Công nghiệp dược phẩm Việt Nam tăng trưởng cao nhất châu Á

Công nghiệp dược phẩm Việt Nam tăng trưởng cao nhất châu Á
Ngành dược phẩm nội địa của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 17%, tiêu thụ khoảng 4,2 tỷ USD dược phẩm trong năm 2015, theo IBM.

Thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường BMI cho thấy, ngành dược phẩm Việt Nam hiện giữ tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất châu Á, giai đoạn từ 2010 đến 2015 trung bình đạt xấp xỉ 17%. Theo dự báo của BMI về chỉ số phát triển của ngành dược trong vòng 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Giải thích nguyên nhân của sự phát triển này, ông Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhu cầu sử dụng thuốc tăng mạnh do sự mở rộng bảo hiểm y tế và chi phí thuốc bình quân đầu người gấp đôi (đạt khoảng 40 USD) từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu thuốc cung ứng về các bệnh viện. Trong đó, thị phần đông dược chỉ chiếm từ 1 đến 1,5% nhưng được Bộ Y tế dự báo sẽ tăng lên 30% trong vòng 5 năm tới do sở hữu lợi thế về nguồn nguyên dược liệu khoảng 4.000 loài thảo dược.

cong-nghiep-duoc-phm-viet-nam-tang-truong-cao-nhat-chau-a

Ngành dược phẩm Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn.

Ông Truyền cho biết thêm, nhằm bắt kịp chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn tới 2020, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược và chiết xuất hoạt chất để đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào một số dòng thuốc nhập khẩu của Ấn Độ.  

“Đây là động lực cho ngành dược tăng trưởng vượt bậc, đồng thời cũng là cơ hội để công nghiệp dược phẩm nội địa trở thành mảnh đất màu mỡ cho các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty săn đón theo hình thức mua cổ phần, hợp tác sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ”, ông Trường nói và nêu dẫn chứng tính đến năm 2015, ngành dược phẩm đã thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng giá trị 650 triệu USD.

Một số chuyên gia nhận định, công nghiệp dược phẩm vẫn đang trên đà phát triển mạnh và khi Luật Dược sửa đổi nhằm ưu tiên hỗ trợ phát triển nuôi trồng dược liệu, chính sách về giá thuốc… được thông qua và có hiệu lực từ tháng 1/2017 thì nhiều tiềm năng ngành sẽ tiếp tục bùng nổ. Những triển vọng tích cực này được thể hiện dựa trên diễn biến cổ phiếu ngành trong giai đoạn vừa qua luôn thuộc nhóm đạt mức tăng trưởng tốt nhất và an toàn để đầu tư.

Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinbankSc cho biết, trước đây ngành dược phẩm được đánh giá sở hữu cổ phiếu phòng thủ, ít có sự biến động về doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây thì cổ phiểu của nhóm ngành này có mức tăng trưởng ấn tượng gần 70%.

Theo thống kê của VietinbankSc, kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành dược niêm yết đều biến động mạnh về giá. Cụ thể, tất cả doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng về giá cổ phiếu, trong đó 93,75% doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và 75% doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, Công ty CP Dược phẩm Hậu Giang (MCK: DHG) và Công ty CP Traphaco (MCK: TRA) vẫn là hai doanh nghiệp đi đầu và duy trì tỷ suất lợi nhuận, các chỉ số sinh lời.

Tác giả bài viết: Phương Đông

Nguồn tin: VNExpress