Cột mốc khoa học Việt Nam hiện đại

Cột mốc khoa học Việt Nam hiện đại
Nếu khoa học hiện đại trên thế giới được đánh dấu bằng các cột mốc quan trọng ở thế kỷ 18 với cuộc cách mạng khoa học trong toán học, vật lý, thiên văn, hóa học làm chuyển đổi cái nhìn của xã hội về tự nhiên và thế kỷ 19 với sự phát triển chưa từng có trong vật lý cổ điển, sự ứng dụng vật lý và hóa học trong công nghiệp, sự ứng dụng vật lý và hóa học trong công nghiệp, sự xuất hiện của các lý thuyết sinh học và địa chất..., thì cột mốc nào đánh dấu sự xuất hiện của khoa học hiện đại ở Việt Nam?

ĐHQGHN ngày nay được xây dựng trên nền tảng ĐH Đông Dương.

Trong lịch sử, không phải bao giờ cũng dễ dàng có được câu trả lời, nhất là đôi khi có vô số sự kiện xảy ra cùng lúc hoặc quá phức tạp để bóc tách đã làm mờ nhòe đi độ phân giải cần thiết của vấn đề. Để tìm đáp án cho câu hỏi “Khoa học hiện đại ở Việt Nam bắt đầu từ khi nào?”, có lẽ trước hết chúng ta nhìn vào lịch sử tồn tại và phát triển của Bộ KH&CN với một cột mốc quan trọng: Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước thuộc Hội đồng Chính phủ và có quyền hạn, trách nhiệm ngang một Bộ, trong đó ghi rõ có “nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt, nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết XHCN ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”.

Việc thành lập của một cơ quan quản lý KH&CN ở cấp Trung ương cho thấy sự quan tâm và quan điểm về vai trò KH&CN của chính phủ trong những giai đoạn lịch sử cụ thể. Nó cũng cho thấy rõ một điều, vào thời điểm ngày 4/3/1959, nghĩa là sau 15 năm thành lập nước, Việt Nam đã bắt đầu có được một đội ngũ các nhà khoa học, tuy không thể bề thế như hiện nay. “Đó là đội ngũ Việt Nam đã được kế thừa hoặc cử đi đào tạo ở nước ngoài”, theo nhận xét của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, Bảo tàng Các nhà khoa học Việt Nam. Các nhà khoa học Việt Nam thuộc giai đoạn này cũng rất đa dạng, bao gồm những người được đào tạo ở trong nước hoặc nước ngoài như Pháp, Nga, Trung Quốc… “Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã cử một đoàn cán bộ gồm 21 người đi Liên Xô học tập ở nhiều lĩnh vực như kiến trúc, luyện kim, y dược, khai thác mỏ, chế tạo vũ khí, chất nổ… Trong đoàn 21 người đó, có rất nhiều người đã tốt nghiệp đại học ở Pháp, giờ được đào tạo tiếp ở Nga và trở thành những nhân vật chủ chốt ở các lĩnh vực”.

Một buổi dạy học Vật lý tại Giảng đường lớn, Toà nhà Chính của Đại học Hà Nội (Đại học Đông Dương), khoảng năm 1929-1931 (nay là toà nhà 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, của Đại học Quốc gia Hà Nội). Xuất bản bởi Tổng nha Học chính (Direction Générale de l’Instruction Publique) của Phủ Toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l’Indochine) năm 1933. Hình này cũng ở trong một ấn phẩm khác của Tổng nha Học chính, là sách École de plein exercice de médecine et de pharmacie de l’Indochine, trang 20-21. Nguồn: Wikipedia. 

Sáu năm sau, một đoàn cán bộ trẻ Việt Nam khác gồm ba người là Nguyễn Đình Tứ (trong đó giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã tốt nghiệp ĐH Vũ Hán Trung Quốc ngành thủy lợi – thủy điện), Dương Trọng Bái và Nguyễn Hữu Công đã được cử sang học tập ở Viện Nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna. Đây là viện nghiên cứu hàng đầu về hạt nhân của Liên Xô, được thành lập vào ngày 26/3/1956 mà trong đó, Việt Nam là một trong số 18 thành viên sáng lập và giáo sư Lê Văn Thiêm là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna trong thời kỳ đầu.

Vậy có thể coi đây là thời khắc bắt đầu của khoa học Việt Nam hiện đại?

