Tủ sách giáo khoa bằng... áo dài
- Thứ hai - 25/05/2015 15:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với hơn 100 chiếc áo dài “tích lũy” như thế, nhiều thế hệ học trò của cô vẫn nói với nhau, cô Liệp có cả “tủ sách giáo khoa bằng áo dài”.
Từ tranh trên giấy đến tranh trên áo dài
Cô Liệp kể, trong mỗi giờ Văn, cô vẫn hay nói dí dỏm với các học trò của mình rằng học Văn là học cái đẹp của nhân cách con người, là học cái đẹp của tình yêu quê hương đất nước…, vậy người dạy Văn cũng phải đẹp và người học Văn cũng phải đẹp. Vì thế trong mỗi giờ lên lớp, cô có chủ ý phải ăn mặc, nói năng thế nào để trong mắt học sinh hình ảnh của cô phải luôn tươm tất, bắt mắt và sinh động, từ ngoại hình đến lời giảng. |
Trong tiết Văn, học trò nghe cô giảng say sưa về Vợ nhặt của Kim Lân để đến khi kết thúc bài, cả lũ ồ lên khi tận mục sở thị chiếc áo dài của cô được may cách điệu bằng những mảnh vải vá ghép lại nhằm mô phỏng bộ đồ Thị - vợ Tràng mặc, “rách như tổ đỉa” mà nhà văn Kim Lân miêu tả.
Dạy bài Mảnh trăng cuối rừng, cô thướt tha với bộ áo dài có vẽ mảnh trăng lưỡi liềm và hình ảnh cô thanh niên xung phong… Hay như tấm áo dài hai lớp màu tím Huế mặn mà son sắt làm nền cho chùa Thiên Mụ xuất hiện trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Từng chiếc áo dài cô Đoàn Liệp mang đến lớp gắn liền với từng bài giảng đầy ấn tượng khiến bao thế hệ học trò phải trầm trồ và ví von tủ áo dài của cô là bộ sách giáo khoa thực sự chuyên chở nội dung mỗi bài giảng.
Khi được hỏi ý tưởng ra đời những chiếc áo dài như thế, cô Liệp chia sẻ: Năm 1990, cô cùng hai giáo viên được đại diện cho TPHCM tham dự hội thảo phân ban tại Hà Nội. Cô Liệp đã tranh thủ đi nhiều nơi tham quan thủ đô.
Khi nhìn thấy cửa hàng bán tranh Đông Hồ, cô lập tức vào mua rất nhiều tranh với ý định sẽ mang về cho học trò miền Nam của mình được thấy “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong” của miền Bắc là như thế nào chứ không chỉ qua thơ Hoàng Cầm mô tả.
Sau những bức tranh trên giấy ấy, cô nghĩ đến việc vẽ các hình ảnh minh họa cho những bài giảng của mình lên chiếc áo dài là… tiện nhất. Thế là, với bài Rừng xà nu, cô lên ý tưởng vẽ rừng cây vươn lên cao vút như mũi tên đón nắng, có sức sống mãnh liệt dưới bom đạn, bên cạnh là ngôi nhà đặc trưng Tây Nguyên… Với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cô may bộ đồ màu đen, kèm theo đó là phụ kiện cái kiềng cổ y như miêu tả của cô Mị… Và cứ thế, cho tới nay cô đã sở hữu hơn 100 bộ áo dài, tương ứng với hàng trăm tác phẩm văn học mà cô đã giảng dạy cho học trò.
Khi muốn thực hiện chiếc áo dài cho tác phẩm văn học nào, cô suy nghĩ màu sắc chủ đạo trước rồi ra chợ lựa mua vải, về lên bản phác thảo. “May mắn là tôi có một người bạn vừa dạy vẽ ở trường cao đẳng vừa là họa sĩ, khi tôi nói ý tưởng của mình cô ấy rất thích và biến hóa ngay lên chiếc áo dài. Vẽ giúp nhau thôi chứ tiền công không đáng kể”, cô cho biết.
Nhiều người biết chuyện, băn khoăn về khoản tiền không nhỏ để đầu tư cho những chiếc áo dài đặc biệt, cô Liệp chia sẻ: Chồng cô mất sớm, một mình cô mấy chục năm qua nuôi con với đồng lương giáo viên ít ỏi. Để có thêm tiền trang trải cho gia đình và cho việc may áo dài, cô làm thêm nghề gói chả giò bỏ mối cho nhiều hàng quán, làm thêm nghề may gia công…
Bài học qua từng chiếc áo
Gần 20 năm trước, có một cậu học trò của cô rất ghét và rất… dốt môn Văn tên MP. Cô kể, sau khi có điểm kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, MP đã bất ngờ tìm đến cô báo tin “em được 6,5 điểm môn Văn lận”. Cô Liệp cũng ngạc nhiên hỏi, “sao điểm Văn của con tốt thế”, em trả lời liền: “Con nhớ đến chiếc áo dài của cô, nhớ đến dòng sông Đà xanh màu ngọc bích, rồi từ đó, từng lời giảng của cô cứ tuôn ra trong đầu con và con viết theo”.
