6 nhà phát minh nổi tiếng vì những thứ họ không hề phát minh ra
- Thứ bảy - 25/04/2020 05:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sự ngưỡng mộ này trên thực tế đã diễn ra xuyên suốt lịch sử của loài người. Hiếm có những thành tựu nào trong lịch sử chúng ta gây ấn tượng mạnh như việc phát minh ra một thứ gì đó làm thay đổi cả thế giới.
Tuy nhiên, những phát minh đó cũng kéo theo không ít scandal. Một ý tưởng hay sản phẩm mới đôi lúc đi cùng những cuộc tranh luận nóng hổi để phân định xem ai thực sự là người đưa ra chúng. Và lịch sử đã không ít lần ghi nhận nhầm một số nhà phát minh nổi tiếng cho những phát minh vốn thuộc về người khác. Hãy cùng tìm hiểu những câu chuyện thật đằng sau di sản của một vài nhà phát minh nổi tiếng đó.
Thomas Edison và bóng đèn
Cái tên "Edison" dường như đồng nghĩa với "Bóng đèn" – đặc biệt sau khi những chiếc bóng đèn phong cách retro mang tên "Edison Bulbs" bỗng trở thành trào lưu phổ biến toàn cầu. Tuy nhiên, Thomas Edison hoàn toàn không phải là người phát minh ra bóng đèn.
Edison được ghi nhận là nhà phát minh ra bóng đèn bởi ông đã đăng ký bằng sáng chế bóng đèn vào năm 1879 và giúp hoàn thiện nó thành một sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, chiếc bóng đèn đầu tiên được phát minh vào năm 1840 bởi Warren de la Rue, một nhà khoa học người Anh.
De la Rue sử dụng một sợi bạch kim trong bóng đèn của mình, khiến nó trở nên quá đắt đỏ để sử dụng thường ngày. Sau đó, vào năm 1860, một nhà hóa học người Anh tên Joseph Swan đã phát triển được một chiếc bóng đèn với sợi tóc làm từ giấy carbon hóa. Sự thay đổi này giúp bóng đèn có giá thành rẻ hơn nhiều, và Swan đã đăng ký bằng sáng chế cho thiết kế mới vào năm 1878. Tuy nhiên, thiết kế của ông vẫn không phải là thiết kế thực dụng nhất. Edison đã tiếp tục hoàn thiện nó với một thiết kế sợi tóc mới, hiệu quả hơn.
Sau một vài tranh cãi về vấn đề ai sở hữu thiết kế (Edison thậm chí từng một lần kiện Swan), bộ đôi này đã hợp lực để mở công ty đèn điện Edison and Swan. Tuy nhiên, lịch sử hầu như đã lãng quên cống hiến của Swan, và Edison cuối cùng được ghi nhận là nhà phát minh ra bóng đèn điện.
Galileo Galilei và Kính thiên văn
Một nhà sản xuất mắt kính Hà Lan đã đăng ký bằng sáng chế kính thiên văn đầu tiên vào năm 1608.
Galileo Galilei, nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới, đôi lúc được gọi là "cha đẻ của khoa học hiện đại", được ghi nhận là nhà phát minh ra kính thiên văn. Tuy nhiên, một nhà sản xuất mắt kính Hà Lan tên Hans Lippershey đã đăng ký bằng sáng chế kính thiên văn đầu tiên vào năm 1608. Phát minh này có thể cũng không phải của ông, nhưng Lippershey là người đầu tiên đăng ký bằng sáng chế cho thiết kế này.
Dẫu vậy, Galileo vẫn đạt được một vài thành tựu ấn tượng: ông đã nghe về kính thiên văn của Hà Lan vào năm 1609 và nhanh chóng thiết kế ra chiếc kính của riêng mình mà chẳng cần thực sự thấy được thiết kế nguyên bản kia. Ông còn cải tiến thiết kế đó, biến chiếc kính của mình mạnh mẽ hơn cả bản gốc. Ngoài ra, ông là người đưa ra ý tưởng sử dụng kính thiên văn để nhìn các vật thể trong không gian thay vì chỉ nhìn các vật thể từ khoảng cách xa trên Trái Đất. Ông không phát minh ra kính thiên văn, mà đơn giản là biến nó thành một sản phẩm tốt hơn.
Albert Einstein và Phương trình thể hiện sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng
Dù Einstein chắc chắn xứng đáng được ghi nhận vì những cống hiến mang tính cách mạng của ông đối với lĩnh vực vật lý, ông lại không phải là người phát minh ra công thức nổi tiếng nhất của mình: E = mc^2. Phương trình thể hiện sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng này thực ra đến từ các nhà khoa học đi trước.
Theo một sử gia, nhà công nghiệp người Ý tên Olinto De Pretto đã công bố công thức này vào năm 1903 (Einstein công bố vào năm 1905). Tuy nhiên, một nhà khoa học khác, J. J. Thompson, đã phát hiện ra một phương trình tương tự thậm chí còn trước đó nữa: m = (4/3) E/c^2. Chưa hết, một nhà khoa học khác, Henri Poincaré, đã công bố phương trình của ông, m = E/c^2 chỉ vài tháng trước khi nghiên cứu mang tính cách mạng của Einstein xuất hiện.
Tất nhiên, Einstein không hề đánh cắp ý tưởng của ai – việc các nhà khoa học phát triển kết quả nghiên cứu của những người đi trước là điều hoàn toàn bình thường. Và không nhà khoa học nào trong số những người nêu trên tiến gần được đến thuyết tương đối của Einstein – thứ khiến phương trình trở nên có ý nghĩa. Dẫu sao thì họ vẫn xứng đáng được ghi nhận vì đã giúp tìm ra một trong những phương trình quan trọng bậc nhất trong lịch sử khoa học loài người.
