Để Harvard không tuột mất tỷ phú
- Chủ nhật - 28/06/2015 18:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tác giả cũng đề xuất một quy trình tuyển sinh mới để không bỏ sót những nhân tài sẽ mang lại nguồn ngân sách quan trọng cho Harvard – nguồn thu quyết định sống còn của các trường tư hiện nay. Quan điểm của tác giả được thể hiện dưới dạng một bức thư nhân danh bộ phận tuyển sinh Harvard gửi cho công ty quản lý trường này.
Dưới đây là nội dung “bức thư”:
Từ: Bộ phận tuyển sinh Harvard
Gửi: Công ty Quản lý Harvard
Đã vài tuần đau khổ kể từ khi Steve Schwarzman tiết lộ rằng chúng tôi đã từ chối ông vào niên khóa 1969. Như tất cả chúng ta biết, tỷ phú quỹ tư nhân (có giá trị ròng 13 tỷ đô la và còn đang leo cao) từng lên sóng kênh Bloomberg và chia sẻ rằng giám đốc tuyển sinh Harvard từng viết thư cho ông cách đây vài năm để nói rằng: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã phạm sai lầm”. Ông cũng vừa thông báo dành tặng món quà 150 triệu đô la cho Yale để dựng một tượng đài cho sự ngu xuẩn của chúng tôi.
Chúng tôi, với nhiệm vụ tuyển sinh, đã hoàn tất việc xem xét yêu cầu của các ông về những trường hợp sai lầm này. Chúng tôi đưa ra kết luận như sau: a) Chúng tôi phải nâng cao nỗ lực tự hạ mình, b) Quy trình tuyển sinh của Harvard phải được đại tu.
Những sai lầm như thế này chứng minh một điều rằng quy trình tuyển sinh hiện tại được thiết kế không đủ hoàn hảo để phát hiện và mỉm cười với những đứa trẻ có khả năng trở thành tỷ phú.
Dự đoán giá trị (đô la) trong tương lai của một đứa trẻ 17 tuổi không phải là vấn đề đơn giản. Chúng tôi, với nhiệm vụ tuyển sinh, đã làm theo yêu cầu của Công ty Quản lý Harvard, đọc những thống kê mà các ông đã rất tử tế gửi qua, và chúng tôi đã xây dựng một quy trình mới. Sau khi thử nghiệm với một thế hệ sinh viên đại học, nó cho thấy hiệu quả cao hơn trong việc xác định “các mục tiêu tiềm năng” hơn bất cứ quy trình lựa chọn nhân tài nổi tiếng nào khác.
Cụ thể, mô hình mới của chúng tôi đã giúp chúng tôi khám phá ra mối tương quan tích cực và khăng khít giữa 3 nét tính cách dưới đây với khả năng đẻ ra những khối tài sản khổng lồ, đặc biệt là tài sản trên phố Wall. Ba tính cách đó gồm có:
1. Tự tôn. Từ những chia sẻ công khai của tỷ phú Steve Schwarzman, chúng ta biết rằng năm 17, 18 tuổi, ông đã rất chắc chắn về việc Harvard đã sai lầm khi từ chối ông và ông đã gọi trực tiếp cho giám đốc tuyển sinh để nói với điều đó.
Trước đây đã từng có một số trường hợp như thế ở Harvard. Một đứa trẻ có khả năng kiếm tiền xuất sắc khi lớn lên dường như có tương quan mạnh mẽ với khả năng đứa trẻ đó thách thức các lãnh đạo khi họ không cho đứa trẻ đúng cái nó muốn.
Giống như tất cả tính cách khác, tính tự tôn rất khó nhận ra. Nhưng chúng tôi đã tìm ra một cách: chính là khảo sát các hiệu trưởng trường trung học. Ở mỗi lớp trung học đều có 1, 2 học sinh tìm cách thuyết phục hiệu trưởng rằng em đó “đồng cảm” với những vấn đề mà hiệu trưởng đang phải đối mặt. Những em này sẽ “mò” tới văn phòng hiệu trưởng để đưa lời khuyên, hay đơn giản là giả vờ đồng cảm với bất cứ vấn đề gì đang làm phiền lòng vị hiệu trưởng. Cậu ta/ cô ta khăng khăng như thể mình đang là “ông chủ” – mà không hề quan tâm tới việc mình đang làm phiền vị lãnh đạo như thế nào. Chúng ta đã mất nhiều tỷ phú phố Street tương lai đơn giản chỉ vì một số hiệu trưởng đã nhận xét trong học bạ những học sinh như thế này là “phiền toái”.
