Chảy máu chất xám ngành Y: Lỗi của chính sách tự chủ

Chảy máu chất xám ngành Y: Lỗi của chính sách tự chủ
Các bệnh viện công trong suốt hơn 20 năm qua ngày càng bị đẩy dần đến tự chủ tài chính, bị cắt dần ngân sách từ nhà nước và phải phụ thuộc ngày càng nhiều (nếu không muốn nói ở nhiều nơi là toàn bộ) vào tiền túi của người dân thuộc mọi tầng lớp đến khám chữa bệnh. Điều đó khiến ngành y tế phát triển thiếu bền vững, mà hiện tượng hàng nghìn nhân viên y tế dứt áo ra đi vừa qua chỉ là một biểu hiện.

Đợt dịch COVID-19 giống như một giọt nước làm tràn ly những áp lực và thu nhập eo hẹp của nhân viên y tế, khiến cho hàng nghìn người đồng loạt bỏ việc. Ảnh: Công Khanh.

Hai năm qua, ngành y tế công của Việt Nam đã chứng kiến hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc dồn dập. Chỉ trong nửa đầu năm 2022, đã có hơn 9.000 viên chức y tế nghỉ việc, trong đó, hơn một nửa là những người thuộc quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh, tức là những người trực tiếp chăm sóc sức khỏe của người dân ở các địa phương. Còn ở hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn nhất cả nước, tình hình cũng đáng quan ngại khi trong riêng bốn tháng đầu năm 2022 đã có hơn 600 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Truyền thông và người trong cuộc đều quan sát thấy rằng, các nhân viên rời bỏ khối y tế công chủ yếu là di chuyển sang khối bệnh viện và cơ sở y tế ngoài công lập. Hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân với môi trường làm việc hiện đại tại các địa phương ngày càng nở rộ nhưng thiếu nhân lực, sẵn sàng chào đón họ với mức lương cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần.

Lương thấp và chế độ phụ cấp thấp trong hệ thống y tế công lập là vấn đề xưa cũ và là một nguy cơ âm ỉ trong suốt nhiều năm nay. Tác động của dịch COVID-19 giống như một giọt nước tràn ly dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám ngành y tế ồ ạt. Trong suốt thời kì đại dịch và cách li xã hội, người đến khám bệnh tại nhiều cơ sở y tế giảm, khiến các nhân viên y tế bị chậm trả lương hoặc có thu nhập bị thu hẹp đáng kể. Thậm chí có bệnh viện tuyến trung ương cho biết, do lượng bệnh nhân giảm 1/3 trong thời điểm đại dịch, khiến việc lo trả mức lương cơ bản cho nhân viên rất vất vả. Đó còn chưa kể, đại dịch càng nhấn mạnh thêm mức độ nguy hiểm và áp lực tinh thần của ngành y tế.

Việc nhân viên y tế chuyển sang tư để được trả lương cao hơn là có lợi cho người lao động và tương xứng với thực lực của họ. Nhưng điều này tạo sự thiếu hụt về nhân lực ở bệnh viện công và về lâu dài có thể gây ra sự mất cân đối về nguồn lao động giữa hai hệ thống công, tư. Nhiều bệnh viện công cung cấp những dịch vụ mà bệnh viện tư không muốn làm và không thể làm. Việc mất đi nguồn nhân lực quan trọng khiến bệnh viện công khó có thể thực hiện được trọn vẹn những nhiệm vụ mà ngành y tế đặt ra cho họ. Ngành y tế sẽ không thể đảm bảo có đủ nguồn lực (đặc biệt khi mất đi những nhân viên giỏi) để cung ứng dịch vụ cho đại bộ phận dân chúng.

Cơ chế tự chủ dẫn đến việc bệnh viện lạm thu dịch vụ, chẳng hạn như lạm dụng máy móc kỹ thuật hiện đại, lạm dụng thuốc, xét nghiệm nhiều hơn so với mức cần… để tăng nguồn thu. Từ đó, bệnh viện bị đẩy vào tình thế không chỉ kéo người dân chi tiêu nhiều cho các dịch vụ khám chữa bệnh mà thậm chí còn “lạm dụng” cả quỹ bảo hiểm.

