Xác định hoạt tính ức chế bệnh ung thư và HIV từ cây xạ đen
- Thứ năm - 06/06/2019 05:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí sinh hóa quốc tế Medicines của MDPI ngày 4/5 về lá cây xạ đen có tác dụng chống oxy hóa mạnh và ức chế bệnh ung thư. Tác giả là nhóm nghiên cứu người Việt Nam và Indonesia do PGS Trần Đăng Xuân,Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) đứng đầu.
Cây xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii. Các nhà khoa học đã thu thập lá cây xạ đen ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào 5/2017 để đánh giá hoạt tính chống oxy hóa gồm các chất phenolics (TPC) và flavonoids (TFC). Mẫu lá được khử trùng và sấy khô ở nhiệt độ 30 độ C, sau đó phân tách các phân đoạn hoạt tính từ chiết xuất của lá cây bằng phương pháp phân tích sắc khí ký ghép khối phổi (GC-MS) và sắc ký lỏng ghép khối phổ (EIS-MS).
Lá cây xạ đen. Ảnh: ST. |
Các thí nghiệm để đánh giá các hoạt chất có trong lá cây cũng được thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm tới hàm lượng phenolic – chứa nhiều hoạt động dược lý như khả năng chống oxy hóa và chống viêm, khả năng ức chế mạnh bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường. Các hoạt tính sinh học như kháng khuẩn, chống viêm, chống ung thư và ức chế protein kinase cũng được đánh giá.
Ngoài các hợp chất thuộc nhóm phenolics và flavonoids, trong cây xạ đen còn có một số hợp chất quan trọng như Maytenolione A (C30H46O4) và Celasdine B (C30H50O3) được phân lập từ lá cây xạ đen và được phát hiện có độc tính mạnh đối với các dòng tế bào ung thư cũng như hoạt động chống sao chép của HIV.
Các phát hiện của nghiên cứu này cho thấy lá cây xạ đen chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học có thể được khai thác cho mục đích y học và dược phẩm. Loại cây này có đặc tính chống oxy hóa mạnh, cho hàm lượng phenolics và flavonoids cao. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu sâu hơn về phân lập và tinh chế các thành phần chính này từ chiết xuất lá cây xạ đen.
PGS Trần Đăng Xuân cho rằng các cây dược liệu như xạ đen hứa hẹn mang nhiều giá trị lớn về y dược cũng như kinh tế cho Việt Nam, tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu cơ bản phân tích xác định rõ hàm lượng các chất hóa học cũng như hoạt tính sinh học trên tế bào và lâm sàng.
ộc giả quan tâm có thể tìm hiểu nghiên cứu tại đây
Nhóm nghiên cứu gồm các tác giả:
1. Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản);
2. Trần Đức Việt, nghiên cứu sinh Khoa Hợp tác và Phát triển Quốc tế (Đại học Hiroshima, Nhật Bản);
3. Trương Mai Vân, nghiên cứu sinh Khoa Hợp tác và Phát triển Quốc tế (Đại học Hiroshima, Nhật Bản);
4. Ramin Rayee , sinh viên Thạc sĩ Khoa Hợp tác và Phát triển Quốc tế (Đại học Hiroshima, Nhật Bản);
5.Yusuf Andriana – Nghiên cứu sinh Đại học Hiroshima, cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Indonesia;
6. PGS.TS Trần Hoàng Dũng (Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM, Việt Nam).