Nhóm sinh viên ra đề thi nhiều gấp… 45 lần Bộ Giáo dục
- Thứ năm - 04/06/2015 20:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhóm sinh viên này gồm có Nguyễn Thế Hưng (á khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012), Nguyễn Thị Thùy Vân (giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012), Mai Tôn Minh Trang (Giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012) và Đoàn Thị Mai – hiện cùng học tại lớp chất lượng cao khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, và Mai Diệp Anh (sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội), từng đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 2012.
Từ trái qua phải: Nguyễn Thế Hưng, Mai Diệp Anh, Nguyễn Thị Thuỳ Vân, Đoàn Thị Mai, Mai Tôn Minh Trang |
Đề thi tự nhiên như “hơi thở cuộc sống”
45 đề thi - trong cuốn sách Tuyển tập 90 đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ văn (tập 2) sẽ ra mắt vào ngày 6/6 này - được các bạn gấp rút làm trong vòng 2 tháng.
Trước đó, nhóm đã biên soạn tập 1, và cả cuốn “Tổng hợp câu hỏi và kỹ năng làm bài thi môn Ngữ văn”. Tuy nhiên, theo các thành viên, thì lần làm sách này vất vả hơn hẳn những lần trước.
“Ý định làm cuốn tập 2 chúng tôi đã có từ trước đó. Nhưng ngay khi bắt tay vào chuẩn bị, thì cuối tháng 3 vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa” - Diệp Anh cho biết. “Tập 1 dễ làm hơn vì theo cấu trúc đề thi cũ, đã quen thuộc. Ví dụ như câu nghị luận văn học chỉ là đơn giản phân tích một đoạn văn, một tác phẩm. Nhưng làm tập hai này chúng tôi rất vất vả, vì chỉ có duy nhất một đề minh họa của Bộ để tham khảo và làm theo”.
Phần làm đề thi có nhiều công đoạn, và được các thành viên trong nhóm phân công nhau cụ thể. Thế Hưng và Thùy Vân tự tin về kiến thức Tiếng Việt nên chịu trách nhiệm về phần đọc hiểu nội dung văn bản. Minh Trang nắm rất vững về xã hội nên lo phần nghị luận xã hội. Mai và Diệp Anh chịu trách nhiệm phần nghị luận văn học.
Thời điểm làm đề thi cũng trùng đúng vào thời gian thi học kỳ, vì vậy cả nhóm phải căng hết sức để theo hòan thành khối lượng bài vở trên lớp cũng như làm đề. “Có những ngày ngoài thời gian học em còn dành ra 6, 7 tiếng để soạn đề thi” – Diệp Anh cho biết. Còn trưởng nhóm Hưng có những đêm chỉ được ngủ ba giờ đồng hồ.
“Nhưng càng áp lực em càng làm tốt” – cô sinh viên trường Luật khẳng định.
Điều khiến cho cuốn sách này dù chưa chính thức ra mắt đã tạo được sự mong chờ của đông đảo bạn trẻ, bởi, như các thành viên chia sẻ, “Chúng tôi muốn phả hơi thở của giới trẻ vào vào đó, để đề thi gần gũi hơn với các em, không xa xôi cũng không truyền thống. Để các em được làm bài thi bằng trải nghiệm cuộc sống của chính tuổi trẻ các em”.
“Hơi thở cuộc sống” được các bạn đặt vào những đề thi như: Trong đoạn kết của bộ phim Fast and furiuos 7 (quá nhanh, quá nguy hiểm), sau khi cùng nhau trải qua hàng loạt khó khăn để bảo vệ gia đình mình, nhân vật Dom đã nói với người anh em của mình rằng: Cho dù cậu có ở đâu, cách hàng dặm xa hay là nửa vòng Trái đất, cậu sẽ mãi ở trong tim chúng tôi và chúng tôi sẽ mãi là gia đình của cậu.
Từ câu nói trên, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ về vai trò của tình cảm gia đình đối với đời sống mỗi con người.
Hay là câu nghị luận xã hội mà nhóm công bố trước khi ra mắt cuốn sách nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ: Trong bộ film “You’re the apple of my eye”, nhân vật chính Kha Đằng sau khi đã đi qua tuổi thanh xuân sôi nổi, nhiều thăng trầm, đã nhận ra rằng: Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại, để được ướt thêm một lần nữa.
Từ câu nói trên, anh (chị) có suy nghĩ gì về ý nghĩa của những thăng trầm của những năm tháng tuổi trẻ? Hãy trình bày suy nghĩ ấy bằng một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ).
Quan trọng vẫn là nắm phương pháp
Những nhà giáo, luật sư tương lai nghĩ gì khi từ những người chuyên nhận đề thi chuyển sang đứng ở vai trò người làm đề thi? “Chúng tôi không dám tự nhận mở ra cuộc cách mạng trong việc ra đề, nhưng chúng tôi là người tâm huyết với cái mới”.
Với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố, Diệp Anh nhận xét “Thực ra, ngay cả sinh viên chúng tôi đã thấy khó rồi. Tinh thần ra đề theo như đề thi minh họa của Bộ là hơi cao so với trình độ học sinh phổ thông hiện nay. Tôi phải nhận xét là cách dạy của giáo viên hiện nay hơi loãng”.
Với tư cách một giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn văn, theo Diệp Anh, nhà trường hiện nay thay vì dạy kỹ năng thì chủ yếu dạy kiến thức, vì vậy, học sinh sẽ rất khó khăn khi tiếp cận cách ra đề mới. “Ví dụ, như trước đây câu nghị luận văn học chủ yếu là phân tích tác phẩm, thì làm kiểu gì các em cũng được ít nhất một nửa số điểm. Nhưng ra theo cách ra đề mới, không yêu cầu phân tích mà lại so sánh, thì các em không biết làm. Trong khi đó, nếu các em được dạy và nắm được kỹ năng làm bài, thì dù đưa tác phẩm nào vào cũng vẫn làm được”.
Nguyễn Thế Hưng cũng cho rằng giáo viên thường cũng chủ yếu chú ý luyện lại các đề thi đã có nên ít chú ý đến việc tìm kiếm, thiết kế đề mới. Vì vậy, nhiều học sinh vẫn quen theo nếp cũ. Bên cạnh những phản hồi tích cực, vẫn có những phản hồi nói rằng đề thi của nhóm khó. “Quan trọng là các em biết được phương pháp làm bài, vận dụng được sự hiểu biết của mình thì việc làm bài sẽ không khó” - Thế Hưng khẳng định.
“Bao giờ cái mới được đưa ra cũng có dư luận khác nhau. Bản thân chúng tôi khi làm đề thi không nghĩ là khó, đó không phải là chủ đích của chúng tôi”.
Đã có nhiều phản hồi về kiến thức xã hội được nhóm đưa vào đề thi. Ví dụ như, với đề thi nếu vấn đề được trích dẫn từ một bộ phim, đã có phản hồi là “Những ai không xem bộ phim đó thì không làm được bài à? Trượt đại học hết à?”… Nhưng các thành viên trong nhóm cũng mừng vì có khi chưa kịp phản hồi đã có những ý kiến “bảo vệ” như “Bạn phải hiểu được bản chất vấn đề, liên hệ được với cuộc sống và các vấn đề khác, chứ không phải là việc có xem phim hay không”.
“Chúng tôi rất vui khi được một số giáo viên gọi điện góp ý rằng ở một số đề thi phần đọc hiểu còn mang tính hàn lâm quá... Đây sẽ là cơ sở để chúng tôi chỉnh sửa cho phù hợp hơn trong những lần sắp tới”.
Ngân Anh