Hiện tượng này cũng sụt giảm niềm tin của người lao động và người dân vào hệ thống bệnh viện công lập. Nhiều nhân viên giỏi sang làm ở bệnh viện tư sẽ tạo tâm lý cho những người ở lại và cả những thế hệ nhân viên ngành y tương lai (có thể họ sẽ thấy mất an toàn, không muốn tiếp tục cống hiến cho bệnh viện công lập…). Người dân cũng mất đi niềm tin vào ngành y tế, người giàu có đủ tiền có thể đến bệnh viện tư nhưng người nghèo thì chỉ có thể hoặc là đi bệnh viện công, hoặc là tự chữa bệnh ở nhà.

Càng ngày càng tự chủ

Tại sao giảm 1/3 bệnh nhân đến khám đã ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh viện như vậy? Chẳng phải các bệnh viện công được hỗ trợ từ ngân sách hay sao?

Thực tế, các bệnh viện công trong suốt hơn 20 năm qua ngày càng bị đẩy dần đến tự chủ tài chính, bị cắt dần ngân sách từ nhà nước và phải phụ thuộc ngày càng nhiều (nếu không muốn nói ở nhiều nơi là toàn bộ) vào tiền túi của người dân thuộc mọi tầng lớp đến khám chữa bệnh.

Những chính sách tự chủ đầu tiên là Nghị định 10 và Nghị định 43 của Chính phủ, ra đời lần lượt vào năm 2002 và năm 2006, thúc đẩy các bệnh viện tự chi trả lương cho cán bộ, nhân viên của mình. Trong đó, Nghị định 10 cho phép các bệnh viện công lập có thu được tự ý sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách để đảm bảo “cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh”. Bởi vậy, với Nghị định 10, thu nhập của nhân viên y tế sẽ đến từ ngân sách (khiêm tốn nhưng ổn định) và nguồn thu của bệnh viện (bệnh viện thu được càng nhiều tiền từ cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh thì thu nhập càng lớn). Tuy nhiên, theo nghị định này, bệnh viện chỉ được phép sử dụng biên chế do nhà nước giao từ trước. Đến Nghị định 43, bệnh viện mới được trao thêm quyền tự quyết về biên chế và tổng mức thu nhập của người lao động trong năm, kể cả thu nhập tăng thêm. Nhưng, bệnh viện chỉ có được quyền này nếu họ tự đảm bảo được toàn bộ chi phí hoạt động của mình. Với bệnh viện mới chỉ tự chủ một phần, nếu muốn thêm biên chế sẽ phải thông qua cơ quan chủ quản. Hơn nữa, dù có nguồn thu lớn hay nhỏ, bệnh viện đều cần phải trích 25% nguồn thu cho quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của nhà nước, tức là cho ngân sách. Nói chung, nhà nước muốn rút dần ngân sách chi trả lương cho các cán bộ nhân viên y tế, khuyến khích các bệnh viện phải tự chủ nếu muốn có thêm quyền tự quyết về nhân sự. Điều này cũng được thể hiện ở điều 2.2 trong Nghị định 43, đó là “thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước”.

Và để tạo điều kiện cho các bệnh viện có tiền chi trả cho nhân viên của mình, thoát li khỏi việc phụ thuộc vào ngân sách, nhà nước đã đưa ra các chính sách để các bệnh viện có thể tạo thêm nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước như chính sách cho phép các bệnh viện được dần tự quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh, được quyền sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị. Đặc biệt chính sách cho phép các bệnh viện được dần tự quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo bảy chi phí cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: thuốc; vật tư trực tiếp, điện, nước, xử lý chất thải và duy tu; bảo dưỡng tài sản, tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Từ năm 2014-2017, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm 6/7 yếu tố trên (trừ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học) và từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ được bao gồm cả bảy yếu tố này. Hơn nữa, ngoài việc được tính đủ bảy yếu tố, bệnh viện còn được thêm vào không quá 10% lãi để đầu tư phát triển. Nhưng, cũng như với quyền tự quyết biên chế, quyền tính giá dịch vụ cũng phụ thuộc vào mức độ tự chủ của bệnh viện. Nói cách khác, chỉ có các bệnh viện tự đảm bảo được ít nhất toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, mới có thể được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ. Nghị định 60 ra đời năm 2021 tiếp tục kế thừa nguyên tắc trên của Nghị định 85 ban hành năm 2012 (hiện đã hết hiệu lực). Đồng thời, Nghị định 60 trao thêm quyền cho các đơn vị đã tự chủ tài chính, đó là được xác định giá dịch vụ y tế thay đổi theo giá thị trường.

