà nghiên cứu có tiếng trong nước cũng từng xin một quỹ của quốc tế tài trợ cho việc thành lập một Viện nghiên cứu quốc tế trong vòng 10 năm thì lại vướng thủ tục pháp lý”, TS. Phùng Đức Tùng chia sẻ.
Khát vọng hình thành các thế hệ nhà nghiên cứu mới
Chưa thực hiện được mơ ước “viển vông” đó ngay, nhưng Viện Mekong đã và đang thực hiện được những mong muốn “thực tế” hơn, đó là đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp. Bởi vì, theo lãnh đạo Viện, “nhân lực là nguồn vốn duy nhất” mà họ có. “Khi thành lập, Viện không có gì cả, nguồn lực tài chính không, văn phòng không, chỉ có hai nhân lực chủ đạo là tôi và TS. Nguyễn Việt Cường cùng 6 cộng sự. Việc xây dựng hồ sơ để dự thầu các gói nghiên cứu đánh giá chỉ dựa vào lý lịch khoa học của cá nhân chúng tôi. Cũng dựa vào uy tín đó, dần dần chúng tôi liên kết các nhà nghiên cứu khác tham gia cùng. Giờ đây thì Viện cũng đã có uy tín và ít chịu ảnh hưởng bởi uy tín của các cá nhân trong Viện rồi. Vì vậy chúng tôi rút ra kết luận rằng có nhân lực là có tất cả”, TS. Phùng Đức Tùng nói.
Toàn bộ 16 người thuộc “thế hệ thứ nhất” được tuyển dụng kể từ khi thành lập Viện đều được “rèn luyện” qua rất nhiều nghiên cứu và được lãnh đạo Viện tư vấn, giới thiệu đi học ở nhiều nước phát triển. Không chỉ có các nghiên cứu viên thuộc “biên chế” của Viện được truyền đam mê nghiên cứu, mà hàng nghìn lượt điều tra viên (chủ yếu là sinh viên mới ra trường của các trường đại học thuộc khối kinh tế và xã hội) cũng được “lan tỏa” cảm hứng sau một quá trình dài đi khảo sát, “ba cùng” với người dân hay đặt chân tới những vùng đất khác nhau… “Nhiều ‘cô chiêu cậu ấm’ mới ra trường vào Viện làm thực tập sinh hoặc điều tra viên đã thay đổi hẳn cái nhìn về những vấn đề xã hội, muốn đóng góp chứ không chỉ đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình nữa”, TS. Phùng Đức Tùng kể lại.
Hiện nay, gần 20 cán bộ nghiên cứu thuộc “thế hệ thứ hai” cũng đang được “tôi luyện” trong quá trình nghiên cứu như vậy để chuẩn bị học tập tiếp ở nước ngoài. “Khi thế hệ thứ hai đi học là thời điểm thế hệ thứ nhất trở về để tiếp tục rèn giũa ‘thế hệ thứ ba’. Viện luôn muốn các nghiên cứu viên trẻ phát triển trong một môi trường làm việc phù hợp và phát huy được hết năng lực của mình nên chưa bao giờ chúng tôi nghĩ các thành viên khi đi học là phải quay về Viện. Trong vòng đời của Mekong mà có được 100 bạn đi học nước ngoài, trong đó có 1-2 bạn thành danh và có đóng góp lớn cho Việt Nam thì Viện đã hoàn thành một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của mình”, TS. Phùng Đức Tùng nói. Anh nói thêm: “Khi thế hệ thứ nhất, rồi thứ hai trở về là tôi có thể nghỉ hưu, giao lại Mekong cho các bạn ấy được rồi” trước sự ngạc nhiên của chúng tôi (vì anh vẫn còn trẻ) và giải thích “không thể làm lãnh đạo lâu được vì ai rồi sẽ tới lúc ‘cạn kiệt’ ý tưởng”.
-----------
* Repec là một dự án do hàng trăm tình nguyện viên ở nhiều nước trên thế giới tham gia xây dựng nhằm tập hợp, thống kê và phổ biến các ấn phẩm liên quan tới nghiên cứu kinh tế, khởi động từ năm 1997, được Ngân hàng Dự trữ liên bang St. Louis (Mỹ) tài trợ.