Crypto và miền Viễn Tây của Thế kỉ 21

Crypto và miền Viễn Tây của Thế kỉ 21
Sau 30 năm kể từ ngày Web 1.0 ra đời, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Web 3.0 (hay còn gọi tắt là Web3). Vậy “hành trang” thế hệ trẻ nên chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên Web3 là gì? Không, đó không phải là một câu hỏi đúng. Chính xác ra phải là thế hệ "không còn trẻ nữa", những người đang nắm trọng trách và quyền lực trong xã hội, cần làm gì để Web3 cất cánh? Câu trả lời là hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ, đừng áp đặt những “hành trang” thời Web 1.0 của mình vào một thế giới mà mình sẽ không ở đó.

 


Web3 sẽ là một thế hệ internet mới công bằng hơn, tự do hơn, dân chủ hơn? Ảnh: Cointelegraph.

Những bạn trẻ ở tuổi 30 giờ đây có lẽ không còn nhiều kí ức về Web 1.0 khi các trang web được thiết kế vô cùng đơn giản và ít tính tương tác. Nhiều người có lẽ sẽ cười khi nghĩ về thời điểm một loạt website người dùng chỉ đọc thụ động chứ không thể tham gia tạo ra thông tin, “xấu xí” như vậy cũng được đầu tư. Thế mà, vài năm sau khi Web 1.0 ra đời, một làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp Internet đời đầu đã dẫn đến vụ bong bóng chứng khoán “dotcom”. Từ năm 1995 đến 1999 chỉ số Nasdaq tăng hơn 400%, không ít các cổ phiếu dotcom tăng hàng chục lần trước khi bong bóng này sụp đổ. 

Các bạn lớn lên trong thời kì bùng nổ của Web 2.0 – thế hệ Internet của những thông tin mà người dùng tạo ra. Các mạng xã hội và những phần mềm trên web sẽ tập hợp, tổ chức, điều phối, thâu tóm và kiếm lợi nhuận từ những thông tin đó. Giờ đây, sau 30 năm kể từ ngày Web 1.0 ra đời, thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của Web3. Web3 về cơ bản là tập hợp của các Tổ chức Tự trị phi tập trung (DAO – Decentralized Autonomous Organization) và các dApp (Ứng dụng phi tập trung) mà các nguyên tắc được đảm bảo bằng các chương trình máy tính minh bạch gọi là smart contract – hợp đồng thông minh trên các blockchain. Smart contract này ghi lại tất cả các hoạt động giao dịch, trao đổi, hứa hẹn về tài sản số của tất cả các thành viên và do các thành viên cùng kiểm soát thay vì một ban giám đốc. Để làm được như vậy, các DAO và dApp này sẽ phát hành token cho cộng đồng để huy động vốn và phân bố quyền bỏ phiếu (quyền quản trị), tương tự như công ty phát hành cổ phiếu qua IPO. Token có thể là tiền mã hóa (crypto currency) hoặc cũng có thể là NFT – một hóa đơn chứng nhận quyền sở hữu tài sản số. Trong thế giới Web3, người dùng không chỉ có quyền kiểm soát tổ chức mình tham gia mà dữ liệu họ tạo ra cũng do họ sở hữu thông qua NFT. Họ có thể chuyển dữ liệu đó từ dApp này qua dApp khác, chứ không phải như Web 2 hiện nay khi các dữ liệu người dùng nằm gọn trong tay các ông trùm công nghệ như Google hay Facebook. 

Trong nền kinh tế truyền thống, một trường hợp điển hình như Phạm Nhật Vượng phải mất rất lâu mới trở thành tỷ phú, mà chủ yếu nhờ trục lợi tiền thuê (từ đất đai) ở VN. Trong khi đó, dù so sánh giá trị tài sản có phần khập khiễng, nhưng Nguyễn Thành Trung thành công với Axie Infinity – từng được định giá khoảng ba tỉ USD trong chưa đầy hai năm, cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thị trường quốc tế. Có thể tưởng tượng thời đại Web3 sẽ có rất nhiều Amazon, Google của thời 2000 và ai cũng có thể đầu tư vào một token/NFT nào đó với giá vài cent mà sau này có giá trị gấp nhiều lần.

