Tiếp tục hành trình không vì lợi nhuận

Tiếp tục hành trình không vì lợi nhuận
Trong chương trình gặp gỡ Hoa Sen 2015 của Đại học Hoa Sen (TP. HCM) vào ngày 14/3 vừa qua với chủ đề “Hoa Sen tri ân cộng đồng”, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các giảng viên, sinh viên… đã có những góp ý thẳng thắn cho ĐHHS tiếp tục hành trình không vì lợi nhuận.
 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (người ở giữa cầm 
tờ giấy) trao đổi với nhân viên trường ĐH Hoa Sen
 Bước đi của một mô hình không vì lợi nhuận


Ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Đại học Hoa Sen (ĐHHS) cho biết, ĐHHS là một trong số ít trường tại Việt Nam đã minh định cơ chế hoạt động không vì lợi nhuận ngay từ những ngày đầu thành lập (1991). Đến năm 2007, khi chuyển sang tư thục và nâng cấp thành ĐHHS thì nguyên tắc lợi nhuận có được phải phục vụ trước tiên cho lợi ích của cộng đồng, lợi ích của sinh viên rồi mới đến tập thể giảng viên, nhân viên và thành viên góp vốn. Tinh thần này đã được thể hiện rõ trong nghị quyết 02 năm 2007 của HĐQT được ghi rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của trường.  

Theo ông Tạo, một trường đại học đúng nghĩa phải là một trường độc lập với quyền lực, độc lập với tiền bạc và hoàn toàn tự do trong học thuật. Nếu bị thao túng, lèo lái bởi thế lực đồng tiền sẽ khó hoàn thành sứ mệnh đối với cộng đồng, khó có thể đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, khó có thể sản sinh ra những con người trí thức, đích thực cho xã hội.

HĐQT trường ĐHHS đã tổ chức đại hội toàn trường đầu tiên vào ngày 31.1.2014 để góp ý dự thảo quy chế, tổ chức hoạt động của trường và dự thảo quy chế tài chính nội bộ. Việc tổ chức thành công đại hội toàn trường đã chứng minh việc thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận của trường ĐH HS là một tiến trình không thể đảo ngược. Sau đó, ĐHHS đã chuẩn bị hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM đề nghị xem xét cho trường ĐHHS thực hiện theo đúng các quy định về trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận của điều lệ trường đại học. 
TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐHHS cho biết, ba nhiệm vụ chính của trường là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng theo mô hình các trường đại học ở châu Âu. Trong suốt năm qua, các hợp tác mang tính học thuật và liên quan đến cộng đồng giữa ĐHHS với các đối tác không sút giảm hay nguội đi. “ĐHHS tổ chức hiệu quả những sự kiện như: Tuần lễ sáng tạo Thụy Điển, hoạt động với ĐH Bách khoa Hong Kong, hoạt động tình nguyện và thiện nguyện ở thành phố và vùng sâu, vùng xa”, TS Phượng cho biết.

 

Để Đại học Hoa Sen đủ sức đào tạo thế hệ trẻ xây dựng tương lai cho chính mình và đóng góp vào sự hình thành một xã hội bền vững và nhân bản, chúng tôi, những người làm giáo dục phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng rộng lớn hơn, đó là toàn xã hội.

Chúng tôi cần tìm đến và xây dựng và gìn giữ những nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức lớn hiện diện ở bên ngoài: đó là các nhà giáo dục, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ là thân hữu, cộng tác viên của ĐHHS. Họ giúp chúng tôi về mặt chiến lược quản trị, chiến lược nghiên cứu và giảng dạy, tầm nhìn dài hạn, kế hoạch vĩ mô, triết lý hoạt động. Họ cũng sẵn sàng đến với chúng tôi, hoặc chúng tôi mạnh dạn tìm đến họ để cùng nhau giải quyết những vấn đề đột xuất, những “bài toán khó” xuất hiện trong thường ngày và trong hoạt động ngắn hạn.

Chúng tôi có các kênh truyền thống để đón nhận sự đóng góp đó: chúng nằm sâu và lan tỏa đến các khoa, phòng, trung tâm của trường. Cũng quan trọng không kém là các kênh tự hình thành giữa những cá nhân trong trường và những trí tuệ, tài năng bên ngoài trường. Giữa hai loại hình đó là sự kiện Gặp gỡ Hoa Sen hằng năm, một kênh chính thức mở ra như một nhắc nhớ ĐHHS phải tự lay chuyển mình, không được ngủ quên trong thành công tạm thời, hoặc mệt mỏi trong khó khăn của một bước đường trắc trở. Gặp gỡ Hoa Sen cũng là nơi cánh cửa bất ngờ mở ra những không gian mới cho suy tư, cho hành động. Từ một ý tưởng, một gợi ý, thậm chí một va chạm. Gặp gỡ Hoa Sen là nơi gặp gỡ giữa những người bạn lớn và những con người năng động, khiêm tốn, ham học hỏi của ĐHHS.

Tôi phải nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ vô giá mà chúng tôi có được trong năm qua thật ra vẫn thường xuyên được xã hội ưu ái ban cho chúng tôi ngay từ ngày thành lập. Do đó đã đến lúc chúng tôi cần thể hiện một cách có hệ thống hơn sự tri ân đối với cộng đồng và phải nâng tầm mục tiêu đóng góp cho cộng đồng trong chiến lược nhà trường. Đó là đào tạo những người trẻ, nguồn tài nguyên dồi dào quý giá của Việt Nam để họ không chỉ thành đạt mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một xã hội bền vững và nhân bản.

        TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen


Để mô hình không vì lợi nhuận “sống khỏe”

Ông Nguyễn Đăng Hưng, một giảng viên (giảng dạy 40 năm tại Bỉ, từng đào tạo Thạc sĩ tại ĐH Bách khoa TP.HCM) và là thành viên đầu tư của ĐHHS nêu vấn đề, để giúp cộng đồng, giúp đất nước phát triển cần phải đầu tư, huy động vốn hơn nữa nhằm xây dựng những ngành công nghiệp, kỹ thuật. Theo ông Hưng, “đầu tư cho một kỹ sư có hiệu quả gấp năm lần sinh viên trong quản trị kinh doanh”.

Đồng tình với quan điểm của ông Hưng, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia giáo dục cho rằng: Xu hướng thế giới bây giờ là đào tạo bằng đôi, mở thêm ngành khoa học kỹ thuật là một hướng đi phù hợp. “Có những người học quản trị kinh doanh và hiểu biết về kỹ thuật thì rất dễ kiếm việc”, PGS.TS Tống nói. 

Bên cạnh đó, PGS.TS Tống cũng cho rằng, phi lợi nhuận cần có sự can thiệp từ nhà nước bởi luật “không có chỗ” cho “phi lợi nhuận, không vì lợi nhuận”. Chính vì vậy, khi gần đây có những quy định chuyển các trường đại học ngoài công lập thành trường đại học dân lập, các đại học phi lợi nhuận cũng bị “dính vào”, rất lộn xộn.

Dưới góc nhìn một cơ quan chức năng của thành phố, ông Huỳnh Văn Sáu, Trưởng Ban Cán sự giáo dục Liên đoàn lao động TP.HCM đưa ra mâu thuẫn: Trường đại học do vốn góp của mỗi người, nếu phi lợi nhuận hết thì người góp vốn sống bằng gì? Mặt khác, cũng theo ông Sáu, các nhà đầu tư chỉ bỏ tiền vào đến một thời gian nhất định chứ không thể mãi được. Từ đây nảy sinh vấn đề thoái vốn bằng cách nào, ra sao. Đây chính là mâu thuẫn giữa người góp vốn và người điều hành.

Ở một góc nhìn khác, T.S Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nêu quan điểm: Trên thế giới có nhiều trường phi lợi nhuận hoạt động hàng thế kỷ nhưng ở Việt Nam, nhiều người nghĩ làm gì cũng phải có lợi nhuận. Vì thế, nhà đầu tư vào đại học phi lợi nhuận phải phân biệt được sân chơi, nếu nghĩ, đây là nơi làm ăn lời lỗ thì đi chỗ khác, làm việc khác, “không thể chơi quần vợt mà lại nhảy sang chơi đá bóng là không được vì luật lệ rất khác nhau”; hoạt động phi lợi nhuận phải có cơ chế minh bạch với cộng đồng, như hội nghị thường niên để công khai mọi chuyện giống như những công ty có báo cáo công khai về tài chính; thành lập sớm và củng cố HĐQT, nên có thêm một đơn vị nữa là đơn vị phụ trách cộng đồng. Trên thế giới, trong hội đồng quản trị các trường phi lợi nhuận có cả sinh viên đang học để đảm bảo tiếng nói của các bên liên quan, TS Nghĩa cho biết. 

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Luật – ĐHQG TP.HCM cho biết, sở dĩ Hoa Sen có những cuộc tranh cãi, mâu thuẫn vì nhà đầu tư ngồi ngay trong hội nghị của trường. “Bây giờ làm sao tạo được vách ngăn nào đó để tách nhà đầu tư ra, nếu không làm được điều này trong thời gian tới xung đột sẽ lại tái diễn” – ông bày tỏ. 

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, tại Việt Nam, HĐQT của các trường cũng có thể lập ra quỹ có tư cách pháp nhân để đầu tư vào trường giống như Đại học Harvard, Mỹ. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư trực tiếp vào trường mà thông qua quỹ, tức là họ đặt ra một vách ngăn để không làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các bên.

 

Trần Quỳnh

Cách đây hơn 20 năm, ngôi trường này đã được ra đời từ những ý tưởng và sự đóng góp hoàn toàn vô vị lợi của các cá nhân, tổ chức, trong đó có sự hỗ trợ của UBND TP. Trường đã được thai nghén và sinh ra từ cộng đồng nói chung và UBND TP.HCM nói riêng. Hơn bao giờ hết, trước những mưu toan thủ lợi từ những thế lực không vì giáo dục, đây là lúc Trường cần thể hiện chức năng nhiệm vụ đã được minh định là: phục vụ cho cộng đồng với tinh thần vô vị lợi. Chính lý tưởng tốt đẹp này đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển vững mạnh của trường Đại học Hoa Sen – một trong những niềm tự hào của giáo dục và đào tạo thành phố.

Trần Văn Tạo, Chủ tịch HĐQT Đại học Hoa Sen

 

Nguồn tin: Tia Sáng