Ký ức ngày 'lên đường chiến đấu' của sinh viên Hà Nội
- Thứ ba - 28/04/2015 16:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tháng 9/1971, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng hơn 350 sinh viên Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay ở sân Thượng Đình, trao lại những cuốn vở viết dở cho các nữ sinh bởi thời đó giấy viết khan hiếm,chàng sinh viên khoa Văn nặng hơn 40 kg mặc nguyên chiếc áo trắng bước lên xe. Ông kể, khi nhận được giấy báo nhập ngũ, bạn bè còn trêu ông "mày cứ ở nhà làm thơ, bọn tao mỗi đứa một tay chiến đấu thêm một chút, có lẽ còn lãi hơn".
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp. Ảnh:Hoàng Phương. |
"Lính sinh viên được học hành nhiều năm, đọc sách nhiều, hiểu biết rộng. Trong lớp sinh viên lên đường khi ấy, có nhiều người thực sự rất tài hoa, trai Hà Nội chính gốc như Nguyễn Văn Thạc. Hắn rất giỏi văn thơ", ông Cầm chia sẻ. Ban ngày tập luyện tân binh vất vả, nhưng chiều về các anh lính mới lại rủ nhau đá bóng, tối đến thì sinh hoạt đại đội hoặc hành quân đêm. Đêm nào sinh hoạt đại đội là các "nghệ sĩ cây nhà lá vườn" lại đàn, hát, đọc thơ, thổi kèn.
Nhớ lại kỷ niệm khi còn huấn luyện ở vùng đồi Yên Thế (Hà Bắc cũ), ông Thái Minh Hùng, cựu sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, cười chia sẻ chuyện đồng đội đêm ngủ lấy nhọ nồi bôi đầy mặt bạn. Sáng hôm sau dậy hành quân cả đại đội mặt ai cũng đen kịt khiến đại đội trưởng phải nhắc nhở. Có người láu cá ròng ống hút vào bình tông đựng nước của đồng đội đi trước rồi vừa đi vừa hút. Khi bị phát hiện thì đuổi nhau náo loạn cả hàng quân.
Hơn 40 năm trôi qua, ông Nguyễn Dũng, cựu sinh viên khoa Chế tạo máy K15, Đại học Bách khoa không quên được giây phút chia xa Hà Nội vào đầu hè 1972. Từ ga Kép (Bắc Giang), đoàn tàu chở toàn tân binh sinh viên đi vào ga Quán Hành (Nghệ An) để từ đó hành quân bộ vào chiến trường. Ngày ấy chưa có cầu vượt Giải Phóng, đường xe lửa còn chạy qua gần phố Vọng, qua cổng parabol Bách khoa, cổng trường Kinh tế kế hoạch. Sinh viên của hai trường ấy là những người may mắn khi còn được vẫy chào cổng trường lần nữa.
"Khoảnh khắc biết mình thực sự rời xa mái trường, xa thủ đô, chúng tôi đều xúc động. Đứa cười phớ lớ bảo rồi sẽ có ngày về, cũng có đứa mắt đỏ hoe. Nếu ai đó nói không tiếc khi phải rời giảng đường, tôi cho rằng đó là nói dối. Vì thực sự những năm tháng được đi học là quãng thời gian đẹp nhất của người thanh niên", cựu sinh viên 62 tuổi chia sẻ. Ông bảo, xa Hà Nội nhớ nhất là que kem một hào mát lịm, hay cốc nước sen dừa bán gần công viên Thống Nhất. Cốc nước có dừa nạo, hạt sen ninh rất bùi là món giải khát mà sinh viên Bách khoa rất mê.