Niềm vui ấy, cô Liệp cất giữ cho riêng mình và cũng từ đó, cô càng “trau chuốt” những chiếc áo dài của mình như một loại giáo cụ trực quan.
Cô kể, dù phác thảo tác phẩm trên áo dài, nhưng phải thật tinh tế. Mình phải làm sao để khi đến gần cuối bài giảng các em mới phát hiện, ồ lên thích thú khi thấy trên tà áo của mình là hình ảnh nội dung chính của bài…
Ví dụ, với bài Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cô bảo: “Nếu dạy cho các em nắm được tình cảm của nhà thơ dành cho con sông Hương, dành cho con người Huế thông qua những miêu tả rất tinh tế - ví màu dòng sông “như màu điều - lục của những cô dâu trẻ mặc sau tiết sương giáng” các em rất khó để cảm nhận, vì vậy tôi vừa giảng, vừa giải thích, vừa phải vân vê tà áo dài hai lớp, đỏ ngoài, xanh trong, chiếc áo vẽ chùa Thiên Mụ gắn với dòng sông thơ mộng để tụi nhỏ liên tưởng đến Huế.
Hay như bài Việt Bắc là hình ảnh bông hoa chuối đỏ tươi ở trên áo, còn đằng sau thêu 2 câu thơ: “Mình về mình có nhớ ta/ Ta về ta nhớ những hoa cùng người”.
Đáng kể nhất là bộ áo dài Đàn ghita của Lorca. Với đa số các em, học bài này quả là không hề dễ, nhưng trong bài giảng của cô Liệp, em nào cũng thích thú khi cô mặc áo dài màu trắng vẽ hình cây đàn ghita màu vàng, và dưới đó là dòng chữ Lilalila (chữ trong bài thơ). Từ Lila theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là hoa tử đinh hương, là quốc hoa của nước này.
Những hình ảnh ấy đập vào mắt các em khiến các em khó quên. Cô nói, “tụi nhỏ rất để ý, tò mò mỗi lần đến giờ Văn của tôi. Nhiều em từ việc không thích môn văn, sau lại say sưa tìm hiểu tác phẩm, nghiên cứu trước để xem hôm nay cô giáo lấy ý tưởng gì cho bài thơ, bài văn chúng sẽ học, nội dung cốt lõi của bài đó là gì”.
Văn Sử Địa bất minh
Trong khi giảng dạy, cô Liệp luôn biết cách cung cấp thêm kiến thức về môn Sử cho học sinh, bởi như cô thấy, đặc điểm văn học Việt Nam là gắn liền với từng giai đoạn của lịch sử, nhất là thời kỳ cách mạng sau 1945 - văn học phản ánh hiện thực xã hội.
Được biết, sau khi nghỉ hưu tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cô Đoàn Liệp đã nhận được nhiều lời mời thỉnh giảng ở một số trường ĐH, CĐ, Trung tâm luyện thi… Từ hơn một năm nay, cô được mời về làm quản lý và tham gia giảng dạy bộ môn văn ở Trường THPT Trần Cao Vân (Q9, TPHCM). Thế là vẫn còn cơ hội để những chiếc áo dài của cô tiếp tục “tung bay” truyền cảm hứng cho những giờ học Văn… |
Vì thế, khi học một tác phẩm, các em nếu chỉ nhớ đơn điệu, máy móc “tác phẩm sáng tác năm nào, trong hoàn cảnh nào” thì rất khó nhớ lâu. Khi đó cô phải lồng cả kiến thức lịch sử vào.
Lấy ví dụ về bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” viết năm 1971, tại chiến khu Trị Thiên, giữa không khí sục sôi chống Mỹ của cả dân tộc.
Tuy nhiên, nếu giảng như vậy các em nhớ đó rồi cũng sẽ quên đó. Cô liền kể thêm cho các em biết về những năm đó, rằng tại Sài Gòn, cô đang theo học Đại học Văn khoa, cô đã cùng rất nhiều sinh viên, học sinh khác xuống đường biểu tình… Từ những câu chuyện ấy, các em mới nhớ lâu tác phẩm, mới hiểu ngọn ngành ra đời của tác phẩm, từ đó hiểu được tâm tư tình cảm tác giả cũng như cốt lõi tác phẩm muốn truyền tải.
Những dịp lễ 8/3 hay 20/10, lễ Vu lan…, cô lại mặc chiếc áo dài hoa sen đứng lớp, nhắc đám nhỏ hiếu kính mẹ cha bằng hai câu thơ trên tà áo: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”.
Hay như khi giảng dạy môn tiếng Việt thực hành ở một trường đại học cô cộng tác, cô lại mặc những bộ áo dài vẽ hình phong cảnh quê hương đất nước; rặng tre, hàng dừa… để các em nhớ rằng, yêu tiếng Việt chính là yêu đất nước này, yêu quê hương, yêu làng xóm. Đó là “Văn Sử Địa bất minh” (văn, sử và địa lý tương quan nhau, không phân biệt rạch ròi) chứ còn gì nữa.
Giáo dục & Thời đại