Ở góc độ của một người làm về di sản khoa học, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu không có cái nhìn rộng ra thì có lẽ chúng ta sẽ dễ bỏ qua một thực tại là đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất đã được manh nha hình thành từ giai đoạn trước năm 1945. “Dưới thời Pháp thuộc, với những lý do khác nhau mà người Pháp đã tạo dựng ở Việt Nam nền tảng cho nhiều lĩnh vực như địa chính, khai thác mỏ, nông nghiệp, y học, sử học, khảo cổ học… phát triển. Đó là nền tảng vững chắc và rất ý nghĩa cho các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả những bậc thầy của khoa học Việt Nam thế hệ đầu như các giáo sư Nguyễn Văn Chiển (địa chất), Nguyễn Xiển (khí tượng), Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tích Trí, Hoàng Tích Mịch, Hồ Đắc Di (y học), Bùi Huy Đáp (nông nghiệp), Ngụy Như Kon Tum (vật lý)… đều học từ nền tảng ấy và mang nền tảng ấy theo suốt cả sự nghiệp của họ”, ông phân tích.

Dưới thời Pháp thuộc, với những lý do khác nhau mà người Pháp đã tạo dựng ở Việt Nam nền tảng cho nhiều lĩnh vực như địa chính, khai thác mỏ, nông nghiệp, y học, sử học, khảo cổ học… phát triển. Đó là nền tảng vững chắc và rất ý nghĩa cho các nhà khoa học Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, Bảo tàng Các nhà khoa học Việt Nam.

Có lẽ, câu chuyện về nhà địa chất Nguyễn Văn Chiển là một trong những ví dụ rõ nét. Mặc dù vào năm 1963, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Liên Xô nhưng rất nhiều kiến thức quan trọng đã được ông lĩnh hội trước đó, khi theo học tại Trường Khoa học thuộc Viện Đại học Hà Nội (tiền thân là Viện Đại học Đông Dương) và sau đó làm việc tại Phòng thí nghiệm Địa chất của trường dưới sự hướng dẫn của giáo sư địa chất và cổ sinh vật học Josué-Heilman Hoffet, người có nhiều công trình nghiên cứu về Địa chất Nam Trung Bộ và cũng là người đầu tiên phát hiện hóa thạch khủng long ở Hạ Lào. Sự kết hợp những kiến thức tiên tiến của Pháp và Liên Xô đã giúp ông thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu về thạch học, địa lý lãnh thổ, xây dựng bản đồ quốc gia… vào những năm 1980, 1990. Giáo sư Nguyên Văn Chiển đã thiết lập nên nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo quan trọng ở Việt Nam như Khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay đã trở thành bốn khoa: Khoa Địa lý, Khoa Địa chất, Khoa Khí tượng – thủy văn – hải dương học, Khoa Môi trường của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), ĐH Mỏ Địa chất…

Hầu hết những con người xuất sắc này đều được hưởng thụ một nền học vấn mới và hiện đại mà người Pháp gây dựng ở Việt Nam. Sự tồn tại sơ khởi của một nền khoa học hiện đại ở một quốc gia thuộc địa không chỉ là sự đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của mẫu quốc mà còn là sự xuất hiện của một hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu và các tạp chí khoa học. Chúng ta biết rằng, theo gợi ý của Sở Y tế thuộc địa, hệ thống các viện Pasteur Đông Dương đã được thành lập tại Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ 19 mà tiên phong là Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TPHCM) vào tháng 4/1891 do nhà khoa học trẻ Albert Calmette làm Viện trưởng. Từ chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur Paris tại hải ngoại này, các viện Pasteur tiếp theo được lập ở Nha Trang (tháng 8/1895), Hà Nội (năm 1926), đem lại một làn sóng đổi mới trong phòng ngừa, kiểm soát và khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người, như lao, phổi, dịch hạch, dịch tả, đậu mùa, sốt rét, uốn ván…

Bên cạnh các viện Pasteur Đông Dương, hệ thống cơ sở vật chất về khoa học tại Việt Nam thời kỳ đó may mắn được hình thành từ tầm nhìn của Alexandre Yesin, khi thành lập Trường Y Đông Dương vào năm 1902. Thành công của Trường Y Đông Dương đã trở thành một phần gợi ý để người Pháp lập Viện Đại học Đông Dương vừa có chức năng đào tạo và nghiên cứu, gồm các trường Cao đẳng Luật và Pháp chính, Trường Cao đẳng Khoa học, Trường Cao đẳng Y khoa, Trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng và Trường Cao đẳng Văn chương. Từ các trường viện này, không khí học tập và nghiên cứu đã diễn ra gần giống như hiện nay, với việc triển khai các nghiên cứu, hợp tác và xuất bản quốc tế.

