Căng thẳng, cô độc và bực bội – sức chịu đựng của trái tim chúng ta đến đâu?
- Thứ tư - 17/11/2021 18:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người Nhật thậm chí đã phát minh ra một từ riêng để chỉ hiện tượng này: đó là karoshi, khi áp lực công việc nặng nề khiến ai đó đến mức phải lìa đời. Khi người ta làm việc 80 giờ một tuần liên tục sẽ gây quá tải với trái tim, đặc biệt là khi công việc đó lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán. Ở Nhật, 25% lao động lâm vào tình trạng này.
Ở Đức mỗi năm có khoảng 65.000 ca đột tử vì bệnh tim mạch. Nguyên nhân thường là rối loạn nhịp tim đột ngột hoặc một cơn đau tim. Đã có thời những nhà quản lý bị chết do đột quỵ được tôn vinh là chái chết "anh hùng" thể hiện tinh thần hết lòng vì nhiệm vụ. May mắn thay giờ đây đã có sự thay đổi về sự đánh giá đối với cái chết này.
Mạch máu bị tắc nghẽn vì cuộc sống căng thẳng
Mạch máu có thể bị tắc nghẽn khi căng thẳng. Điều may mắn là điều ngược lại có thể xảy ra: cuộc sống thanh thản, thoải mái và lạc quan có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Thậm chí có thể làm cho các động mạch khỏe mạnh hơn.
Christoph Herrmann-Lingen, Giám đốc phòng khám Y học tâm lý và trị liệu tâm lý tại Đại học Goettingen đã chứng minh căng thẳng có thể tác động mạnh mẽ như thế nào đến tim. “Tôi rất phấn khích khi trình bầy bài giảng đẩu tiên của mình trước một cử tọa quan trọng, đây là một điển hình về stress”. Nhà nghiên cứu 63 tuổi cho biết, cách đây 17 năm khi trình bày bài giảng ông đã kết nối tim mình với thiết bị EKG và phát hiện ra ông phát hiện bị rối loạn nhịp tim. Điều chưa hề xẩy ra trước đó.
Hormone có thể kích thích tim quá mức
Khi căng thẳng hoặc phấn khích, não bộ sẽ làm cho cơ thể lâm vào tình trạng báo động. Nhịp tim cũng như huyết áp đều tăng lên, các chất dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể được huy động. Trái tim đôi khi bị kích thích quá mức bởi các dây thần kinh và hormone và có thể lâm vào tình trạng lỡ nhịp.
Trong những tháng sau vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới, việc xem tin tức có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim ở một số người Mỹ mắc bệnh tim. Với những người phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự kiện này, những ký ức căng thẳng cũng có thể dẫn đến các bệnh tim khác và tăng huyết áp.
Theo Herrmann-Lingen, căng thẳng trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu bạn không để cho tim được nghỉ ngơi lâu. Khi đó chỉ số huyết áp và nồng độ hormon vẫn ở mức cao nhất thúc đẩy quá trình vôi hóa mạch máu.
Nỗi cô đơn và sự tức giận thường xuyên làm tổn thương tim
Căng thẳng trong công việc có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch tới 40%. Sự cô đơn làm tăng lên 50%, tức giận thường xuyên làm tăng 20%. Khảo sát ở Phần Lam cho thấy những người tâm trạng cực kỳ bi quan có nguy cơ mắc các vấn đề về tim cao gấp đôi so với những người đồng hương của họ, những người sống lạc quan, yêu đời.
Những cảm giác tiêu cực cũng gián tiếp làm cho nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên vì chúng có thể "lôi kéo" con người sống kém lành mạnh. Ví dụ như càng dành nhiều thì giờ cho công việc thì càng có ít thì giờ để vào bếp nấu các món ăn có lợi cho sức khỏe cũng như ít chịu tập thể dục, thể thao.
Nguy cơ đau tim giảm bao nhiêu tùy thuộc vào khuynh hướng của từng cá nhân đối với các vấn đề về tim. Song chuyên gia khoa tâm lý học Đại học Cologne cho rằng, nếu có chỉ số mỡ máu cực kỳ bất lợi vì lý do di truyền, thì ngay cả việc thực hiện một lối sống thích hợp nhất cũng sẽ chẳng có ích gì nếu không có các liệu pháp y tế tối ưu.
