Điều gì đã thay đổi Obama?

Điều gì đã thay đổi Obama?
Bạn sẽ hỏi Obama điều gì?” Một cô bạn hỏi tôi như vậy khi xếp hàng chờ vào buổi gặp gỡ giữa vị Tổng thống Mỹ và 800 đại diện giới trẻ Việt Nam. Đến lúc đó tôi mới biết rằng sẽ có một cuộc hỏi đáp với ông Obama – trước đó tôi tưởng ông sẽ chỉ đến phát biểu một lần, hoặc sẽ chỉ tham gia cuộc tọa đàm bàn tròn với một số ít bạn trẻ ưu tú giống như tại buổi nói chuyện với các doanh nhân trẻ tại Dreamflex chiều hôm trước. Nhưng cũng vì câu hỏi của người bạn mà tôi bắt tự hỏi, nếu có dịp thì mình sẽ hỏi ông Obama điều gì?

Mọi chuyện tiếp theo trôi qua đúng như tôi vẫn hình dung, Tổng thống Obama xuất hiện, có một bài phát biểu truyền cảm hứng, rồi tới phần hỏi đáp mà đa số là những câu hỏi khá khuôn sáo. Nhưng rồi một bạn trẻ đặt câu hỏi khá hay, đó là “làm sao để trở thành một nhà lãnh đạo như ông”.

Tổng thống trả lời, đại ý, mỗi người có một con đường khác nhau để trở thành ai đó, có người mê làm thầy giáo, có người mê làm bác sỹ, nhưng những người thành công đều có một điểm chung: họ yêu công việc của mình. Vì vậy, bạn đừng nghĩ đến chuyện bạn sẽ trở thành ai đó, mà thay vào đó, hãy nghĩ bạn sẽ làm gì – chính công việc bạn làm sẽ dẫn dắt, định hình bạn trở thành con người như thế nào – và yêu công việc mà bạn đã lựa chọn, đặt hết tình yêu và năng lượng của mình vào đó, rồi một ngày kia, bạn sẽ trở thành một người thành công. Tổng thống còn kể rằng thời học trò ông cũng ham chơi và học hành không nghiêm túc, và bí quyết ông chia sẻ với các bạn trẻ để sau này thành công chính là hãy tìm điều gì đó bạn cực kỳ quan tâm, cực kỳ đam mê, khiến bạn phấn khích, và đặt hết năng lượng của bạn vào đó. Thay vì lo lắng quá nhiều về việc bạn sẽ trở thành ai, hãy quan tâm về điều mà bạn muốn làm.

Câu trả lời của ông Obama khiến tôi không khỏi nghĩ về thế hệ thanh thiếu niên ngày nay, đa số họ không phải là những người thành đạt đang có mặt ở đây hôm nay, mà là những bạn trẻ bình thường chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Một thế hệ mà không ít người lớn, những người thế hệ đi trước luôn nghi ngờ, rằng tại sao bọn chúng luôn hời hợt, không có đam mê, không có ước mơ, như thể lạc lối giữa cuộc đời. Bản thân tôi có một đứa cháu trai mà tôi rất thương, nay đã 20 tuổi mà vẫn cứ lông bông, chẳng chịu học hành gì, không muốn đọc gì, cũng chẳng biết mình muốn gì. Tôi đã từng nhiều lần ngồi hỏi cháu, con thích gì nhất, con ước mơ gì nhất, con muốn mình trở thành ai, nhưng những cuộc trò chuyện như thế thường kết thúc trong nước mắt, vì cháu tôi cũng không thể trả lời được, những câu hỏi như vậy chỉ khiến nó trở nên căng thẳng và đau khổ.

Tôi rất muốn tìm một câu trả lời từ vị tổng thống Mỹ cho những bạn trẻ giống như cháu của mình. Ông Obama đã nói rất hay về tầm quan trọng của việc mỗi người tự tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình, nhưng điều ông còn chưa nói, đó là làm sao để tìm thấy niềm đam mê ấy. Tôi rất muốn biết làm cách nào ông tìm thấy niềm đam mê để có thể thay đổi từ cậu thanh niên ham chơi ngày nào và trở thành một người thành đạt, có quyền lực bậc nhất nước Mỹ ngày nay.

Sau một vài câu hỏi khuôn phép đầy tính vĩ mô từ các bạn trẻ khác, khi Tổng thống Obama nói rằng vẫn còn thời gian cho hai câu hỏi nữa có một linh tính rất lớn mách bảo tôi rằng ông sẽ chọn tôi là người kế tiếp đặt câu hỏi. Linh tính ấy đã đúng. Ông Obama nhìn về phía tôi, và tôi quyết định đưa tay xin đặt câu hỏi: “như ông đã nói ở trước đó, ông từng rất ham chơi, không nghiêm túc trong việc gì cả, và tôi đọc trên mạng còn thấy bảo ông từng có lúc hút cần sa, vậy điều gì đã khiến ông thay đổi để trở thành một người của ngày hôm nay?”

Ông Obama mỉm cười và nói “bạn biết không, bạn chẳng bao giờ biết được khi nào thì con tim mình quyết định thay đổi.” Ông kể về tuổi thơ lớn lên không có bố, sống trong sự đùm bọc yêu thương của mẹ và ông bà, nhưng bản thân ông vẫn trở thành một thiếu niên nổi loạn bởi luôn cảm thấy thiếu vắng điều gì đó. Ông cũng không biết vì sao bản thân mình chỉ trưởng thành khi đã 19-20 tuổi, sau khi nhận ra rằng mình không nên băn khoăn về người bố không có mặt, mà cần quan tâm đến việc mình muốn làm và có trách nhiệm hơn với cuộc đời của mình, và từ đó biết chịu khó học hỏi, quan tâm đến các vấn đề xã hội.