Ông Nguyễn Dũng (bên phải), cựu sinh viên Đại học Bách khoa và ông Nguyễn Chí Tuệ, Đại học Kinh tế quốc dân trong ngày gặp mặt truyền thống sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ảnh: Hoàng Phương. |
Những chàng lính sinh viên sau đó được biên chế vào các trung đoàn 95, 101 của Sư đoàn 325, tham gia những trận đánh ác liệt nhất. Trong balô của họ ngoài quân tư trang còn có cả sách ngoại ngữ, sách dạy bán dẫn hay tiểu thuyết.
Chàng sinh viên khoa Kinh tế Công nghiệp, Đại học Kinh tế Kế hoạch Nguyễn Chí Tuệ mang theo sách tiếng Nga để trên đường hành quân hay lúc ngủ võng tranh thủ nhẩm từ. Chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm lại đặt trong balô mấy cuốn tiểu thuyết kinh điển Bông hồng vàng, Núi đồi thảo nguyên, Chiến tranh và hoà bình… Những lúc phải mang vác nặng, họ còn xé sách ra thành nhiều phần rồi chia nhau giữ mỗi người một chương để lúc rảnh đọc cho nhau nghe.
Họa sĩ Lê Trí Dũng chẳng thể nào quên câu chuyện về chiếc balô sách của đồng đội Nguyễn Kim Duyệt (sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội). Anh Duyệt là pháo thủ xe tăng của Đại đội 4 (Lữ đoàn xe tăng 203). Khi chuẩn bị tham gia trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn, buồng chiến đấu của xe tăng chật hẹp, để nhường chỗ xếp đạn dược, các chiến sĩ bỏ hết tư trang ra ngoài.
Ba lô của mọi người được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt lúi húi tìm cách nhét balô vào góc buồng chiến đấu. Anh em nghĩ Duyệt nhặt nhạnh được thứ gì quý giá lắm mà giấu diếm như vàng. Còn anh lẳng lặng tháo hẳn mấy viên đạn ra, nhét cái ba lô sâu vào sát vành tháp pháo và cố định đạn lại như cũ. Đến khi anh trúng đạn, hy sinh ngày 28/4/1975, đồng đội dỡ chiếc balô mới ngỡ ngàng khi thấy toàn sách học tiếng Anh, tiếng Pháp, từ điển Anh - Việt.
"Chúng tôi còn nợ bạn ấy một lời xin lỗi chưa kịp nói khi đã nghĩ oan về món đồ cất trong chiếc balô. Duyệt luôn mong ước sau ngày thống nhất được trở về học tiếp, vậy mà không thực hiện được", họa sĩ Lê Trí Dũng trầm ngâm nói.
Tượng đài Sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc được xây dựng trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Phương. |
Sau ngày thống nhất, nhiều người mang thương tật trở về, lên giảng đường học tiếp. Ông Phạm Thành Hưng, cựu sinh viên Đại học Tổng hợp, bị thủng màng nhĩ tai phải do sức ép của pháo kích, vui vẻ kể mỗi khi nói chuyện với bạn gái bao giờ cũng bắt cô ấy ngồi bên trái, không được ngồi bên phải. Còn cựu sinh viên Nguyễn Dũng dù công tác ở phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa khá bận rộn, nhưng hàng năm đều bỏ thời gian trở về chiến trường, đi tìm hài cốt của những người bạn học nằm xuống ở các mặt trận phía Nam.
Năm 2006, để tri ân những sinh viên rời giảng đường ra trận, một tượng đài Sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc được xây dựng trong khuôn viên Đại học Bách khoa. Tượng đài được làm từ đá cẩm thạch, đặt trước khu nhà C1, nơi làm lễ xuất quân đưa tiễn hơn 3.000 thầy trò trường Bách khoa lên đường nhập ngũ từ năm 1970 đến 1972. Hoa tươi được các sinh viên thay hàng ngày và đều đặn sáng thứ hai, thứ sáu hàng tuần tổ chức chào cờ trước tượng đài. Tại Đại học Kinh tế quốc dân cũng có một tượng đài tưởng nhớ những người lính sinh viên.
Quỳnh Trang - Hoàng Phương