Người đồng hành 33 năm với học sinh giỏi

Người đồng hành 33 năm với học sinh giỏi
Tuổi ngoài 70, PGS Nguyễn Thế Khôi vẫn thường xuyên đi xe máy hơn 8 km từ nhà đến giảng đường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

 Ông là người đồng hành trong gần suốt 33 năm học sinh Việt Nam(VN)  tham dự Olympic Vật lý châu Á và Quốc tế, cùng chặng đường 15 năm của chương trình trò chơi truyền hình “Đường lên đỉnh Olympia”.

33 năm, học sinh giỏi
PGS. TSKH. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thế Khôi

Những ấn tượng sâu sắc của một trưởng đoàn

Năm 1982, VN lần đầu tiên tham gia kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế ở Bulgari. Trưởng đoàn Việt nam năm đó là cố GS Dương Trọng Bái. Thầy Khôi  là một trong những người được Bộ GD-ĐT tập hợp để tuyển chọn, huấn luyện học sinh đội tuyển.

Kể từ đó, trừ một số năm học tập và làm việc ở nước ngoài, hằng năm, thầy Khôi đều tham gia vào việc huấn luyện các đội tuyển. Từ năm 2003 đến nay, thầy đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn đội tuyển Vật lí.

“Đây là một điều may mắn, vì được làm việc với các em học sinh giỏi, với các thầy giáo trẻ, tôi thấy mình trẻ ra” – thầy Khôi chia sẻ.

Năm 2002, Olympic Vật lý Quốc tế được tổ chức ở Bali (Indonesia).

Năm đó, Đặng Ngọc Dương được giải nhất tuyệt đối (vị trí này thường là do học sinh đoàn Trung Quốc giữ).

Dương còn có điểm cao hơn người thứ nhì (đoàn Trung Quốc) khoảng 2 điểm. Đây là lần duy nhất cho đến nay, một học sinh VN được giải nhất tuyệt đối.

Năm đó, Dương được 3 lần gọi lên nhận phần thưởng: một lần vì đạt Huy chương vàng, một lần vì đạt giải nhất tuyệt đối, do một GS đoạt giải Nobel trao tặng, và một lần là vì đạt giải thưởng đặc biệt về bài thí nghiệm tốt nhất (thí nghiệm vốn là lĩnh vực mà học sinh ta còn tương đối yếu!).  

Một kỉ niệm đáng nhớ nữa là năm 2005. Nguyễn Phương Dung, Vĩnh Phúc, dự thi Olympic Vật lý Quốc tế ở Tây Ban Nha. Dung là thí sinh nữ duy nhất năm đó giành Huy chương Vàng huy chương vàng của cuộc thi. Đây là kết quả hiếm có.

Gần đây nhất, trong kì IPhO ở Kazakhstan năm 2014, Đỗ Thị Bích Huệ (Hà Nội), cũng đã giành được huy chương vàng, rồi giải thưởng đặc biệt cho nữ sinh có thành tích cao nhất, giải thưởng đặc biệt cho nữ sinh châu Á có thành tích cao nhất.

Dung, Huệ đều được cả hội trường đứng dậy vỗ tay khi lên nhận các giải thưởng đặc biệt này.

“Đó là những kỉ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên” – thầy Khôi hồi tưởng.

 
 
33 năm, học sinh giỏi

Cùng đoàn học sinh và giáo viên tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2012

Còn kỉ niệm “buồn” là  kì thi APhO năm 2002 ở Singapore. Cả đoàn với 8 học sinh dự thi không được một giải nào.

Thành tích nhiều là vậy, nhưng dường số học sinh sau các kỳ thi với những tấm huy chương vẻ vang lại chuyển sang các lĩnh vực khác như khoa học ứng dụng, tài chính, kinh doanh…Đó là điều mà thầy Khôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác suy nghĩ nhiều.

Không có điều kiện nắm tình hình của tất cả các em đã tham dự các kì thi APhO và IPhO, nhưng qua trao đổi với những học sinh còn giữ được liên lạc, thầy Khôi biết rằng nhiều em đã rẽ sang những lĩnh vực khác.  

“Nhưng điều đáng mừng là trong những năm gần đây, khá nhiều em từ các đội tuyển đã chọn học cao hơn về vật lý và khoa học. Hiện nay, ở MIT, một trong những trường đại học lớn và nổi tiếng bậc nhất của Mĩ, có 5 em là thành viên các đội tuyển vật lý trước đây đang theo học” – thầy Khôi cho biết.

Học được nhiều trong khi chơi

PGS Khôi được mời làm cố vấn môn Vật lý cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia gần như từ những ngày đầu của chương trình này.

Mấy năm gần đây, sau các kỳ chung kết, cuộc thi thường có tranh cãi về đáp án của câu hỏi.

Thầy Khôi kể lại một lần như vậy.

Trong kì thi chung kết cách đây hai năm, có câu hỏi bằng video khá hay do các bạn cựu thí sinh Olympia từ Úc gửi về. Các em thí sinh trả lời chưa đúng. Khi được mời giải đáp, thầy Khôi đã giải thích theo hướng vận dụng những kiến thức, các quy luật vật lý mà các em đã học vào tình huống cụ thể của câu hỏi.

Sau cuộc thi, có một số bạn phóng viên nêu ý kiến của một số người, trong đó có một số giáo viên, giải thích theo cách khác, và cho rằng cách giải thích của của thầy là dài dòng, phức tạp.

"Tôi đã đáp lại rằng Đường lên đỉnh Olympia là một sân chơi, mà ở đó học sinh vừa chơi, vừa học. Vì vậy, khi giải đáp, tôi muốn định hướng cho các em cách vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết một vấn đề cụ thể. Như thế, các em sẽ học được nhiều hơn trong khi chơi”.

  • Bài và ảnh: Văn Chung

 

Nguồn tin: Vietnamnet