Rồi ông nói về vai trò truyền cảm hứng của những câu chuyện. Động lực thôi thúc con người hành động không chỉ đến từ tiền tài, quyền lực, hay những lợi ích rõ rệt nào đó, mà vẫn thường đến từ nguồn cảm hứng do các câu chuyện mang lại, và dù ta theo đuổi bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, sẽ luôn có thể tìm thấy nguồn cảm hứng và động lực từ những người khác khi ta biết lắng nghe câu chuyện kể của họ.

Để minh họa cho sức mạnh truyền cảm hứng của những câu chuyện, ông Obama lấy ví dụ từ bản tuyên ngôn 1776. Đó là giai đoạn khi quốc gia Mỹ vẫn chưa hình thành nhưng những con người xuất thân khác nhau vẫn cùng tập hợp dưới chung một ngọn cờ, họ gắn kết với nhau bởi niềm tin chung vào những giá trị nhân văn phổ quát, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng và hiển nhiên có những quyền cơ bản không thể bị tước đoạt. Câu chuyện ấy đã tạo niềm cảm hứng, giúp nước Mỹ giành được độc lập, và thu hút người nhập cư trên khắp thế giới. Vị Tổng thống Mỹ cũng đưa ra ví dụ tương tự về cuộc đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh giành độc lập cho Việt Nam, một câu chuyện đầy cảm hứng đối với thế giới.

Những điều Tổng thống Obama nói về tầm quan trọng của những câu chuyện khiến tôi cảm thấy đồng cảm. Thật khó biết chính xác điều gì tạo ra động lực thay đổi một cá nhân hay cả một cộng đồng. Nhiều khi động lực không chỉ đến từ những động cơ thực dụng rạch ròi, mà còn từ nguồn cảm hứng những câu chuyện mang đến. Đơn giản là chúng ta cần lắng nghe nhau, và đến lúc nào đó tự nhiên ta sẽ thấy điều mình luôn tìm kiếm.

Bài viết của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh sau khi dự cuộc đối thoại của Tổng thống Obama và các bạn trẻ của chương trình YSEALI (viết tắt của Young Southeast Asian Leaders Initiative, tức Sáng kiến thủ lĩnh Đông Nam Á, một chương trình học bổng do Tổng thống Obama thành lập năm 2013 dành cho các bạn trẻ trong độ tuổi 18-35) diễn ra ngày 25/5 tại TP HCM.
 

Việc ông Obama từng có thời gian sử dụng cần sa là điều tôi đọc được qua Internet trong cuốn tự truyện của ông, có tựa đề The Dream from My Father (Những giấc mơ của cha tôi). Đây cũng là điều khiến ông gặp vài rắc rối khi tranh cử và dẫn tới những tranh luận sôi nổi trong dư luận Mỹ. Dĩ nhiên, việc tôi đưa ra câu hỏi trên cũng xuất phát từ không khí trò chuyện rất cởi mở giữa ông với các bạn trẻ, từ cách ông hoà đồng và tự nhiên, đùa vui thoải mái với mọi người, và văn hóa đối thoại tự do, bình đẳng của người Mỹ vẫn cho phép người ta hỏi nhau một cách thẳng thắn như thế. Dưới đây là trích đoạn từ cuốn sách tự truyện của ông Obama (trang 93, chương 5).

“Junkie. Pothead. That’s where I’d been headed: the final, fatal role of the young would-be black man. Except the highs hadn’t been about me trying to prove what a down brother I was. Not by then, anyway. I got high for just the opposite effect, something that could push questions of who I was out of my mind, something that could flatten out the landscape of my heart, blur the edges of my memory. I had discovered that it didn’t make any difference whether you smoked reefer in the white classmate’s sparkling new van, or in the dorm room of some brother you’d met down at the gym, or on the beach with a couple of Hawaiian kids who had dropped out of school and now spent most of their time looking for an excuse to brawl. You might just be bored, or alone.[ ]. Everybody was welcome into the club of disaffection. And if the high didn’t solve whatever it was that was getting you down, it could at least help you laugh at the world’s ongoing folly and see through all the hypocrisy and bullshit and cheap moralism”.

Dịch nghĩa:

Con nghiện. Tôi đã sa vào nó như thế: vai diễn cuối cùng, chết chóc dành cho một thanh niên da đen sắp trở thành đàn ông. Nhưng chuyện phê thuốc này của tôi không nhằm chứng tỏ bản thân mình đang buồn nản như thế nào. Ít ra thì khi đó không phải như vậy. Tôi phê là vì lý do ngược lại, một điều gì đó giúp tống khỏi tâm trí những câu hỏi về việc mình là ai, làm san phẳng trái tim gồ ghề, xoá mờ những góc cạnh ký ức. Tôi phát hiện ra rằng chẳng có gì khác biệt khi tôi hút cỏ ở trong chiếc xe mới láng cóng của đám bạn học da trắng, hay trong phòng ký túc xá với mấy người anh em da đen thường gặp ở phòng gym, hay trên bãi biển với mấy đứa nhóc Hawaii mới bỏ học và giờ dành hầu hết thời gian kiếm cớ để đánh lộn. Chẳng qua chỉ là buồn chán, hoặc cô đơn [ ]. Trong câu lạc bộ của những kẻ bất mãn, bất kỳ ai cũng được chào đón. Và nếu cơn phê không giúp giải quyết được vấn đề khiến bạn rầu rĩ, thì nó cũng giúp bạn cười vào cái thế giới điên rồ đang diễn ra và nhìn xuyên thấu tất thảy những thứ đạo đức giả dối, nhảm nhí và mớ luân lý rẻ tiền.

 

 

Tác giả bài viết: Phan Gia Nhật Linh

Nguồn tin: Tia Sáng