Bộ chỉ số xếp hạng chính quyền điện tử: Khó cũng phải có

Bộ chỉ số xếp hạng chính quyền điện tử: Khó cũng phải có
Những lợi ích do Chính phủ điện tử mang lại đã rõ ràng và sự thành công ở giai đoạn đầu của chính quyền Quảng Ninh cũng đã cho thấy xây dựng Chính phủ điện tử không phải là câu chuyện xa vời. Tuy nhiên, công cụ nào để đo đếm chất lượng thực sự của Chính phủ điện tử?

 


Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng các thành viên trong đoàn chăm chú theo dõi giải pháp CQĐT do FPT triển khai tại Quảng Ninh. Nguồn:fpt.com.vn

Cách mạng công nghệ 4.0, Chính phủ điện tử đang dần trở thành những từ khóa “thời thượng” trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và nhu cầu nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ sau khi ban hành Nghị quyết 36a/ NQ – CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bộ chỉ số cụ thể nào được xây dựng để đánh giá mức độ thực hiện chính quyền điện tử tại các địa phương, dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều và thậm chí, không minh bạch về thông tin, không tăng hiệu quả quản lý hành chính.

Xây dựng Chính phủ điện tử - nhu cầu tất yếu của sự phát triển

Khái niệm Chính phủ điện tử xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, sau sự bùng nổ của việc ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng vào toàn bộ các hoạt động của đời sống và đặc biệt là sự phát triển kinh tế. Sự ra đời của thương mại điện tử (e-commerce), doanh nghiệp điện tử (e-business) cùng các phương thức hợp tác, kinh doanh xuyên biên giới nhờ kết nối mạng Internet đặt các Chính phủ trước yêu cầu đối mới phương thức quản lý phù hợp.

Các định nghĩa, mô hình xây dựng Chính phủ điện tử nở rộ khắp nơi, với nhiều thảo luận đến từ các chuyên gia về hành chính và kinh tế. Đi kèm với đó là những ưu điểm không thể chối cãi của việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thông tin vào công tác điều hành của Chính phủ, hay nói cách khác, là đẩy mạnh và phát triển Chính phủ điện tử.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính manh nha xuất hiện từ năm 2001, với sự ra đời của Đề án 112/2001 về tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2005. Tuy nhiên, đến năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngừng thực hiện đề án do sai phạm trong quá trình thực hiện, không đạt được bất kì mục tiêu nào trong 5 nhóm mục tiêu chính, và làm thất thoát ngân sách nhà nước theo kết luận của cơ quan kiểm toán. Sau đó, gần như không còn hoạt động tích cực nào đáng kể liên quan đến Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, cũng tương tự như tất cả các quốc gia khác, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt là các công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật, sự nở rộ của các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng, Chính phủ tiếp tục đứng trước nhu cầu thay đổi mô hình quản lý phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đồng thời, cũng là yêu cầu của hoạt động cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng Chính phủ điện tử trở thành lựa chọn để phát triển. Chính phủ điện tử trong bối cảnh hiện nay còn được bổ sung những cách tiếp cận rất mới, tăng sự tương tác của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, đặt dưới quan hệ một bên cung cấp dịch vụ và một bên thụ hưởng dịch vụ, đòi hỏi yêu cầu về chất lượng phải được nâng cao.

Năm 2012, Quảng Ninh bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng mô hình Chính quyền điện tử một cách toàn diện đầu tiên trong cả nước. Tính đến quý I năm 2018, kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử đang bước vào giai đoạn 2: 2017 – 2020. Những con số báo cáo của giai đoạn 1 đã mở ra những hi vọng lớn cho việc đẩy mạnh chính quyền điện tử trên phạm vi cả nước: 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng, liên tục đứng đầu về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Sự thành công của Quảng Ninh đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nhiều tỉnh, thành phố trong việc đẩy mạnh chính quyền điện tử như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội.

Cần một công cụ đánh giá để hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực chất

Những lợi ích do Chính phủ điện tử mang lại đã rõ ràng, sự ủng hộ của Chính phủ đã có, sự hài lòng của người dân Quảng Ninh và sự thành công ở giai đoạn đầu của chính quyền Quảng Ninh cũng đã cho thấy xây dựng Chính phủ điện tử không phải là câu chuyện xa vời không thể đạt được. Tuy nhiên, công cụ nào để đo đếm chất lượng thực sự của Chính phủ điện tử?

Chỉ số cải cách hành chính hiện nay chỉ được áp dụng để đánh giá tổng thể hoạt động cải cách hành chính của các địa phương, mà ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử chỉ là một phần trong đó. Các chỉ số khác như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng không tập trung đánh giá hiệu quả quản lý khi ứng dụng chính quyền điện tử mà chỉ tập trung phản ánh hiệu quả quản lý hành chính chung. Hiện nay, hoạt động triển khai chính quyền điện tử mới chỉ được thực hiện tại một vài tỉnh, thành phố độc lập, nên cũng không có một chỉ số đánh giá cụ thể nào trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, nếu hướng đến việc nhân rộng mô hình từ Quảng Ninh, thì sự ra đời của một bộ chỉ số riêng là cần thiết và phải được xây dựng từ thời điểm này.

Bộ chỉ số sẽ đóng vai trò như một thước đo thống nhất trên phạm vi cả nước, xếp hạng và cho thấy kết quả xây dựng chính quyền điện tử tại từng tỉnh. Căn cứ vào đó, các bài học kinh nghiệm giữa các tỉnh sẽ được chia sẻ và nhân rộng. Chính phủ sẽ có cơ sở để hỗ trợ cho các tỉnh trong trường hợp cần thiết. Sự ra đời của một bộ chỉ số không chỉ có ý nghĩa đánh giá đơn thuần, mà còn là kết quả của sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và là một trong các phương thức để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thể hiện quyền giám sát của mình với chính các cơ quan hành chính.

Việc xây dựng bộ chỉ số, đi kèm với một bảng xếp hạng, đánh giá sẽ không tránh khỏi tranh cãi giữa các tỉnh. Tuy nhiên, không vì lí do này mà vai trò của bộ chỉ số giảm đi. Bộ chỉ số sẽ thúc đẩy sự hợp tác của chính các cơ quan hành chính tại các tỉnh với chủ thể thực hiện đánh giá chỉ số trong việc cung cấp dữ liệu, công khai thông tin đến chính người dân và doanh nghiệp – đối tượng trực tiếp thụ hưởng dịch vụ do các cơ quan cung cấp. Quan trọng hơn, bộ chỉ số sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh giữa các tỉnh, tăng hiệu quả thực sự của hoạt động xây dựng chính quyền điện tử sau thời điểm khảo sát và đánh giá.

Bộ chỉ số đồng thời cũng sẽ thể hiện chất lượng quản lý hành chính ở một khía cạnh khác hẳn so với các chỉ số sẵn có như PCI, PAPI, PAR Index, góp phần xây dựng một bức tranh toàn cảnh về hoạt động quản lý hành chính trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Sự thất bại từ việc thực hiện Đề án 112/2001 cũng đã cho thấy, việc thiếu thông tin minh bạch, thiếu sự giám sát từ khu vực tư nhân liên quan đến các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước dẫn đến những sai phạm không thể cứu vãn, thất thoát ngân sách và mất lòng tin từ nhân dân. Xây dựng một bộ chỉ số đánh giá chính là phương thức trực quan sinh động nhất khắc phục những yếu điểm này – vấn đề tồn tại từ rất lâu trong nền hành chính Việt Nam.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy Linh; Nguyễn Quang Đồng

Nguồn tin: Tia Sáng