10 công việc còn khó hơn được nhận vào Đại học Havard
- Thứ bảy - 05/12/2015 16:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, tờ Independent mới đây đã tổng hợp một số thống kê và chỉ ra 10 việc còn khó khăn hơn so với việc được nhận vào đại học Havard.
ĐH Havard
Theo báo cáo mới đây của đại học Havard, trường này sẽ chỉ nhận khoảng 5,3% số ứng viên trong tổng số 37.000 hồ sơ đăng ký để tham gia các khóa học của trường bắt đầu từ năm 2019. Điều này cho thấy việc được nhận vào một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới là vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi chỉ điểm số cao ở bậc học trước là không đủ. Vì vậy, những ứng viên muốn được nhận cần phải có một chút trải nghiệm thực tế, điều có thể gây ấn tượng với các quan chức tuyển sinh.
Tuy nhiên, tờ Independent mới đây đã tổng hợp một thống kê cho thấy có ít nhất 10 việc sau đây có tỉ lệ thành công còn thấp hơn việc được nhận vào trường đại học danh giá Havard.
1. Công việc ở một vài siêu thị Walmart (Mỹ)
Vào thời điểm năm 2013, siêu thị Walmart tại Washington, Mỹ đã nhận được 23.000 đơn xin việc tuy nhiên chuỗi siêu thị này chỉ quyết định thuê 600 nhân viên. Tỉ lệ này tương đương với 2,6% trong tổng số đơn xin việc và đồng nghĩa với việc khó khăn gần gấp đôi so với việc được nhận vào trường đại học Havard.
Đáng chú ý, những người được nhận vào Havard có thể sẽ đạt được mức thu nhập có 6 chữ số một năm trong khi nhân viên tại Walmart chỉ được trả mức lương trung bình là 11,83 USD/giờ, tương đương 25.000 USD/năm.
2. Công việc tại quỹ đầu tư Citadel
Kiếm được một công việc tại phố Wall, một trong những trung tâm tài chính nhộn nhịp nhất trên thế giới là một điều rất khó. Tuy nhiên, để kiếm được một công việc trong quỹ đầu tư khổng lồ Citadel gần như là không thể. Theo thông báo của quỹ này, họ dự định sẽ phỏng vấn 10.000 người để nhận khoảng 300 nhân viên, tương đương 3% tỉ lệ được nhận.
3. Lọt vào top 50 bài đăng trên Newsfeed của một người bạn trên Facebook
Với tính năng Newsfeed, Facebook sẽ lựa chọn khoảng 1.500 bài đăng để liên tục đưa lên Newsfeed của một người dùng. Tuy nhiên, những bài đăng này sẽ được lựa chọn dựa trên sự phổ biến cũng như sự liên quan của nó đối với người dùng.
Theo đó, một bài đăng của bạn sẽ có 3,3% khả năng được lọt vào top 50 bài đăng trên Newsfeed của một người bạn trên Facebook và tất nhiên, nếu so sánh bằng con số thì việc được nhận vào Havard vẫn còn dễ hơn nhiều.
4. Thực hiện “Giấc mơ Mỹ”
“Giấc mơ Mỹ” là cụm từ thường để ám chỉ việc một người từ cảnh nghèo khó và trở nên giàu có. Một số báo cáo mới đây của trường đại học Havard và Berkeley cho thấy điều này là rất khó khăn tại hầu hết các thành phố lớn của Mỹ vào thời điểm hiện tại. Những báo cáo này đã thống kê số người được sinh ra tại các gia đình có mức thu nhập thấp và sau đó đứng trong hàng ngũ những người có thu nhập cao.
Theo đó, tỉ lệ này là dưới 5% ở khá nhiều thành phố của Mỹ. Tỉ lệ cao nhất tại San Jose, California cũng chỉ là 12,9%.