Nên nhớ rằng, NFT, smart contract hay tiền mã hóa chỉ là những công nghệ có thể hữu ích với Web3, chứ không phải là Web3. Web3 đúng nghĩa vẫn chưa ra đời. Tuy nhiên, dù nó mới chỉ manh nha, một cơn sốt “đầu tư” vào các thể loại tiền mã hóa, NFT, play-to-earn, bất động sản ảo trong các metaverse (vũ trụ ảo) đã vượt xa những gì xảy ra vào năm 1999. Sức hấp dẫn crypto không chỉ bởi tỉ lệ tăng giá của các sàn chứng khoán như Nasdaq hay pest.com, priceline.com trước đây không là gì so với những đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Shiba Inu, hay các nền tảng phát hành NFT như Axie, Bored Apes ngày nay, mà còn vì làn sóng crypto hiện tại đã sản sinh ra hàng chục tỷ phú thực sự, đa phần dưới 30 tuổi, chứ không phải đợi đến cả thập kỷ sau mới có vài cái tên như Jeff Bezos hay Larry Page. Nhưng tiền không phải là tất cả.

Trò đùa và đa cấp? 

Đã có không ít ý kiến cho rằng cơn sốt đầu tư crypto hiện tại là phiên bản của bong bóng dotcom sớm muộn rồi sẽ vỡ. Thậm chí nó còn tệ hại hơn bởi khác với những công ty dotcom thời trước, những gì liên quan đến crypto hiện nay không thể định giá được bởi các phương pháp truyền thống mà chỉ tăng giá bằng niềm tin. Vào năm 2013, có hai kĩ sư của IBM và Adobe lập ra một đồng tiền là Dogecoin với hình đại diện là “ảnh chế” (meme) mặt một con chó Shiba Inu đang “cười đểu”. Dogecoin bản chất là một “trò đùa” để giễu nhại Bitcoin, nhưng ngay lập tức, chỉ sau 30 ngày ra mắt, đã có hàng triệu lượt quan tâm và sau đó nhanh chóng hình thành một cộng đồng hùng mạnh ủng hộ và chấp nhận trao đổi, thanh toán đồng tiền này, trong đó có cả Elon Musk, người đứng đầu một vài công ty tầm đổi mới sáng tạo nhất thế giới. Nhưng chưa hết, vào năm 2020 nổi lên một đồng tiền crypto khác tên là Shiba Inu coin với biểu tượng là một con sói giận dữ và tự nhận sứ mệnh “tiêu diệt dogecoin”. Ai đứng sau đứng sau Shiba Inu coin vẫn còn là bí ẩn nhưng đã có rất nhiều người hâm mộ “triết lí” của đồng tiền này. Shiba Inu coin đã nhanh chóng được “niêm yết” trên các sàn giao dịch crypto và trở thành một trong những đồng crypto được chú ý nhất năm 2021 và có thể sắp vượt giá trị của Dogecoin. 


Dogecoin và Shiba Inu coin, hai đồng được tạo ra như một “trò đùa”, dựa trên văn hóa “ảnh chế” (meme).  

Gần đây, thế giới còn có trào lưu play-to-earn, nghĩa là chơi game để kiếm tiền. Một trong những game play-to-earn mà truyền thông Việt Nam và quốc tế đang rầm rộ phân tích hiện nay chính là Axie Infinity mà Nguyễn Thành Trung, người Việt là đồng sáng lập. Người chơi game sẽ tạo ra các nhân vật và sở hữu nhân vật đó dưới dạng NFT, đem các nhân vật đó đi trao đổi, thi đấu hoặc lai giống (breed) để giành được tiền crypto Axie phát hành trong game. Đồng Axie crypto này có thể đem đổi lấy tiền thật. Tiền thật đó phần lớn lấy từ những người chơi mới, những người không có cách nào khác để gia nhập game ngoài cách nộp tiền để mua nhân vật. Nhiều người biện luận rằng, NFT hay các loại token trong play-to-earn là một hình thức bán hàng đa cấp không hơn không kém, mô hình chơi để kiếm tiền thực chất là chơi để kiếm tiền từ người chơi mới. Nếu Axie Infinity không thu hút thêm người chơi mới thì mô hình này sẽ sụp đổ.     

Tuy nhiên, kể cả Lloyd Blankfein, cựu CEO Goldman Sachs và là người thuộc phe “nghi ngờ” crypto, cũng phải nói rằng có nhiều “bộ óc siêu việt” tin vào tương lai crypto sẽ thay đổi không chỉ hệ thống tài chính toàn cầu mà cả cách thức nền kinh tế thế giới vận hành. Blankfein thừa nhận mình đã từng nhận định sai về triển vọng của công nghệ di động trước đây nên rất có thể sẽ lại sai lầm lần nữa khi không tin vào crypto. Không kể Elon Musk, CEO của Tesla và là “tín đồ” của crypto, mới đây tờ Bloomberg phỏng vấn một loạt tỷ phú tên tuổi cho biết đã chuyển từ phe “nghi ngờ” sang “bị thuyết phục” để rồi bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực này. 

