Các quốc gia châu Âu muốn EC quyết định ứng dụng chỉnh sửa gene trong chọn tạo giống

Các quốc gia châu Âu muốn EC quyết định ứng dụng chỉnh sửa gene trong chọn tạo giống
Mặc dù tán thành kế hoạch sản xuất thực phẩm xanh, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia EU muốn xác định ảnh hưởng về mặt khoa học trước khi thông qua dự luật và kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) công bố các nghiên cứu về tạo giống chính xác.

Mặc dù tán thành kế hoạch sản xuất thực phẩm xanh, Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia EU muốn xác định ảnh hưởng về mặt khoa học trước khi thông qua dự luật và kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) công bố các nghiên cứu về tạo giống chính xác.

Vào ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp các quốc gia EU đã đồng thuận về việc ứng dụng những công nghệ tạo giống đổi mới sáng tạo để thúc đẩy sản xuất thực phẩm bền vững thông qua việc chấp thuận kế hoạch “Farm to Fork” (Từ trang trại đến bàn ăn) nhằm cắt giảm 30% phân bón sử dụng và chuyển đổi 25% đất nông nghiệp sang sản xuất hữu cơ.

Các bộ trưởng kêu gọi việc áp dụng “những kỹ thuật và thành tố đột phá mới” để thúc đẩy sản xuất thực phẩm bền vững, miễn là chúng đảm bảo an toàn với con người, động vật và môi trường.

Điều này liên quan đến việc nhân giống chính xác bằng chỉnh sửa gene, cho phép tạo ra những cơ thể biến đổi gene mà không cần đưa gene từ các loài khác vào. Công nghệ này hiện đang bị cấm ở EU sau phán quyết của Toà án Công lý châu Âu năm 2018, theo đó việc chỉnh sửa gene phải tuân theo chỉ thị cấm các sinh vật biến đổi gene của EU năm 2001.

Các nhà nghiên cứu ở 120 viện nghiên cứu trên khắp châu Âu đã yêu cầu EC xem xét lại phán quyết của tòa án, cho rằng việc nhân giống chính xác và chỉnh sửa gene là một cách tăng năng suất chất lượng tương đương các kỹ thuật nuôi trồng truyền thống và có thể gia tăng sự đa dạng nguồn gene cây trồng, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, xa hơn nữa là phát triển thực phẩm lành mạnh. Bộ trưởng Nông nghiệp các nước muốn EC hoàn thiện nghiên cứu về thực trạng những công nghệ chỉnh sửa gene mới theo luật của EU vào tháng 4/2021.

Quan điểm của EC hiện nay cho rằng công nghệ tạo giống chính xác sẽ là nền tảng để chuyển sang sản xuất thực phẩm thân thiện với môi trường. Frans Timmermans, Phó chủ tịch EC phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu cho biết EU hướng tới việc trao cho người dân những công cụ để thực hành nông nghiệp chính xác và tận dụng những phát minh khoa học để tạo ra giống cây trồng tốt.

“Điều này sẽ giúp chúng tôi ít phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hơn”, Timmermans chia sẻ tại hội nghị Tuần lễ xanh vào tuần trước. “Chuyển sang nông nghiệp sinh thái không có nghĩa là tất cả chúng ta phải gặm cỏ và sống trong hang đá, chúng ta cần sử dụng những công nghệ mới nhất để đạt được mục tiêu này”.

Tuy nhiên, kế hoạch về nông nghiệp sinh thái của EU đã vấp phải sự chỉ trích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue, cho rằng EU khó lòng ứng dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp. “Hoa Kỳ lo ngại rằng kế hoạch ‘Farm to Folk’ và chiến lược đa dạng sinh học của EU sẽ ảnh hưởng nhiều đến giao thương và gây nguy hại cho sản lượng nông nghiệp”, Perdue bày tỏ trong một hội nghị trực tuyến với Janusz Wojciechowski, Ủy viên EU phụ trách nông nghiệp.

Tài trợ nghiên cứu của EU

Để theo đuổi kế hoạch “Farm to Fork”, EU sẽ phân bổ 8,9 tỷ euro trong khuôn khổ Chương trình khung Horizon Europe lần thứ 9, cho các dự án về thực phẩm, kinh tế sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và môi trường.

Một số tài trợ của Chương trình Horizon Europe sẽ được phân bổ thông qua một quan hệ đối tác về hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững để giúp các quốc gia thành viên cùng hợp tác về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp theo cơ chế quản lý trên toàn EU. Horizon Europe cũng có một nhiệm vụ nghiên cứu cải thiện tình trạng đất đai và hợp tác nghiên cứu chuyên sâu nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vào năm 2030.

Thỏa thuận không ràng buộc

Mặc dù kế hoạch “Farm to Fork” chưa có tính ràng buộc pháp lý, các quốc gia thành viên muốn EC thực hiện “đánh giá tác động một cách khoa học” trước khi đưa vào luật. Hiện tại, các quốc gia thành viên vẫn ủng hộ việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách “cẩn trọng và có trách nhiệm” để làm cơ sở cho các dự thảo luật theo chiến lược “Farm to Fork”.

Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia EU cho rằng nên đưa mục tiêu và đối tượng của chiến lược “Farm to Fork” vào Chính sách Nông nghiệp của châu Âu (CAP) thông qua các khuyến nghị cụ thể cho từng quốc gia. Tuy nhiên, EC cho biết các khuyến nghị này không ràng buộc về mặt pháp lý. Ít nhất trên lý thuyết, các nghị sĩ EU đã bỏ phiếu về việc cải cách CAP để làm nền tảng cho kế hoạch sản xuất thực phẩm mới. 

Các nghị sĩ thuộc Liên minh Đảng Xanh cho biết bản đề xuất sửa đổi của Đảng Tự do, Đảng Bảo thủ và Đảng Xã hội sẽ cho phép EC giải ngân 60% khoản chi trực tiếp của CAP tới những người nông dân không đặt mục tiêu bền vững mạnh, do vậy điều này sẽ làm “giảm bớt” tham vọng của EC.

“Nếu không có mục tiêu ràng buộc về bảo vệ khí hậu, ít dùng thuốc trừ sâu trong trồng trọt và thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, CAP sẽ đi ngược lại mục đích của Thỏa thuận xanh”, nghị sĩ Bas Eickhout thuộc Đảng Xanh cho biết. “Ủy ban châu Âu nên xem xét lại đề xuất của CAP để đảm bảo rằng có tính đến đa dạng sinh học và kế hoạch ‘Farm to Fork’ để phù hợp với Thỏa thuận xanh”.

Ngược lại, các nghị sĩ bảo thủ của Nghị viện châu Âu phát biểu rằng EU không thể tăng tính bền vững “bằng cách cấm các thứ linh tinh”, chẳng hạn như thuốc trừ sâu và phân bón.

Thanh An dịch 

Nguồnhttps://sciencebusiness.net/news/member-states-want-commission-decide-use-gene-editing-animal-and-plant-breeding

Nguồn tin: Tia Sáng