5. Kiếm việc tại Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs
Vào năm 2013, ngân hàng Goldman Sachs đã nhận được 43.000 đơn xin việc cho 1.900 vị trí phân tích kinh tế, tương đương với tỉ lệ được nhận là 4,4%. Điều này không quá ngạc nhiên khi kể từ 1984-2014, ngân hàng này luôn nằm trong top 100 nơi làm việc tốt nhất trên thế giới, do tạp chí Fortune bình chọn, với mức lương trung bình hàng năm cho một nhà phân tích kinh tế là 70.000 USD.
6. Trở thành một mật vụ
Bảo vệ Tổng thống Mỹ là một công việc không phải bất cứ nhân viên an ninh nào cũng có thể dễ dàng nhận được. Theo đó, công việc của một mật vụ của Tổng thống Mỹ là bí mật bảo vệ ông chủ Nhà Trắng cùng gia đình suốt suốt 24 tiếng trong một ngày. Ngoài ra, những mật vụ này cũng sẽ phải bảo vệ một số yếu nhân khác như Phó Tổng thống mà gia đình của họ.
Vì những lý do trên mà công tác tuyển dụng một mật vụ thường rắt ngặt nghèo và cẩn thận. Điều này được thể hiện qua báo cáo của Bloomberg vào năm 2011 khi chỉ có khoảng 1% trong tổng số 15.600 đặc vụ xin vào vị trí bảo vệ các nhân vật quan trọng được nhận.
7. Công việc tại Apple Store
Vào năm 2009, khi cửa hàng Apple Store đầu tiên được mở cửa tại khu vực sầm uất Upper West Side thuộc khu Manhattan, thành phố New York, Mỹ; một số báo cáo đã ghi nhận con số 10.000 đơn xin việc trong khi Apple chỉ tuyển dụng 200 nhân viên bán hàng, tương đương với 2% tỉ lệ thành công.
8. Nhận được thẻ xanh tại Mỹ
Báo cáo của Wall Street Journal cho biết hàng năm có khoảng 15 triệu người đăng ký xin thẻ xanh, hay còn được biết đến như là tấm vé để trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 50.000 người trong số này có thể cầm được chiếc thẻ đổi đời này. Theo đó, nếu bạn không đến từ Australia, New Zealand hay một hòn đảo nào đó ở Thái Bình Dương thì cơ hội được nhận thẻ xanh còn thấp hơn nhiều.
Trong khi những người ở khu vực châu Đại dương có khoảng 6% được nhận thẻ xanh (do ít đơn xin đăng ký cùng hạn mức tại khu vực này cũng cao hơn so với những nơi khác) thì những đơn xin tại các khu vực còn lại trên thế giới chỉ có 2% tỉ lệ thành công.
9. Trở thành tiếp viên hàng không của hãng Delta
Theo Bloomberg, bạn có chưa đến 1% để trở thành một tiếp viên của hãng hàng không Delta của Mỹ. Báo cáo vào năm 2013 của Bloomberg chỉ ra rằng hãng hàng không lớn thứ 2 trên thế giới này đã nhận được 44.000 đơn xin việc cho 400 vị trí tiếp viên hàng không của hãng.
Theo đó, khả năng nói được nhiều thứ tiếng được đánh giá là một yếu tố lấy điểm cho vị trí tiếp viên hàng không của Delta khi 30% trong số những người được nhận đều có thể giao tiếp trôi chảy ít nhất là một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh.
10. Công việc tại Google
Sau khi rời Microsoft vào năm 2009 và chuyển sang vị trí chuyên phụ trách các dự án phát triển của Google, ông Don Dodge đã công bố quá trình tuyển dụng khắt khe của ông lớn trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng Internet này.
Theo đó, ông này cho biết trong số khoảng 1 triệu đơn xin việc thì Google chỉ tuyển dụng từ 1.000 tới 4.000 người, tương đương với việc nhiều nhất là 0,4% số ứng viên được tuyển dụng. Để nhận được công việc trong mơ tại Google, những người được nhận sẽ phải trải qua vòng kiểm tra hồ sơ, từ 2 tới 3 cuộc phỏng vấn qua điện thoại, 4 tới 5 vòng phỏng vấn trực tiếp cùng một số bài kiểm tra kỹ năng làm việc khác.
Ninh Nhật (theo Independent)