Phân chia quyền và lợi nhuận công bằng hơn

Không chỉ dành cho các tỷ phú hay các nhà đầu tư kỳ cựu, cơ hội đầu tư vào những gì liên quan đến crypto rộng mở và rất công bằng cho gần như mọi cá nhân trên Trái đất, bất kể túi tiền, kinh nghiệm, địa vị của họ. Với crypto, chỉ cần có máy tính nối mạng là ai cũng có thể tham gia. Gần đây, tờ Fortune của Mỹ đã kể một câu chuyện về một nhân viên quản lý nhà kho mới hơn 30 tuổi đầu tư vào Shiba Inu coin chỉ vì cảm thấy được truyền cảm hứng bởi tuyên bố đồng này là “một thử nghiệm xây dựng cộng đồng phi tập trung đầy ngẫu hứng” và “Shiba Inus là những con chó tuyệt vời”. Năm 2020, anh bỏ ra 8000 USD để mua đồng này, để rồi thu về 500.000 USD vào năm ngoái. Ngay lập tức, anh nghỉ việc và trở thành một ông bố nội trợ toàn thời gian.  

Mặc dù một số lớn các đồng “lâu đời” như Bitcoin, Ethereum nằm trong tay một số tỉ phú (hay còn gọi là cá voi – whales) nhưng cơ hội để một sản phẩm crypto nhỏ nào đó bùng nổ giúp những ai đầu tư sớm trở thành tỷ phú/triệu phú cao hơn nhiều so với trong thị trường tài chính truyền thống. Web3 ở tương lai được xây dựng theo nguyên lý phi tập trung cho phép người sử dụng có thể tham gia đầu tư vào từng ứng dụng ngay từ giai đoạn phát triển rồi tham gia quản trị sau khi ứng dụng chính thức vận hành. Những người cổ súy cho Web3 cho rằng nguyên lý này sẽ giúp phân bổ lợi nhuận tài chính từ sự thành công của một sản phẩm crypto cho cả cộng đồng thay vì tập trung vào một vài nhà sáng lập hay các quỹ đầu tư mạo hiểm như dưới thời Web 2.0. 

Hơn nữa cộng đồng phát triển ứng dụng, người dùng, nhà đầu tư của một sản phẩm crypto không giới hạn bởi biên giới địa lý, phân bổ tài sản dưới thời Web3 sẽ dần dần bình đẳng hơn giữa các quốc gia. Đa số các tỷ phú crypto hiện tại không xuất thân từ những nơi vốn gọi là “tinh hoa” của giới tài chính hay công nghệ như Wall Street, Ivy League, Silicon Valley ở Mỹ mà có kha khá người từ những nơi “vô danh” ở Singapore, Trung Quốc, Nga và cả Việt Nam.

Điều này đã hiện diện trong một khảo sát của Chainalysis khi Việt Nam dù xếp hạng GDP (PPP) thứ 53 nhưng trong năm 2020 đã đứng thứ 13 về thu nhập (gain) từ Bitcoin. Cũng theo Chainalaysis năm 2021 Việt Nam dẫn đầu thế giới về “độ xâm nhập” crypto (adoption). Finder, một công ty tư vấn khác, cho biết có đến 41% trong số 1272 người Việt được khảo sát từng mua một loại tiền crypto nào đó, vượt xa tỷ lệ của nhiều quốc gia khác (Anh 8%, Mỹ 9%).

Vườn địa đàng internet

Không chỉ công bằng hơn trong việc phân chia lợi nhuận, cộng đồng sẽ có tiếng nói lớn hơn về mặt quản trị các ứng dụng trên Web3. Sẽ khó có một “ông chủ” như Mark Zuckerberg hay Jack Dorsey giữ quyền sinh sát với tài khoản Facebook hay Twitter mà không được sự ủng hộ của cộng đồng như Web 2.0. 


 Play-to-earn có phải là một dạng bán hàng đa cấp? Ảnh: Cointelegraph.

Không chỉ giới hạn trong việc quản trị hoạt động của một ứng dụng hay một blockchain, cộng đồng crypto sẽ tích cực hơn trong những hoạt động chính trị xã hội bên ngoài hệ thống kinh tế và nhà nước truyền thống. Crypto đã hiện diện trong các hoạt động từ thiện, nghệ thuật và cả tôn giáo. Chẳng hạn như, dự án ConstitutionDAO mới đây nhằm huy động tiền (thông qua phát hành token) trong cộng đồng crypto để mua lại một trong những bản in Hiến pháp Mỹ rồi đem trưng bày trong bảo tàng thay vì để rơi vào một bộ sưu tập cá nhân. Họ huy động được 42 triệu USD nhưng rất tiếc đấu giá thua tỉ phú Ken Griffin trả giá 43 triệu. Dù thất bại nhưng chắc chắn đây sẽ là tấm gương cho những hoạt động từ thiện, vận động xã hội trên Web3 trong tương lai. Một trường hợp khác đang triển khai là CryptoTree, phát hành NFT để huy động tiền rồi dùng số tiền đó đi trồng cây thật. Người sở hữu NFT có thể coi là sở hữu bản “số” của mỗi cái cây họ trồng và có thể trao đổi, mua bán NFT đó trên các sàn giao dịch crypto.   