Không chỉ các bệnh viện công, các trạm y tế, nơi đóng vai trò quan trọng trong đợt dịch vừa qua, cũng phải hứng chịu tình trạng chảy máu chất xám ồ ạt. Ảnh: lambinh.tuyenquang.gov.vn/

Tự chủ nhưng sao vẫn bị trói?

Hai mươi năm thực hiện cơ chế tự chủ đã làm tăng đáng kể nguồn lực cho ngành y tế. Lượng bệnh viện công lập tự chủ chi thường xuyên đã tăng nhanh, giảm đáng kể áp lực chi tiêu ngân sách nhà nước cho ngành y tế. Chất lượng cung cấp dịch vụ công ở một số nơi cũng được cải thiện trong chừng mực nào đó, do các bệnh viện phải cạnh tranh với nhau để thu hút bệnh nhân. Nhưng đồng thời, chính sách tự chủ này cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến ngành y tế phát triển thiếu bền vững, mà hiện tượng hàng nghìn nhân viên y tế dứt áo ra đi vừa qua chỉ là một biểu hiện.

Như mô tả ở trên, những chính sách tự chủ của nhà nước dường như đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế vào tình thế lưỡng nan: để có được tự chủ về tài chính, họ cần phải được tự quyết về biên chế, thu nhập của người lao động và tự xác định về giá dịch vụ khám chữa bệnh. Nhưng, chính sách chỉ cho họ tự quyết hai yếu tố sau nếu họ đạt được yếu tố đầu. Bởi vậy, các bệnh viện mới chỉ tự chủ tài chính được một phần sẽ phải hoạt động rất chật vật.

Nhưng kể cả các bệnh viện đã tự chủ được tài chính, tưởng như có nhiều quyền lợi hơn, nhưng hóa ra cũng phải loay hoay để đi vừa những khe cửa hẹp. Mặc dù các bệnh viện này được quyền quyết định biên chế và thu nhập của người lao động, nhưng vẫn phải theo quy định ngạch, bậc của nhà nước. Tức là luôn có giới hạn trần cho việc trả lương cho một vị trí nghề nghiệp, bất kể bệnh viện thu về được bao nhiêu. Theo Nghị định 85 và 60, họ được quyền tính đúng, tỉnh đủ bảy chi phí cấu thành giá dịch vụ và thêm 10% lãi (hay còn gọi là tích lũy). Tuy nhiên, các chính sách về giá dịch vụ y tế đang bị “lệch pha” so với Nghị định 85 và 60. Bệnh viện dù tính giá thế nào chăng nữa, cũng không được vượt quá khung giá dịch vụ khám chữa bệnh do nhà nước quy định. Mà khung giá này, lại chưa “tính đúng, tính đủ” để bệnh viện có lãi. Ngoài ra, kể cả có quyền tự quyết về giá, các bệnh viện cũng e ngại “tính đúng tính đủ”. Đúng là, nếu thu thấp thì họ không thể đảm bảo hoạt động, nhưng nếu thu cao, thì làm sao để có thể cạnh tranh với các bệnh viện tự chủ một phần, với cơ sở vật chất tương đương, đang thu chi phí dịch vụ khám chữa bệnh thấp (vì vừa “bị” nhà nước kiểm soát về giá, vừa “được” nhà nước hỗ trợ một phần chi phí hoạt động)?