2. Cần được công nhận. Tất nhiên từ trước tới giờ chúng ta đã sàng lọc yếu tố này, nhưng lại làm một cách gián tiếp qua việc đặt nặng điểm số của một đứa trẻ. Sự thành công trong lớp học có thể chỉ đơn giản là nhờ trí thông minh, hay tệ hơn là học lệch. Ví dụ, thành tích học tập cao có thể khiến chúng ta nhận chủ nhân giải Nobel, nhà hóa học Martin Chalfie hay nhà soạn nhạc giành giải Pulitzer John Adams niên khóa 1969. Nhưng cả hai người trong số họ sẽ không mang lại cho Harvard bất cứ cái gì giống như 150 triệu đô. Những nhân vật này đã cướp đi của Schwarzman và những người khác giống ông những chỗ ngồi xứng đáng nhất ở Harvard.
Tỷ phú Steve Schwarzman - người bị Harvard từ chối năm 1969 |
Quy trình tuyển sinh mới sẽ không mắc sai lầm tương tự. Bằng cách chắt lọc nhận xét của giáo viên để tìm ra những cụm từ như “ham học hỏi”, “có thể mất kiểm soát khi đề cập đến một chủ đề nào đó”, và tránh những học sinh được nhận xét quá rõ ràng, chúng ta có thể tìm ra những học sinh có khả năng đạt điểm cao vì những lý do bị cho là sai lầm. Trên hết, chúng tôi sẽ tránh những học sinh cho rằng họ có sự thôi thúc mạnh mẽ với con đường này, sự nghiệp kia, bởi lẽ họ sẽ là lời nguyền rủa cho sứ mệnh của Harvard. Nếu họ có khả năng tìm ra mục đích thực sự trong cuộc sống, họ sẽ không thể có những “lỗ hổng” bên trong chính mình để rồi phải nỗ lực để lấp đầy bằng một đống tiền khổng lồ.
3. Nhân tố bí ẩn. Tính cách thứ ba khó định nghĩa hơn. Đó là khả năng tỏ ra là một đồng đội rất vị tha trong khi thực ra lại hành động theo cách khá ích kỷ. Ở một đứa trẻ, nhân tố bí ẩn này có thể tự bộc lộ và khiến đứa trẻ này có vẻ tốt hơn khi so sánh với đứa trẻ khác.
Có lẽ, các vị - những người của Công ty Quản lý Harvard đang nghĩ rằng: Quy trình mới này khá ổn để tìm ra các tỷ phú tương lai, nhưng đó mới chỉ là một nửa trận chiến. Chúng ta sẽ làm thế nào thuyết phục họ chia sẻ tài sản của mình với Harvard? Đây chính là cái hay trong quy trình tuyển sinh của chúng tôi.
Những phẩm chất mà chúng tôi cho là có thể đưa một đứa trẻ trở thành tỷ phú cũng chính là những phẩm chất khiến đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ trao một khổi tài sản lớn cho các trường đại học giàu có, thay vì quyên góp cho những tổ chức từ thiện đang khát tiền.
Những đứa trẻ này không được đưa tới Trái đất để làm giảm bớt đau khổ của con người, mà là để tạo nên sự khác biệt, để Trái đất trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng được đưa tới đây để dựng lên một tòa nhà được đặt tên theo tên của mình ở một nơi có thể được nhìn thấy và được ngưỡng mộ bởi những người giống như chúng.
Tuy nhiên, chúng tôi – những người làm công việc tuyển sinh – không hề có ý tỏ ra hả hê. Chúng tôi biết những rủi ro trong tiêu chí tuyển sinh mới của Harvard – rằng những phẩm chất có nhiều khả năng đưa một đứa trẻ thành một triệu phú trong tương lai cũng chính là những thứ dễ dẫn đến tương lai của những kẻ giết người hàng loạt, những kẻ bạo lực, ngược đãi động vật hay những kẻ chết nhát.
Chúng tôi không giả vờ rằng chúng tôi có thể giải đáp mọi vấn đề. Trong một thế giới hoàn hảo, giả dụ, một ngày nào đó mô hình tuyển sinh của chúng tôi sẽ chỉ tìm ra những học sinh có khả năng ngụy tạo điểm số cao, hơn là đạt được nó một cách trung thực. Một học sinh đạt điểm A cho bài luận chỉ ở mức điểm B chắc chắn sẽ là một ứng viên hứa hẹn hơn một học sinh giỏi thực sự.
Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi chắc chắn. Chúng ta – Harvard – phải bỏ ngay ý tưởng cũ rích của chúng ta về cái gọi là “phẩm chất mong muốn” ở một đứa trẻ. Đứng đầu trong số đó là khái niệm lạc hậu và mơ hồ về “tính cách”. Chúng ta tha thứ cho hầu hết bất kỳ hành vi nào của các tỷ phú – những người mang tiền đến cho chúng ta, thì tại sao chúng ta không thể tha thứ cho những hành vi tương tự ở những đứa trẻ sẽ trở thành tỷ phú trong tương lai?
Bài viết của tác giả Michael Lewis – một nhà báo tài chính của Mỹ, cựu sinh viên ĐH Princeton. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy như: Liar's Poker (1989), The New New Thing (2000), Moneyball: The Art of Winning an Unfair Game (2003), The Blind Side: Evolution of a Game (2006)… |
- Nguyễn Thảo (Theo New York Times)