Bệnh viện quận đầu tiên mổ tim 'sống

Bệnh viện quận đầu tiên mổ tim 'sống
TP HCM - Thay vì ngừng tim và can thiệp ECMO trong ca mổ mạch vành, bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức vẫn để tim bệnh nhân đập bình thường, gọi là mổ "sống".

Bệnh nhân, 60 tuổi, bị hẹp nặng ba nhánh động mạch vành tim, chức năng co bóp kém, đau thắt ngực khi gắng sức. Ông còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và ung thư tụy.

Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức chỉ định phẫu thuật bắc cầu mạch vành sớm nhằm cải thiện lượng máu đến nuôi tim bệnh nhân. Tuy nhiên, thay vì cho tim bệnh nhân nghỉ hoạt động và dùng hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) thay thế trong khi mổ, các bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ "sống" - vẫn để trái tim hoạt động bình thường.

Trái tim người bệnh vẫn hoạt động thay vì ngủ đông khi các bác sĩ sửa chữa phần khiếm khuyết của nó. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
 
 

Các bác sĩ tiến hành ca mổ tim "sống" không cần sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi nhân tạo, ngày 16/9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Phan, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết thông thường kỹ thuật phẫu thuật mạch vành phải ngưng tim và cần có sự hỗ trợ của ECMO, bởi đòi hỏi đưa máu ra hệ thống ống dẫn bằng nhựa, tiếp xúc với không khí và màng trao đổi khí. Để bảo vệ cơ tim trong lúc tim ngừng đập, phẫu thuật viên phải bơm dịch liệt tim, kẹp lại động mạch chủ. Với điều kiện mổ như vậy, tỷ lệ biến chứng và tử vong hậu phẫu cao. Bệnh nhân này mắc nhiều bệnh nền, nếu sử dụng ECMO, thời gian mổ kéo dài, nguy cơ biến chứng do phẫu thuật tuần hoàn ngoài cơ thể rất cao.

"Chúng tôi chọn phương án tốt nhất cho bệnh nhân, là mổ sống, cho tim vẫn đập bình thường", bác sĩ Phan khẳng định.

Cuộc mổ diễn ra trong bốn giờ hôm 16/9, đúng kế hoạch chi tiết đã chuẩn bị. Trái tim người bệnh vẫn đập nhịp nhàng trong cả quá trình. Ê kíp phẫu thuật thuộc khoa Lồng ngực - Mạch máu đã lấy một phần động mạch và tĩnh mạch từ chân bệnh nhân để làm cầu nối đến phía sau phần động mạch vành tim bị hẹp.

Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Theo bác sĩ Phan, phẫu thuật bắc cầu mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo giúp bệnh nhân giảm đáng kể nguy cơ biến chứng thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim; rối loạn đông máu sau mổ, rút ngắn thời gian nằm hồi sức.

"Đây là một trong những phẫu thuật đỉnh cao thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm lớn về mổ tim của Việt Nam và trên thế giới", ông nói.

Bệnh viện quận Thủ Đức là cơ sở y tế tuyến quận, huyện đầu tiên trên cả nước làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật phức tạp này. Từ năm 2018, bệnh viện triển khai phẫu thuật tim căn bản. Đến nay, bệnh viện thực hiện các ca phẫu thuật tim phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên có kỹ năng mổ tốt, trang thiết bị chuyên dụng.

Tác giả bài viết: Thư Anh

Nguồn tin: VNExpress