Nhiều cơ chế, chính sách vừa thiếu để đảm bảo cho thực hiện tự chủ bệnh viện và lại vừa nhiều quy định cứng nhắc, quá chi tiết, đi ngược lại với tinh thần tự chủ.

Nếu cho rằng bảo hiểm y tế là hình thức nhà nước hỗ trợ các bệnh viện để họ có thể cung cấp dịch vụ chất lượng với giá phải chăng cho người dân, thì điều đó không đúng ở thời điểm hiện tại. Một đặc điểm quan trọng của hệ thống dịch vụ y tế công lập của nước ta là một tỉ trọng lớn chi tiêu cho dịch vụ y tế là đến từ tiền túi người dân. Theo báo cáo của Bộ Y tế, chi phí y tế đến từ tiền túi hộ gia đình chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, tại các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ 14%, còn theo khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới là khoảng 20%. Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng).

Tỉ trọng chi tiêu từ tiền túi của bệnh nhân cao có liên quan đến một thực tế là quỹ bảo hiểm y tế chưa đảm bảo bao phủ toàn bộ nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, quỹ bảo hiểm hiện đang rơi vào tình trạng “mức thu thấp hơn mức chi”, nhà nước đã phải dùng đến quỹ dự phòng để duy trì hoạt động. Hiện tại số tiền dự phòng chỉ còn khoảng 35 nghìn tỉ đồng, trong khi mỗi năm, quỹ bảo hiểm y tế phải chi từ 100 – 120 nghìn tỉ đồng.

Tình trạng “thu ít hơn chi” của quỹ bảo hiểm y tế một phần có đến từ mức thu bảo hiểm của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, một lí do khác nữa còn là cơ chế tự chủ dẫn đến việc bệnh viện lạm thu dịch vụ, chẳng hạn như lạm dụng máy móc kỹ thuật hiện đại, lạm dụng thuốc, xét nghiệm nhiều hơn so với mức cần… để tăng nguồn thu. Nếu người dân chi trả những chi phí này thông qua bảo hiểm thì có nghĩa là quỹ bảo hiểm phải chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh nhiều hơn so với mức cần thiết. Nói cách khác, bệnh viện bị đẩy vào tình thế không chỉ kéo người dân chi tiêu nhiều cho các dịch vụ khám chữa bệnh mà thậm chí còn “lạm dụng” cả quỹ bảo hiểm.

Khi nguồn chi trả cho các chi phí khám chữa bệnh phần nhiều đến từ tiền túi của bệnh nhân, thay vì từ đầu tư công và bảo hiểm xã hội, thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Các bệnh viện tự chủ sẽ gặp khó khăn về tài chính và đảm bảo thu nhập cho người lao động khi lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm (do dịch bệnh, khủng hoảng tài chính…). Việc buộc phải chi trả từ tiền túi của người bệnh cho các dịch vụ khám chữa bệnh làm hạn chế sự tiếp cận dịch vụ y tế khi người dân cần và có thể đẩy các hộ gia đình vào nguy cơ nghèo đói.

Minh họa Thuyết quản lý công mới, là phép cộng của sự giám sát của cơ quan chủ quản và phong cách quản lý linh hoạt của khối tư nhân. Ảnh: vincenzovignieri.com/

Nói chung chính sách tự chủ ở Việt Nam chỉ hiểu trong phạm vi tự chủ tài chính. Nhưng tự chủ không chỉ gồm tự chủ tài chính; và tự chủ tài chính sẽ bị giới hạn nếu không trao cho các bệnh viện nhiều quyền tự chủ khác. Tự chủ tài chính phụ thuộc nhiều vào tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ về hoạt động chuyên môn. Trong khi đó nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu để đảm bảo cho thực hiện tự chủ bệnh viện, ví dụ cơ chế chính sách xây dựng giá dịch vụ y tế, cơ chế sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết, hợp tác công tư, chính sách thực hiện đơn đặt hàng, chính sách về bổ nhiệm, đào tạo và tuyển dụng nhân lực y tế. Nhiều quy định đề ra trong những chính sách này lại cứng nhắc, quá chi tiết, đi ngược lại với tinh thần tự chủ.

