Có thể học gì từ quy trình bảo lãnh công nghệ của Hàn Quốc?

Có thể học gì từ quy trình bảo lãnh công nghệ của Hàn Quốc?
Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không có tài sản thế chấp vay vốn có thể đề nghị KOTEC đánh giá công nghệ, bảo lãnh để vay vốn ngân hàng. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể cân nhắc học hỏi để hỗ trợ SME trong bối cảnh khối doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn về vốn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.
Nguồn ảnh: Báo Khoa học và phát triển.

Tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ” do Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia (NATIF) tổ chức vào ngày 22/11 tại Hà Nội, các chuyên gia từ Tổng công ty tài chính công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc đánh giá và bảo lãnh công nghệ ở Hàn Quốc.

Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp

TS. Kim Jonghyun, trưởng ban hợp tác quốc tế của KOTEC trình bày về quy trình bảo lãnh công nghệ. Trọng tâm của chính sách này là giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp, có quy mô vừa và nhỏ. Khi các SME thiếu tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng thì có thể đến KOTEC nộp hồ sơ xin bảo lãnh. KOTEC sẽ tiến hành thẩm định đánh giá công nghệ của doanh nghiệp đó và cấp giấy bảo lãnh. Ngân hàng xem xét cho SME vay dựa vào giấy bảo lãnh công nghệ (trong trường hợp SME bị phá sản thì KOTEC phải trả khoản nợ đó và tiến hành đòi nợ từ doanh nghiệp, còn ngân hàng không hề bị rủi ro). “Nhiều doanh nghiệp phát triển lớn mạnh rồi cũng ‘bất mãn’ hỏi chúng tôi tại sao chỉ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp mới bắt đầu mà quên đi họ. Nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ của KOTEC có hạn nên chúng tôi chỉ tập trung vào một nhóm doanh nghiệp mới bắt đầu được thôi”, TS. Kim Jonghuyn nói.

Ngoài ra, KOTEC cũng xem xét bảo lãnh công nghệ cho những doanh nghiệp đang có nguy cơ phá sản. “Vì có những doanh nghiệp sắp phá sản vì lý do nào đó nhưng công nghệ của họ rất tốt. Tuy nhiên với những trường hợp này thì chúng tôi phải kiểm tra hết sức cẩn thận”, ông nói thêm.

Cho đến nay, KOTEC đã bảo lãnh cho khoảng 70.000 doanh nghiệp, tổng lượng vốn mà KOTEC bảo lãnh công nghệ vào khoảng 18.000 tỉ USD. Những doanh nghiệp được bảo lãnh này tạo ra doanh thu vào khoảng 80.000 tỉ USD. Tỉ lệ nợ xấu mà KOTEC phải gánh chỉ ở mức 4,2% (KOTEC phải trả nợ cho ngân hàng khi các doanh nghiệp được bảo lãnh công nghệ phá sản nhưng không thể đòi được nợ).

Hệ thống đánh giá công nghệ khách quan, minh bạch

Để hạn chế tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất, KOTEC xây dựng và áp dụng hệ thống đánh giá KTRS (Kibo Technology Rating System) khách quan, minh bạch. Bộ công cụ KTRS này có 34 chỉ số (chủ yếu là các chỉ số định lượng), đánh giá doanh nghiệp ở những phương diện chính: giá trị công nghệ, khả năng tiếp cận thị trường và khả năng kinh doanh. Sau khi doanh nghiệp được đánh giá công nghệ xong, KOTEC mới kết luận là doanh nghiệp đó sẽ được bảo lãnh với khoản vay bao nhiêu (tương ứng với năng lực công nghệ và khả năng thị trường của công ty đó).

Hệ thống KTRS có ưu điểm là “đảm bảo tính khách quan khi đánh giá công nghệ (trước khi có bộ chỉ số này, việc đánh giá công nghệ nhiều khi dựa trên ý kiến chủ quan của chuyên gia đánh giá). Vì vậy, hiện nay KTRS rất được tín nhiệm để đánh giá công nghệ ở Hàn Quốc”, TS. Kim Jonghuyn cho biết. Bên cạnh đó, để bộ tiêu chí KTRS chính xác, phản ánh đúng thực tiễn, KOTEC thường xuyên nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc cắt giảm các chỉ số đánh giá theo từng thời kỳ khác nhau và liên tục đào tạo đội ngũ nhân viên về việc sử dụng KTRS hàng năm.

Để bảo lãnh công nghệ, song song với việc đánh giá công nghệ bằng KTRS, KOTEC còn đánh giá rủi ro dựa trên nguồn dữ liệu về các doanh nghiệp. TS. Chulmin Jung, giám đốc Trung tâm dịch vụ thông tin của KOTEC cho biết, mặc dù chỉ hỗ trợ cho khoảng 70.000 doanh nghiệp nhưng KOTEC có đầy đủ dữ liệu của 300.000 doanh nghiệp trên khắp Hàn Quốc.

Chính nhờ những kinh nghiệm trong bảo lãnh công nghệ như vậy, KOTEC đã được rất nhiều nước đề nghị hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo lãnh công nghệ (gần đây nhất, KOTEC hỗ trợ Thái Lan và Philippines, Indonesia). Kể từ năm 2014 tới nay, KOTEC cũng đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí VTRS nhằm tiến tới xây dựng quy trình đánh giá công nghệ tốt hơn.
 

KOTEC là tổ chức phi lợi nhuận (không có cổ đông) được thành lập từ năm 1989 nhằm hỗ trợ cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ. Đến 2005, KOTEC xây dựng hệ thống đánh giá công nghệ KTRS. KTRS được cấp bằng sáng chế từ năm 2007. KOTEC bảo lãnh công nghệ với quy định tài chính: các ngân hàng phải trả khoản phí 0.03% tổng số vốn họ cho một doanh nghiệp được KOTEC bảo lãnh vay vốn. Còn các doanh nghiệp muốn được KOTEC thẩm định công nghệ và cấp giấy bảo lãnh phải trả khoản phí 200 USD/ một lần đánh giá và cấp giấy bảo lãnh. KOTEC phải chịu trách nhiệm trả toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp được bảo lãnh công nghệ trong trường hợp doanh nghiệp đó phá sản.

Tác giả bài viết: Bảo Như

Nguồn tin: Tia Sáng