Phát âm sai, giáo viên tiếng Anh bị học trò phàn nàn

Phát âm sai, giáo viên tiếng Anh bị học trò phàn nàn
Chuyện một số giáo viên phát âm tiếng Anh sai, khả năng ngoại ngữ đôi khi không bằng học sinh được giao tiếp nhiều với người nước ngoài, là thực tế mà nhiều phụ huynh, học sinh phản ánh.

Chị Minh, giảng viên tiếng Anh của một ĐH lớn tại Hà Nội chia sẻ, năm ngoái con gái liên tục phàn nàn cô giáo ở trường tiểu học phát âm tiếng Anh sai lung tung. Khi còn học mẫu giáo, con của chị cũng từng kêu với mẹ: "Mẹ ơi, mẹ bảo cô đi, cô cứ đọc từ "elephant" là "i-li-phần" (trong khi ở nhà chị Minh dạy con phát âm là e-lờ-phần-t). Khi đó tôi đang dạy lớp bồi dưỡng giáo viên ở trường mầm non của con, cả mẹ và cô nhìn nhau cười ngượng", chị Minh kể.

Nhiều học sinh khác từng học thêm với giáo viên nước ngoài đều chia sẻ, không ít thầy cô ở trường phát âm tiếng Anh không chuẩn. "Một số giáo viên Việt Nam phát âm sai lệch hoàn toàn so với cách người nước ngoài nói. Các thầy cô này đa số là lớn tuổi", Diệu Anh (lớp 8, THCS Marie Curie) nói.

Thu Minh (lớp 12, THPT Cầu Giấy) thật thà tâm sự, bản thân và hầu hết những bạn có dự định thi chứng chỉ quốc tế đều "tuyệt đối không nghe theo cách phát âm của cô Việt Nam mà tự xem phim hay học giáo viên bản xứ để cảm nhận sự khác biệt". Những tiết học có thầy cô dạy tiếng Anh trình độ kém khiến các em chán chường.

hoc-sinh-5033-1413282661.jpg

Theo một số phụ huynh, học sinh, giáo viên, do trình độ ngoại ngữ, phát âm của một số thầy cô còn kém hơn những em được tiếp xúc, học tập lâu năm với giáo viên nước ngoài nên có thể miễn học, thi tiếng Anh cho học sinh đã lấy được chứng chỉ quốc tế với điểm số cao. Ảnh minh họa: HH.

Thừa nhận thực tế trên, cô Phạm Thị Thu Trang, giáo viên tiếng Anh tại trường chuyên Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội lý giải, một số học sinh được tiếp xúc với người nước ngoài sớm, lâu, trong khi môi trường sư phạm chưa có giảng viên bản ngữ. Việc trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng phát âm... giáo viên phải tự làm. "ĐH Ngoại ngữ không đào tạo giáo viên ra dạy TOEFL, IELTS nên yều cầu tất cả thầy cô phát âm chuẩn như người nước ngoài là khó", cô Trang nói.

Một lý do nữa khiến giáo viên phát âm sai được chị Minh, giảng viên ngoại ngữ của trường ĐH lớn trên Hà Nội chỉ ra, là các thầy cô chuyển từ dạy tiếng Nga sang tiếng Anh. "Thầy cô ở trường tôi về địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng theo dự án 2020 của Bộ GD&ĐT cũng không cải thiện được nhiều về phát âm và nói cho những giáo viên đó. Đấy là ở địa phương, còn tại các thành phố lớn như Hà Nội, con số này cũng không phải là ít", chị Minh chia sẻ.

Minh Ngân (110 TOEFL iBT) chỉ ra thêm lý do, sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ GD&ĐT đi kèm với CD/băng nghe có chất lượng âm không rõ, tiếng bị rè. Một số từ có hơn một cách phát âm, giọng Anh-Mỹ hay Australian, Ấn Độ... cũng khác. Để khắc phục việc phát âm tiếng Anh không chuẩn của giáo viên Việt Nam, Ngân cho rằng, Bộ GD&ĐT nên mua lại bản quyền một vài bộ sách của các nhà xuất bản như Cambridge, Oxford, Pearson về dạy. Việc khuyến khích các thầy cô thi lấy bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng được Ngân và các giáo viên, học sinh đặt ra. Tuy nhiên, đây là việc khó làm vì cần nguồn kinh phí học, thi lớn, lương giáo viên lại hạn hẹp.

Với những học sinh đã lấy được chứng chỉ quốc tế với điểm số cao nhất định như 7.0 IELTS hay 90 TOEFL iBT , theo Ngân, giảng viên Minh, Quang Anh... nên được miễn học, thi tiếng Anh trên lớp. Ngoài kỹ năng nghe, nói, phần đọc hiểu, viết của các kỳ thi chuẩn hóa, lấy chứng chỉ này yêu cầu ngữ pháp cao. Trình độ kiến thức trong sách giáo khoa thấp hơn, khi buộc phải học, sẽ khiến các học sinh có chứng chỉ quốc tế cảm thấy nhàm chán, không tập trung. Giáo viên do đó cũng không thoải mái khi dạy.

"Để tiết kiệm thời gian cho học sinh học thứ mình muốn, tiết kiệm tiền bạc cho gia đình, nhà trường, nên miễn học, thi trên lớp cho những em được cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế", giảng viên Minh nói.

Một số ý kiến khác cho rằng, có thể miễn thi nhưng không nên miễn học vì làm vỡ tổ chức lớp, ảnh hưởng tinh thần những học sinh khác và kiến thức của hai chương trình trên lớp-thi chứng chỉ không tương ứng. Các học sinh lớp bé như Diệu Anh (lớp 8, THCS Marie Curie); Mai Anh (lớp 6, THCS Trưng Vương) lại cho rằng sẽ không công bằng nếu miễn thi cho bạn có chứng chỉ quốc tế.

"Các học sinh không có chứng chỉ quốc tế sẽ đặt câu hỏi, tại sao học cùng nhau mà bạn không phải thi, mình thì có. Chứng chỉ quốc tế, phụ thuộc nhiều vào việc bố mẹ bạn có cho đi luyện thi hay không. Học sinh không có điều kiện học thi lấy chứng chỉ sẽ cảm thấy thiệt thòi nhiều. Hơn nữa, không hẳn bạn lấy được chứng chỉ đã giỏi hơn bạn chỉ học trên lớp", Diệu Anh (lớp 8, THCS Marie Curie) nói. 

Ông Jon Glendinning-Giám đốc Hội đồng Anh TP HCM, phương pháp để học cách phát âm tiếng Anh chuẩn là thực hành trực tiếp đàm thoại với giáo viên bản ngữ. "Khi giao tiếp với giáo viên bản ngữ, bạn đang tiếp xúc với phát âm chuẩn. Ngoài ra, khi lắng nghe bạn nói tiếng Anh, giáo viên bản ngữ sẽ giúp bạn và điều chỉnh âm phát của bạn cho chuẩn hơn", ông Jon nói.

Quỳnh Trang

Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Nguồn tin: VNExpress