Alexander Graham Bell và máy điện thoại
Bell không hề phát minh ra máy điện thoại.
Bell không hề phát minh ra máy điện thoại, phát minh nổi tiếng nhất của ông! Người ta đơn giản là nhớ đến ông khi nhắc lại nguồn gốc của điện thoại, bởi ông là người đầu tiên đăng ký thành công bằng sáng chế cho thiết kế của nó.
Một người nhập cư từ Ý tên Antonio Meucci đã đưa ra ý tưởng ban đầu về một chiếc máy điện báo có thể "nói được". Ông biến ý tưởng thành hiện thực vào năm 1849, và đến 1871, ông đã sẵn sàng để công bố phát minh này ra thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn cá nhân đã khiến ông không thể theo đuổi thiết kế đến cùng.
Bell đã tinh chỉnh lại thiết kế, biến nó thành một máy điện thoại hoạt động được và đăng ký bằng sáng chế cho nó vào năm 1876. Vào thời điểm đó, một giáo sư tên Elisha Gray cũng đang phát triển một thứ tương tự. Gray đã gửi luật sư của mình đến văn phòng bằng sáng chế ngay trong ngày mà Bell gửi luật sư của ông.
Một số câu chuyện kể lại rằng luật sư của Gray đã nộp giấy tờ trước, nhưng luật sư của Bell lại tìm được cách để thuyết phục văn phòng bằng sáng chế ghi nhận bằng sáng chế cho Bell. Dù điều gì đã thực sự diễn ra tại văn phòng bằng sáng chế vào hôm đó, thì cuối cùng Bell cũng đã đi vào lịch sử là người phát minh ra máy điện thoại.
Alexander Fleming và thuốc Penicillin
Mọi người đều thích những câu chuyện thú vị xoay quanh các phát kiến khoa học, dù rằng chúng thường có nhiều tình tiết hư cấu hơn là thực tế. Chuyện kể rằng Fleming, một nhà vi khuẩn học người Scotland, một sáng nọ đã bước vào phòng thí nghiệm và phát hiện ra rằng một mẩu nấm mốc đã tiêu diệt một số vi khuẩn trên đĩa thí nghiệm. Đầu óc đột nhiên bừng sáng, ông nhận ra rằng đây có thể là một ứng dụng y học giá trị nhằm chống lại những căn bệnh do vi khuẩn gây nên.
Tuy nhiên, sự thật là các đồng nghiệp của Fleming – Howard Florey và Ernst Chain – mới là những người biến phát hiện của ông, penicillin, trở thành một đột phá trong lĩnh vực y học. Fleming không thực sự tin vào những ứng dụng y học của nó. Một sinh viên y khoa người Pháp tên Ernest Duchesne đã phát hiện ra những đặc tính y khoa của nấm mốc từ nhiều thập kỷ trước khi Fleming nhận ra.
Trên thực tế, các nền văn hóa cổ đại dường như đã biết một số loại nấm mốc có tính kháng khuẩn trong hàng ngàn năm. Nhưng nghiên cứu của Duchesne về một loại nấm mốc tên Penicillium glaucum đã đưa những kiến thức này vào thời hiện đại. Ông phát hiện ra rằng loại nấm mốc này có thể cứu loài chuột lang khỏi các bệnh do vi khuẩn gây nên.
Loại nấm mốc của Duchesne không giống như loại nấm mốc mà sau này được dùng để sản xuất penicillin, do đó kháng sinh ông phát hiện ra không mạnh như của Fleming. Dẫu vậy, ông xứng đáng được ghi nhận là nhà nghiên cứu thời hiện đại đầu tiên khai thác được sức mạnh kháng khuẩn của nấm mốc.
Anh em nhà Wright và chuyến bay đầu tiên
Một người đàn ông tên Gustave Whitehead đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1901, trước hai anh em nhà Wright 2 năm.
Orville và Wilbur Wright được biết đến rộng rãi là những nhà phát minh ra máy bay. Tuy nhiên, các nhà làm luật tại Connecticut đã khẳng định một người đàn ông tên Gustave Whitehead đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1901, tức hai năm trước khi anh em nhà Wright cất cánh.
Tuy nhiên, nhiều người không cho rằng có đủ những chứng cứ thuyết phục để chứng minh rằng Whitehead là người bay đầu tiên. Richard Pearse ở New Zealand đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình vào một năm sau đó, tức 1902, và được ghi nhận rộng rãi hơn về thành tích này. Pearse, dù bay sau Whitehead, nhưng vẫn đánh bại anh em nhà Wrights một năm.
Dẫu vậy, Pearce thích riêng tư hơn là công khai, nên ánh hào quang và những vận may đi cùng chuyến bay đầu tiên cuối cùng thuộc về anh em nhà Wright. Họ chắc chắn đã làm rất nhiều điều để trở thành những người tiên phong trong ngành công nghiệp hàng không, nhưng họ không phải là những người đầu tiên cất cánh lên không trung.
Câu hỏi ai đã phát minh ra thứ gì luôn là một câu hỏi khó, bởi hầu như mọi phát minh đều dựa trên những nỗ lực trước đó mới thành công được. Người ta luôn nói rằng không có gì tự nhiên mà có. Những câu chuyện về nguồn gốc các phát minh nói trên cho thấy có nhiều người xứng đáng được ghi nhận – và sự thật là, hầu hết các phát minh trên thế giới đều là sản phẩm của không chỉ một người duy nhất.