Bài toán lớp 3

Bài toán lớp 3
Có một bài toán lớp 3 của Việt Nam bỗng nhiên nổi tiếng trên toàn cầu, vì độ khó của nó. Hôm nay The Guardian của Anh ca tụng. Hôm sau, lại đến The Atlantic của Mỹ tấm tắc.

Và điều đặc biệt, là khi các tờ báo nổi tiếng này nói về bài toán “lạ” của Việt Nam, họ đều liên hệ: Việt Nam là nước có thứ hạng rất cao về trình độ toán và khoa học ở học sinh phổ thông, theo một bảng xếp hạng của OECD. Họ ngầm tỏ thái độ thán phục nước ta, quả nhiên là một nước học giỏi.

Các nhà báo phương Tây chỉ căn cứ vào hiện tượng và suy luận, chứ họ chưa bao giờ học phổ thông ở nước ta để hiểu rằng khoảng cách giữa học sinh bình thường và “đội tuyển” khác biệt như hai hành tinh ở hai thiên hà. Và thứ hạng do OECD xếp, là căn cứ vào thành tích thi của các “đội tuyển” chứ không phản ánh mặt bằng chung.

Tôi quen một thương nhân đau đáu với sự nghiệp làm sách khoa học và toán học cho thiếu nhi. Anh mới góp vốn mở một hiệu sách lớn ở trung tâm Hà Nội. Trước đấy, lần nào đối thoại anh cũng phàn nàn với tôi rằng phần lớn các hiệu sách ở nước ta không có quầy riêng, có biển hiệu riêng cho sách “Khoa học, Toán học” của thiếu nhi. Sách khoa học nếu có cũng thì xếp lẫn với tướng số, tử vi, kế toán. Khi mở hiệu sách, anh quyết định “rửa hận”, bằng cách dành riêng một khu treo biển trịnh trọng. Nhưng rồi anh gặp vấn đề nan giải, là không có đủ sách mà xếp lên giá. Vì mảng sách khoa học và toán học cho thiếu nhi ở nước ta, không nhiều nhà làm sách đầu tư.

Tôi nhiều năm theo dõi thể thao. Tôi nhận ra rằng có một nguyên tắc rất cơ bản là sự phát triển của một nền thể thao đồng nghĩa với phong trào tại nước đó. Người Anh có một định luật là cứ 50.000 cầu thủ thì sẽ có một người ở đẳng cấp thế giới: trên thực tế, với 2.500.000 cầu thủ chơi bóng trên khắp cả nước, họ đúng là có khoảng 50 cầu thủ đủ trình độ để gọi vào đội tuyển quốc gia mỗi vòng loại World Cup.

Một số nước lại nghĩ khác, ví dụ như Trung Quốc. Nếu bạn chưa biết học viện bóng đá lớn nhất thế giới ở đâu, thì xin thưa là nó ở Quảng Châu. Lớn gấp cả chục lần những học viện lớn nhất châu Âu, và vô cùng hiện đại. Và ở đó, học viện Quảng Châu Vạn Đại, người Trung Quốc quyết tâm đào tạo ra những con “gà nòi” tinh túy nhất, để mơ giấc mơ World Cup. Rất nhiều tiền của được tập trung cho nhóm nhỏ cầu thủ trẻ này.

Có thể một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thành công với mô hình này, tôi không dám chắc. Nhưng ít nhất là cho đến hôm nay, thì người Đức, người Tây Ban Nha, người Anh, những nước có phong trào phát triển mạnh, vẫn đang dẫn dắt. Ở đây, khi cả một quốc gia cùng chơi bóng, những cá nhân xuất chúng sẽ tự sinh ra, chứ không phải là được “đầu tư” hay “quy hoạch” từ nhóm nhỏ.

Từ toán học đến thể thao, hình như chúng ta đều đang đi theo con đường thứ 2. Thay vì tìm cách tạo ra một cơ chế để cả xã hội cùng nâng cao năng lực toán học hay cùng chơi thể thao, thì chúng ta vẫn xây nhà từ nóc, nói theo kiểu của ông Alfred Riedl. “Gà nòi” xuất hiện ở mọi lĩnh vực.

Vị thương nhân của tôi, ngoài việc mở một hiệu sách, dịch và in những quyển sách thiếu nhi (chẳng biết anh có lãi không), thì vẫn cặm cụi đi nhiều nơi xây dựng phong trào tìm hiểu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học trong trường phổ thông. Tôi vẫn luôn cảm thấy nỗ lực của anh thật đơn độc. Những nguồn lực đang được phân bổ tập trung cho thành tích, của địa phương hay của quốc gia, chứ không phải là trải rộng ra cho những “phong trào”. Huy chương quốc tế thì có, nhưng sách khoa học phổ thông để xếp lên giá thì không.

Cuối cùng, thì một bài toán khó, một chiếc huy chương vàng, chỉ có thể khiến chúng ta nổi tiếng hơn chứ không khiến chúng ta thực sự giỏi hơn, khỏe mạnh hơn ở tầm quốc gia.

Nhưng tất nhiên, người ta hoàn toàn có thể lựa chọn hài lòng với sự vẻ vang ấy.

Đức Hoàng

Nguồn tin: VNExpress