Sự tồn tại sơ khởi của một nền khoa học hiện đại ở một quốc gia thuộc địa không chỉ là sự đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của mẫu quốc mà còn là sự xuất hiện của một hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu và các tạp chí khoa học.

Bởi sẽ không đầy đủ nếu một nền học thuật không có xuất bản các công trình nghiên cứu. Có lẽ, chưa có đầy đủ thông tin về các tạp chí khoa học chuyên ngành thời kỳ này ở Việt Nam nhưng theo những tài liệu ít ỏi có được thì riêng ở lĩnh vực nông nghiệp đã tồn tại một hệ thống các tạp chí, tập san phục vụ nhu cầu trao đổi học thuật của những nhà nghiên cứu Pháp và bản xứ cũng như truyền tải những kiến thức mới trong nông nghiệp cho các ông chủ đồn điền ở Đông Dương, Agricultural Bulletin agricole de l’institut scientifique de l’Indochine (đến năm 1923 sáp nhập vào Bulletin esconomique de l’IndochineNông nghiệp Nam Kỳ (song ngữ), Những người trồng cao su Đông Dương (năm 1918 thành Tập san của Hiệp hội trồng cao su Đông Dương), Khoa học tạp chí (tiếng Việt)…, bất chấp việc ở Pháp đã có một tạp chí về ứng dụng thực vật học và nông nghiệp ở các quốc gia thuộc địa, Revue de botanique appliquée et d’agriculture coloniale.

Những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho cả một nền học thuật hiện đại ở Việt Nam trong bối cảnh đó đã ở mức khá toàn diện và đem lại nhiều thành tựu đáng kể, thậm chí theo sự đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy là ở một số lĩnh vực “ngang tầm thế giới”. Tương đồng với quan điểm đó, giáo sư Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, cho biết “Nhìn lại lịch sử, dưới thời thuộc địa, từ năm 1898 đến năm 1956, các nghiên cứu về Việt Nam và xứ Đông Dương của Viễn Đông Bác cổ đã từng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng khoa học xã hội và nhân văn của thế giới. Các xuất bản bằng tiếng Pháp đã mang lại cho thế giới một lượng kiến thức phong phú về lịch sử văn hóa văn minh của xứ sở này, và sản sinh ra những nhà khoa học kiệt xuất”.

Nhìn lại lịch sử, dưới thời thuộc địa, từ năm 1898 đến năm 1956, các nghiên cứu về Việt Nam và xứ Đông Dương của Viễn Đông Bác cổ đã từng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng khoa học xã hội và nhân văn của thế giới. Các xuất bản bằng tiếng Pháp đã mang lại cho thế giới một lượng kiến thức phong phú về lịch sử văn hóa văn minh của xứ sở này, và sản sinh ra những nhà khoa học kiệt xuất.

GS.TS Nguyễn Văn Chính, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.

Vậy những hoạt động sơ khởi ấy có ý nghĩa gì với khoa học Việt Nam hiện đại? “Tôi nghĩ có rất nhiều ý nghĩa chứ. Dù ở thời kỳ sau, nhiều thanh niên xuất sắc được cử đi học ở Nga, Trung Quốc hay nhiều quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa khác, tiếp thu những kiến thức mới mẻ và theo những cách tiếp cận khoa học khác nhưng khi trở về Việt Nam, muốn vấn đề của mình sâu sắc, họ vẫn phải nghiên cứu thêm, đọc thêm các công trình của người Pháp”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhận xét. Cho đến giờ, những công trình được tiến hành vào thời kỳ đó như “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” của Pierre Gourou, “Mọi Kon Tum” của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi (được tái bản với tên “Người Bana ở Kon Tum”)… vẫn nằm trong danh sách phải đọc, nếu các nhà nghiên cứu ngành xã hội nhân văn như xã hội học, nhân học muốn theo nghề.

Những tác động ấy đã được hiển thị một cách rõ nét ở danh sách các nhà khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịch… (y học), Trần Huy Liệu (lịch sử), Đặng Thai Mai (văn học), Tạ Quang Bửu (khoa học tự nhiên), Nguyễn Xiển (khí tượng), Đào Văn Tiến (động vật học), Bùi Huy Đáp (nông nghiệp)… Hầu như tất cả đều có ảnh hưởng từ Pháp.