Chẳng hạn, để tự chủ tài chính, bệnh viện cần phải thu hút nhân sự, mà lương chỉ là một phần, môi trường làm việc đôi khi có “trọng lượng” lớn hơn. Như vậy, bệnh viện cần có toàn quyền quyết định về nhân sự, bao gồm từ tuyển dụng và bổ nhiệm người lao động. Nhưng hiện nay, tất cả các bệnh viện công đều phải tuân thủ chi tiết hình thức thi tuyển, xét tuyển, trình tự, thủ tục tuyển dụng, trình tự thủ tục bổ nhiệm…theo quy định của nhà nước. Việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thường dẫn đến việc quản lý thiếu hiệu quả, thiếu linh hoạt, không đáp ứng được thực tế cuộc sống vốn đa dạng, hoặc phải lách luật để dễ bề quản lý phù hợp với thực tế, trong nhiều trường hợp nguồn lực không đủ để làm theo đúng các quy trình.

Tự chủ tài chính không phải là câu trả lời

Có thể nói cách Việt Nam tiếp cận chính sách tự chủ có phần chệch hướng so với cách tiếp cận thông thường ở những nước phát triển, những nơi tiên phong đầu tiên trong việc thiết kế và áp dụng chính sách tự chủ theo thuyết “quản lý công mới”.

Cũng giống như với các ngành cung ứng dịch vụ công khác, nhà nước cũng cần phải có quy định chung về hệ thống lương bổng cho ngành y tế (mang tính cạnh tranh, có tính tới đặc thù ngành) để đảm bảo sự thống nhất trong việc chi trả cho người lao động trong ngành y.

Thuyết “quản lý công mới” ra đời để để giải quyết những trục trặc của Nhà nước khi theo mô hình quản lý công truyền thống được xem là cứng nhắc, quan liêu, có quá nhiều luật lệ, quy trình, thủ tục. Mô hình nhà nước to theo tiêu chuẩn quản lý công truyền thống không còn phù hợp khi các nước phương Tây lâm vào khủng hoảng tài chính những năm 70. Điều này buộc nhà nước phải cắt giảm chi tiêu đồng thời vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ công. Thuyết quản lý công mới cho phép nhà nước thực hiện điều này.

Phân cấp quản lý và tự chủ là những cải cách theo thuyết quản lý công mới. Mục đích của tự chủ là để hạn chế sự can thiệp chính trị vào công việc quản lý sự nghiệp, tăng tính hiệu quả quản lý và cho phép các quyết định quản lý được thực hiện mà không bị chính trị hóa (các quyết định sẽ công bằng hơn nếu không có tính chính trị ở trong đó, chính trị có thể có tính phe phái hay nhiệm kỳ), tăng tính thích ứng và mang dịch vụ đến gần với người sử dụng, tăng tính linh hoạt và giải phóng người quản lý khỏi những luật lệ cứng nhắc, mang tính kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước (ở Việt Nam là cơ quan chủ quản).

Tự chủ bao gồm hai khía cạnh là tự chủ quản lý (được tự do trong việc lựa chọn và sử dụng các nguồn lực) và tự chủ chính sách (tự do trong việc lên kế hoạch, mục tiêu, quy trình, thủ tục, quyết định chất lượng và số lượng sản phẩm dịch vụ). Đi kèm với quyền tự chủ là sự dịch chuyển trong cung cách quản lý của cơ quan chủ quản từ tiền kiểm (kiểm soát đầu vào và quy trình thực hiện) sang hậu kiểm (giám sát kết quả).

Quản lý theo kiểu tiền kiểm là việc Việt Nam đang làm hiện nay, đó áp dụng các luật lệ, quy định, tiêu chuẩn, quy trình chi tiết nhằm đảm bảo đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ. Với kiểu quản lý này, các đơn vị sự nghiệp hầu như có ít cơ hội lựa chọn phương thức quản trị mà chủ yếu phải tuân thủ các quy định cơ quan quản lý ban hành.

