Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tái nhiễm virus gây ra bởi Covid-19 nghĩa là một người đã bị nhiễm, hồi phục và sau đó bị nhiễm lại. Sau khi phục hồi, hầu hết cá nhân sẽ có miễn dịch nhưng theo cơ quan y tế Mỹ, việc tái nhiễm vẫn có thể xảy ra.
Kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, các triệu chứng chuyển biến nhẹ hơn. Biến chủng Omicron ít gây nghiêm trọng hơn so với Delta, các triệu chứng giống cảm lạnh như: đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi và đau lưng. Trong một vài trường hợp, một số người gặp các vấn đề về tiêu hóa như: buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng tái nhiễm dù điều này hiếm khi xảy ra với các biến thể Covid-19 trước đó.
Trước đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bằng chứng sơ bộ cho thấy những người từng mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron so với các biến thể khác nhưng thông tin còn hạn chế. Các chuyên gia y tế ở Ấn Độ cũng không loại trừ cơ hội tái nhiễm, đặc biệt là với biến thể có khả năng lây truyền cao như Omicron.
Thành viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Ấn Độ, tiến sĩ Shashank Joshi cho biết: "Tái nhiễm là điều mà chúng tôi không thể bỏ qua với Covid-19, bất kể biến thể nào. Ngay cả khi mọi người đã bình phục sau nhiễm Omicron, họ cũng không thể loại trừ khả năng tái nhiễm". Một thành viên khác của đội đặc nhiệm, Tiến sĩ Rahul Pandit chia sẻ, vẫn chưa có trường hợp tái nhiễm Omicron chính thức nào được báo cáo ở Ấn Độ nhưng không thể biết sẽ có biến thể nào tiếp tục xuất hiện trong tương lai. Do đó, mọi người vẫn cần che chắn, giữ khoảng cách để tránh tái nhiễm.
Theo nhiều nghiên cứu, những người tiêm đủ hai mũi vaccine phòng, chống Covid-19 được bảo vệ để tránh trở nặng khi nhiễm virus cao hơn so với những người chưa được tiêm. Tương tự, các chuyên gia cho rằng những người từng mắc Covid-19 một lần có thể trải qua một đợt tái nhiễm nhẹ và ít nghiêm trọng hơn. Điều này có thể do người tái nhiễm có một số khả năng miễn dịch được tạo ra từ lần nhiễm trùng ban đầu. Ngoài ra, nhiều người đã tiêm hai liều vaccine Covid-19, một số thậm chí còn được tiêm liều tăng cường có khả năng miễn dịch cao hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào biến thể mà người đó bị nhiễm.
Báo cáo của Văn phòng thống kê quốc gia (ONS) của Anh, chỉ ra, các trường hợp tái nhiễm với biến thể Alpha có triệu chứng là 20%, trong khi đó, Delta và Omicron lần lượt là 44% và 46%. Người tái nhiễm với Alpha ít khả năng tăng nặng triệu chứng hơn ở lần mắc thứ hai; với chủng Delta thì ngược lại. Còn với Omicron, mức độ của các triệu chứng là như nhau ở lần mắc đầu và tái nhiễm.
Các nhà khoa học tin rằng, hàng rào miễn dịch được tạo ra từ một bệnh nhiễm trùng sẽ suy yếu trong khoảng thời gian nhất định. Điều này cũng giống như khả năng miễn dịch do vaccine tạo ra. Đây là lý do khiến nhu cầu về vaccine tăng cường trong thời gian gần đây tăng lên, vì nó giúp tái tiếp xúc hệ thống miễn dịch của cơ thể với virus và kích hoạt các phản ứng miễn dịch.
Cơ thể con người có hai tuyến phòng thủ chính là hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích ứng. Phản ứng miễn dịch bẩm sinh bắt đầu sớm, khi xác định được virus. Điều này tiếp tục kích hoạt tế bào chủ giải phóng một loại protein cản trở sự nhân lên của virus hoặc có thể loại bỏ các tế bào bị xâm nhập. Mặt khác, miễn dịch thích ứng cần nhiều thời gian hơn để kích hoạt phản ứng vì hệ thống miễn dịch phải nhận ra "kẻ xâm lược" trước khi bắt đầu một cuộc tấn công chuyên biệt.
Các kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch thích ứng. Khi virus đã được phát hiện và xác định, các tế bào B (tế bào sản xuất kháng thể) tạo ra các kháng thể có thể tự gắn vào virus và ngăn chúng xâm nhập vào tế bào. Do đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể ghi nhớ virus trong một thời gian dài, tránh nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Điều đó nói khẳng định rằng, bất kỳ dạng nhiễm trùng Covid-19 nào, ngay cả khi là nhiễm trùng lặp đi lặp lại, đều có thể giúp xây dựng và củng cố khả năng miễn dịch, bởi nó khiến hệ thống miễn dịch tiếp xúc lại với mầm bệnh do virus gây ra và tạo ra kháng thể.