Tất nhiên Web3 chưa thể thay thế được pháp luật hay các thực thể chính trị, kinh tế, NGO hiện hữu. Còn quá sớm để dự báo liệu Web3 có vượt được Web 2.0 không, DeFi có thay thế được Wall Street không, chứ đừng nói gì crypto sẽ lấn át toàn bộ hệ thống kinh tế chính thống. Nhưng cứ nhìn vào những CBDC (đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương) đang được nhiều quốc gia nghiên cứu, những NFT được cả hai nhà đấu giá kỳ cựu Sotheby và Christie chấp nhận, hay chỉ đơn giản là những ETF tiền crypto đang được các tổ chức tài chính truyền thống triển khai có thể thấy ảnh hưởng ngày càng sâu đậm của crypto lên thế giới thực. 

Web3 vẫn sẽ có những nhân vật tên tuổi, những elites, nhưng họ chủ yếu là những thủ lĩnh trí tuệ hay công nghệ được cộng đồng kính trọng và hướng theo chứ không phải là những người kiểm soát về mặt tài chính các ứng dụng Web3. Cộng đồng trên Web 2.0 chỉ là những “con bò” cho các tỷ phú công nghệ “vắt sữa”. Phải, chúng ta dùng Facebook hay Google miễn phí nhưng kì thực những người khổng lồ công nghệ này đang khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nền tảng của họ, cung cấp cho họ dữ liệu và thông tin để họ kiếm tiền trên đó. Trong khi đó, cộng đồng Web3 sẽ có vai trò quan trọng hơn nhiều. Quan trọng hơn, cộng đồng đó là những người trẻ đa số theo đuổi những giá trị tiến bộ (progressive) như bình đẳng giới, LGBT, chống biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn tin tưởng vào các giá trị tự do (libertarian) như kinh tế thị trường, giảm thiểu can thiệp nhà nước và không tin tưởng vào ... các chính trị gia. Họ sẽ dễ dàng huy động nguồn lực cho các hoạt động kinh tế xã hội của mình, cả trên Web3 lẫn ngoài đời thực, mà không hoặc ít bị những rào cản thể chế hiện tại ngăn trở. 

Elon Musk có thể coi như một elite của giới Crypto, một trường hợp thú vị không có đóng góp nhiều cho crypto nhưng lại có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng này. Ảnh: IndexUniverse Crypto.

----
Web3 sẽ là một thế giới năng động hơn, sáng tạo hơn, nhưng cũng nhiều rủi ro hơn, thậm chí có cả lừa đảo. Đây là một miền Viễn Tây của thế kỷ 21. Nhưng nên nhớ một phương châm rất phổ biến trong cộng đồng trẻ ngày nay là YOLO (You only live once) – bạn chỉ sống có một lần, điều đáng nuối tiếc là những cơ hội đã bị bỏ lỡ chứ không phải những thất bại. Ngay cả ở Việt Nam vấn đề “cơm áo gạo tiền” đã không còn là mục đích chính của một bộ phận lớn trong giới trẻ, nhiều người chỉ cần “financial freedom” (tự do tài chính) chứ không màng trở thành triệu phú, tỷ phú. Không ít người trẻ bỏ công việc ổn định để sáng lập một startup đầy phiêu lưu, hay chỉ đơn giản là đi du lịch vòng quanh thế giới, để thỏa mãn đam mê cá nhân, để được "trải nghiệm". Không phải Web3 được làm ra cho giới trẻ mà thế hệ đó đang tạo ra Web3 với nhân sinh quan của mình, rồi sẽ là 4.0, 5.0 hay xa hơn nữa.
Vậy “hành trang” thế hệ trẻ nên chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên Web3 là gì? Không, đó không phải là một câu hỏi đúng. Chính xác ra phải là thế hệ “không còn trẻ nữa”, những người đang nắm trọng trách và quyền lực trong xã hội, cần làm gì để Web3 cất cánh? Câu trả lời là hãy tin tưởng vào thế hệ trẻ, đừng áp đặt những “hành trang” thời Web 1.0 của mình vào một thế giới mà mình sẽ không ở đó. □

Tác giả bài viết: Lê Hồng Giang

Nguồn tin: Tia Sáng