Trong khi đó, quản lý theo kiểu hậu kiểm là nhà quản lý chỉ quan tâm tới đơn vị sự nghiệp có được thực hiện các mục tiêu dự kiến không và liệu trong lương lai có cần những cải thiện nào không để tăng cường hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ. Quản lý hậu kiểm chủ yếu thông qua mục tiêu, theo dõi, giám sát, kiểm toán và các cơ chế thưởng phạt. Cung cách quản lý này cho phép tính uyển chuyển, linh hoạt, khả năng thích ứng với sự thay đổi và sự sáng tạo.

Mặc dù phí dịch vụ được áp dụng ở nhiều nước nhằm chia sẻ chi phí giữa người dân và nhà nước, đầu tư công cho dịch vụ công thiết yếu như y tế vẫn hết sức quan trọng, là một cơ chế điều phối đảm bảo công bằng và hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công.

Ở những nước phát triển, dịch vụ công bao gồm dịch vụ y tế về nguyên tắc được nhà nước đầu tư ngân sách chủ yếu bởi đây là những dịch vụ công thiết yếu. Việc áp dụng những nhân tố thị trường theo thuyết “quản lý công mới” như cạnh tranh, tự do lựa chọn, tự chủ… vào quản lý dịch vụ công không phải để đơn vị “tự bơi” trong thị trường mà nhằm mục đích nâng cao tính linh hoạt, hiệu quả quản lý, và khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Việc nghỉ việc hàng loạt của các nhân viên y tế là một dấu hiệu chất vấn ngành y tế trong cách tiếp cận lâu nay đối với chính sách tự chủ. Khi mục tiêu bảo hiểm toàn dân chưa hoàn thành, điều hết sức quan trọng là cần có giải pháp về cân đối lại chi phí y tế giữa nhà nước và người dân. Đặc biệt tỷ trọng trong chi ngân sách công cho y tế cần có sự điều chỉnh để đảm bảo mức chi tiền túi của người dân cho dịch vụ y tế giảm xuống.

Điều này đòi hỏi ngành y tế cần tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện công lập chứ không thể “thả trôi” như hiện nay. Chính sách tự chủ, thay vì tạo các cơ hội cho các bệnh viện tạo nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước, cần tập trung vào việc chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm tải các quy định về quản lý đầu vào. Thay vào đó là tập trung vào việc theo dõi, giám sát, kiểm toán, đảm bảo việc sử dụng các nguồn lực không có thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những điều này nhằm tạo điều kiện cho người quản lý được linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn lực cũng như trong việc xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu và phương thức thực hiện để đạt được các mục tiêu.
Cũng giống như với các ngành cung ứng dịch vụ công khác, nhà nước cũng cần phải có quy định chung về hệ thống lương bổng cho ngành y tế (mang tính cạnh tranh, có tính tới đặc thù ngành) để đảm bảo sự thống nhất trong việc chi trả cho người lao động trong ngành y. Sự chênh lệch về lương bổng có thể dẫn đến mất cân đối trong lực lượng lao động trong ngành y (nông thôn – thành thị, tuyến trên – tuyến dưới). Nếu bệnh viện hoạt động theo cơ chế này thì sẽ không có kiểu tính lương theo kiểu lương cứng và lương tăng thêm. Việc tạo lập cơ chế lương tăng thêm là một cơ chế khuyến khích bệnh viện tạo nguồn thu, dẫn đến tình trạng lạm thu hiện nay. Cơ chế lương tăng thêm cũng tạo sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các bệnh viện, đặc biệt là giữa bệnh viện tự chủ và bệnh viện mới được tự chủ một phần hoặc chưa tự chủ, giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, và giữa bệnh viện ở thành thị và nông thôn.

Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho các bệnh viện công lập giải phóng các bệnh viện khỏi các áp lực phải tự lo nguồn thu để tồn tại và duy trì hoạt động. Thay vào đó, các bệnh viện sẽ có cơ hội tập trung mọi nguồn lực vào việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý và cung ứng dịch vụ, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân.□

Tác giả bài viết: Võ Thị Hải Minh