“Chúng ta không thể không nhắc đến di sản thuộc địa. Những phát hiện của các thầy Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn… đều dựa trên nền tảng phát hiện khảo cổ học của người Pháp đấy. Đặc biệt trong lĩnh vực y học, nếu không có người Pháp thì chúng ta không thể có nền y học Việt Nam hiện đại được”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lưu ý.

Vấn đề nhìn nhận lại vai trò của khoa học và giáo dục thời thuộc địa đã từng làm dấy lên nhiều tranh luận công khai ở Việt Nam, đặc biệt trong những năm 2000. Tuy nhiên, ĐH Y Hà Nội đã là nơi dũng cảm tiên phong khi chọn năm 2002 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường, ghi nhớ công lao của hiệu trưởng sáng lập Yersin và trong cuốn sách lịch sử trường có thêm những trang về giai đoạn thuộc Pháp (1902-1945).

Dẫu vậy thì việc xác định ngày thành lập ở Đại học Quốc gia Hà Nội phức tạp hơn nhiều. Không dễ dàng để Đại học Quốc gia Hà Nội có được sự thống nhất trong lựa chọn. “Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, và ngay từ đầu đã có một số ý kiến khác nhau”, như lời chia sẻ của GS.TS Phạm Hồng Tung, Ban Khoa học Công nghệ (ĐHQGHN). Lường trước được điều này, ĐHQGHN đã phải lập cả một đề án nghiên cứu khoa học về việc xác định ngày thành lập và ngày truyền thống của trường. Trong cuộc họp nghiệm thu vào tháng 6/2003 với sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, trong đó có các giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Hữu Dật…, đã có bốn phương án chọn lựa mốc thời gian kỷ niệm ngày thành lập được đề xuất: mốc thành lập Quốc tử giám (1076), mốc thành lập Đại học Đông Dương (16/5/1906), ngày khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam (15/11/1945), ngày thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (4/6/1956). Thế hệ sau không có cơ hội biết cuộc họp hôm ấy diễn ra như thế nào nhưng rút cục, kết quả phải được xác định bằng việc bỏ phiếu kín: kiến nghị ngày 16/5/1906 là ngày thành lập và ngày 15/11/1945 là ngày truyền thống. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm “Đồng ý cho Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Đại học Đông Dương – tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Việc lựa chọn ngày 16/5/1906 cũng gặp phải ý kiến nọ kia, trong đó có cả một cựu quan chức ngành giáo dục qua thư gửi trực tiếp đến ĐHQGHN và cả kênh báo chí. Tuy vậy trong bài “Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội – Sự kế thừa và phát triển của một mô hình đại học hiện đại”, giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm đã khẳng định Đại học Đông Dương là mốc khởi đầu nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, điều thể hiện rõ trong Nghị định số 1514a thành lập Đại học Đông Dương do Toàn quyền Paul Beau ký “cơ sở đào tạo này có nhiệm vụ phổ biến ở Viễn Đông, chủ yếu là thông qua tiếng Pháp, những kiến thức và phương pháp châu Âu”.

Nhìn nhận lại các câu chuyện nhớ nguồn ở ĐHQGHN và ĐH Y Hà Nội khi lấy mốc trăm năm kỷ niệm ngày thành lập trường và nhớ đến các nhà khoa học đã từng là hiệu trưởng qua các thời kỳ, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng “cái truyền thống học thuật ấy vô cùng quan trọng và vô cùng đẹp đẽ. Chúng ta cần phải hiểu đế quốc là đế quốc, khoa học là khoa học. Bản thân khoa học có nền tảng cơ bản là khách quan và nhân văn. Chúng ta cần phải được kế thừa tất cả những đức tính tốt đẹp ấy”. Trong bài viết trao đổi ý kiến về việc ĐHQGHN chọn ngày thành lập, GS.TS Phạm Hồng Tung cũng trích dẫn câu nói của nhà sử học Dương Trung Quốc, một cựu sinh viên của trường, “Chúng ta từng ấu trĩ khước từ cả một kho tàng di sản của quá khứ khi gán cho nó cái bản chất giai cấp xấu xa của chế độ phong kiến và thực dân.”

Đó là lý do mà PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho biết thêm “Tôi vẫn nhắc các anh em ở Bảo tàng Các nhà khoa học Việt Nam là khi nói về khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta phải nói về cội nguồn của nó”./.

Nguồnhttps://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/cot-moc-khoa-hoc-viet-nam-hien-dai/20240208031241819p1c160.htm

Nguồn tin: Tia Sáng