Hội nghị Tin học Châu Á lần thứ 7 về các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS 2015)

Hội nghị Tin học Châu Á lần thứ 7 về các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS 2015)
Từ ngày 23 đến 25 tháng 3 năm 2015, tại Bali, Indonesia đã diễn ra Hội nghị Tin học Châu Á lần thứ 7 về các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS 2015). Đây là Hội nghị khoa học thường niên do GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành, Trường Đại học Công nghệ Wroclaw (Ba Lan) sáng lập, lần đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Quảng Bình năm 2009.
 

Hội nghị Tin học Châu Á lần thứ 7 về các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS 2015)

Các học giả chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc

 
 
Năm nay, Hội nghị ACIIDS được tổ chức bởi Trường Đại học Bina Nusantara- Jakarta-Indonesia và Trường Đại học kỹ thuật Wrocław – Ba Lan, cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Kỹ thuật IEEE  Systems- Man-Cybernetics, Bộ Khoa học và Giáo dục – Ba Lan, Trường Đại học Quảng Bình và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tại hội nghị, các nhà khoa học đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới nhất về các hệ thống thông tin thông minh và các phương pháp xử lý, các mô hình cơ sở dữ liệu thông mình và ứng dụng của nó, bao gồm: hệ điều khiển thông minh và các hệ thống tự động hóa, hệ thống gia chuyên gia, trí tuệ nhân tạo, các phương pháp tính toán và xử lý thông minh, cơ sở dữ liệu tri thức, mạng xã hội, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tối ưu hóa, …

Hội nghị đã lắng nghe 4 bài diễn thuyết của các nhà khoa học có uy tín trên thế giới về các thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ tri thức và một phiên thuyết trình về công nghệ kỹ thuật của các chuyên gia của IBM và Microsoft. Tại hội nghị đã có hàng chục phiên làm việc chuyên sâu được tổ chức. Tại đó các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu của mình và nhận được nhiều phản hồi, thảo luận sôi nổi, chất lượng. Hội nghị cũng thu hút sự tham gia của một số nhà khoa học từ Việt Nam. Trường đại học Quảng Bình có TS. Hoàng Văn Dũng tham gia báo cáo tại phiên chuyên sâu “Tăng cường thực thế ảo và truyền thông 3D” về vấn đề liên quan đến điều khiển phương tiện vận tải không người lái.

Các công trình nghiên cứu khoa học gửi đến hội nghị sẽ phải vượt qua các vòng phản biện nghiêm ngặt của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về cùng lĩnh vực để được chọn lọc báo cáo tại các phiên chuyên sâu của hội nghị và được xuất bản trong 2 ấn phẩm Lecture Notes in Artificial Intelligence và Studies in Computational Intelligence của Nhà xuất bản danh giá Springer. Các bài báo xuất bản trong các ẩn phẩm của hội nghị được đánh chỉ mục và đánh giá bởi ISI conference proceeding (Thomson Reuters- một tổ chức đánh giá, thẩm định giá trị khoa học hàng đầu thế giới), EI, Scopus, DBLP và thư viện số ACM.

Lịch sử tổ chức hội nghị Tin học Châu Á về hệ thống thông tin và hệ cơ sở dữ liệu thông minh- ACIIDS:

Lần thứ

Nơi tổ chức hội nghị

Số bài gửi đến

Tác giả từ các quốc gia

Số bài được chấp nhận

1

Đồng Hới (Quảng Bình) - Việt Nam

242

27

83 oral

2

Huế - Việt Nam

330

35

96 oral, 32 poster

3

Daegu - Hàn Quốc

310

30

110 oral, 35 poster 

4

Cao Hùng - Đài Loan

470

15

161 oral

5

Kuala Lumpur -Malaysia

210

20

108 oral

6

Bangkok -Thailand

320

32

124 oral, 35 poster 

7

Bali - Indonesia

334

40

117 oral, 38 poster 


Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm
 

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành điều hành phiên toàn thể


Các học giả nghe báo cáo tại phiên toàn thể

Chất lượng các bài báo đã xuất bản trong những năm qua, cùng với uy tín và danh tiếng của GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành- người sáng lập và điều hành, hội nghị khoa học ACIIDS đã thu hút được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của nhiều nhà khoa học trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện kỹ thuật. Trải qua 7 năm hình thành và phát triển, hội nghị ACIIDS đã khẳng định được giá trị khoa học, uy tín và tầm ảnh hưởng trong giới khoa học thế giới. Các công trình được công bố trong kỷ yếu ACIIDS đã được được trích dẫn bởi các công trình nghiên cứu, tạp chí khoa học có uy tín trong lĩnh công nghệ thông tin và tự động hóa. Bên cạnh đó, hội nghị ACIIDS đã có tác động tích cực, đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển phong trào nghiên cứu và nâng cao chất lượng các công trình khoa học về lĩnh vực công nghệ thông tin và điện kỹ thuật đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của Việt Nam.

Hội nghị đã thành công tốt đẹp, tăng cường thêm sự kết nối của các nhà khoa học, các ý tưởng mới được đưa ra và thảo luận nghiêm túc, đồng thời các hợp tác giữa các nhà khoa học cũng đã được đề xuất. Theo kế hoạch hội nghị ACIIDS lần thứ 8 năm 2016 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng - Việt Nam. Theo dự kiến, hội nghị ACIIDS lần thứ 10 năm 2018 sẽ diễn ra ở Đồng Hới, Quảng Bình do Trường ĐH Quảng Bình phối với Trường Đại học Công nghệ Wroclaw (Ba Lan) đồng tổ chức. Đây là tâm huyết của GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành, một người con Quảng Bình, với mong muốn tạo ra môi trường, cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam, đặc biệt là giảng viên-nhà nghiên cứu của Trường ĐH Quảng Bình có điều kiện tiếp xúc, tham gia trình bày và trao đổi các kết quả nghiên cứu của mình với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của thế giới. Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để các nhà khoa học Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai.


Trao giải thưởng bài báo xuất sắc

Song song với chuỗi hội nghị ACIIDS, GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành đã sáng lập và điều hành một số hội nghị và tạp chí khoa học chuyên ngành khác. Điển hình như hội thảo quốc tế về các kỹ thuật thông minh, tính toán nhóm và ứng dụng (ICCCI), Tạp chí Việt Nam về khoa học máy tính (Vietnam Journal of Computer Science- VJCS). VJCS là một trong những tạp chí đầu tiên của Việt Nam mang tầm vóc và giá trị khoa học ngang tầm quốc tế do người Việt Nam sáng lập và điều hành được xuất bản bởi nhà xuất bản danh tiếng Springer. Với mong muốn tạo điều kiện cho các nhà khoa học ở những nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam được đọc các công trình nghiên cứu, bài báo miễn phí, GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành đã thành lập VJCS với loại hình tạp chí mở (mọi người có thể truy cập và tải về các bài báo). Đây là kết quả nỗ lực đầy tâm huyết của Giáo sư trong việc góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo tầng lớp các nhà nghiên cứu trẻ cho Việt Nam.

Phòng QLKH-HTQT

Nguồn tin: Quang Binh online