Cảm xúc tích cực có thể làm cho khí huyết lưu thông?
Trung bình, nguy cơ đau tim của những người lạc quan thấp hơn khoảng 30%. Những người muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa hoặc hạnh phúc có thể giảm nguy cơ tim mạch từ 12% đến 17%. Khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gì mang lại điều này. Những người vui vẻ, thoải mái và lạc quan chắc chắn được hưởng lợi từ việc họ ít phải dằn vặt bởi những cảm xúc tiêu cực có hại. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa chứng minh được rằng cảm giác tích cực có thể trực tiếp làm sạch động mạch vành, chuyên gia tâm lý Albus tại Đại học Cologne nhận xét.
Một vài năm trước các nhà khoa học tại đại học Cologne đã chỉ ra rằng những bệnh nhân tim chịu khó vận động nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn và làm điều gì đó tốt cho tinh thần của họ thông qua các phương pháp thư giãn và trò chuyện không chỉ có mạch máu khỏe mạnh hơn so với những người cùng mắc bệnh, họ cũng ít bị các cơn đau tim hơn.
Sự hài lòng với cuộc sống sẽ tốt cho trái tim
Nếu chỉ đơn thuần có các hormon hạnh phúc không thôi thì chưa chắc có thể có một trái tim lành mạnh. Điều quan trọng là người ta phải biết tận hưởng cuộc sống của mình như thế nào. Hạnh phúc theo chủ nghĩa hưởng thụ là sự gia tăng nội tiết tố cá nhân trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như trải nghiệm của người ta trong một bữa tiệc tùng , khi người ta được ăn uống xả láng. Eudaemonic có tác dụng lâu dài hơn, đó là cảm giác hài lòng, mãn nguyện với cuộc sống mà mình cho là có ý nghĩa. Nếu ai đó được tiệc tùng nhậu nhẹt xả láng triền miên thì điều này không chắc sẽ làm cho tim mạch được khỏe mạnh. Cảm giác lạc quan và tính cộng đồng là điều mà eudaemonic mang lại và điều này có tác dụng tăng cường sức khỏe cho tim.
Căng thẳng tích cực có thể tăng cường sức khỏe
Nhưng cũng có một vấn đề khá phức tạp khi thực tế cho thấy một số người thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn hơn khi họ gặp phải căng thẳng. Ví dụ vận động viên nhảy dù hoặc bác sỹ trực cấp cứu, khi chuẩn bị nhẩy dù hoặc thực hiện cấp cứu người bệnh nhịp tim và huyết áp của họ tăng mạnh; sự gia tăng nhịp tim và huyết áp, nhất là khi tập thể thao đều không làm tổn thương tim mạch. Theo chuyên gia tâm lý, những căng thẳng dạng này ở một mức độ nhất định nó thậm chí có thể tăng cường sức khỏe.
Luôn cố gắng giảm bớt căng thẳng
Những người luôn đặt cho mình mục tiêu phải đạt được một kết quả hoàn hảo; phải làm hài lòng mọi người; hoặc nhất thiết mình phải hơn mọi người, tất cả các mong muốn đó đều là gánh nặng về thể chất và tinh thần cho bản thân mình.
Lời khuyên của các thầy thuốc: Nếu bạn không thể giải tỏa căng thẳng cho bản thân, ít nhất bạn nên học cách đối phó với nó một cách lành mạnh hơn, lời khuyên sức khỏe số hai: Luôn cố gắng giảm bớt căng thẳng. Tập thể dục, giao du với bạn bè hoặc phát triển các sở thích cá nhân đều có thể giúp người ta đối phó tốt hơn với sự căng thẳng. Và nếu tất cả những điều đó vẫn chưa đủ: thì đừng bỏ lỡ việc tìm kiếm sự giúp đỡ vào thời điểm thích hợp. Có thể là một bác sĩ, một nhà trị liệu tâm lý hoặc chỉ là một khóa đào tạo quản lý căng thẳng.
Xuân Hoài lược dịch
Nguồn bài và ảnh: https://www.welt.de/wissenschaft/plus234899072/Stress-und-Herz-So-laesst-sich-das-Herztod-Risiko-verringern.html