Đột biến Brazil tấn công cả người từng nhiễm Covid-19
- Thứ bảy - 06/03/2021 10:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đột biến Brazil P1 đã được tìm thấy ở 24 quốc gia
Hồi tháng chín, tin tức phát đi từ Manaus khiến mọi người chú ý. Theo đó, lúc đầu người ta nghĩ rằng tiểu bang 2 triệu dân này đã đạt được miễn dịch cộng đồng, khi có 66% số dân nhiễm virus corona và sắp đủ số người có miễn dịch.
Tuy nhiên niềm hy vọng này đã tan ra mây khói. Đầu năm nay các nhà dịch tễ học phát hiện một sự kiện gây bàng hoàng dư luận, ở Manaus không đạt được miễn dịch cộng đồng. Số ca nhiễm trong các bệnh viện và số ca tử vong bỗng nhiên lại tăng vọt.
Nhà dịch tễ học Nuno Faria, tại Imperial College London cho rằng, ông đã tìm được lời giải thích cho tình trạng này. Và đây chính là thông tin khiến nhiều người lo lắng. Ông nói tại một cuộc họp báo “chúng tôi đoán, có một đột biến mới gây ra tình trạng hiện nay”. Ông và các đồng nghiệp gọi biến thể mới này là P1. Hiện nay đột biến này đã có mặt trong 87% số lượng mẫu xét nghiệm.
Gây tái nhiễm với tỷ lệ hơn 60%
Các quan sát cho thấy, loại mầm bệnh mới này có thể đã xuất hiện lần đầu tiên từ tháng 11, chúng có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều so với virus "nguyên thủy" chưa đột biến. Theo Nuno Faria và đồng nghiệp, đột biến mới này lây lan từ người sang người nhanh gần như gấp đôi so với trước.
Người ta chưa biết thật chính xác nhưng hệ số lây nhiễm dao động từ 1,4 đến 2,2. Theo các nhà khoa học, P1 lây lan trong cộng đồng khá thuận lợi vì các nhà quản lý ở Manaus đã nới lỏng các quy định về biện pháp đề phòng dịch bệnh.
Chỉ điều đó thôi cũng không gây ngạc nhiên, một biến thể có thể lây lan nhanh hơn các biến thể trước đó và chúng sẽ "tìm" được đường để lan ra khắp thế giới. Nhưng các chuyên gia còn lo ngại đột biến P1 này hơn rất nhiều vì chúng dường như có khả năng tấn công cả những người đã từng bị lây nhiễm Covid-19. Mặc dù những bệnh nhân này đáng ra phải có sự miễn dịch và có sức đề kháng sau khi từng bị nhiễm, nhưng giờ đây đây họ vẫn bị P1 tấn công.
Các nhà khoa học, trong đó có cả những người thuộc đại học São Paulo, đã quan sát qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thấy kháng thể ở những người từng bị lây nhiễm tỏ ra yếu ớt rõ rệt khi chống lại đột biến.
Các nhà khoa học đã đưa ra tính toán bước đầu, cứ 100 người từng bị bệnh sẽ có tới 61 người tái nhiễm khi đối diện với biến thể P1. Đây mới chỉ là con số thống kê sơ bộ, chưa được bình duyệt và công bố trên các tạp chí uy tín.
Tình hình tái lây nhiễm ở Manaus không có nghĩa vaccine không có hiệu quả đối với P1. Cho đến nay Brazil sử dụng vaccine CoronaVac của Trung Quốc là chủ yếu và theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì vaccine này cũng không thể chặn đứng được P1. Và đành rằng cho đến nay vaccine của AstraZeneca cũng như của Biontech chưa thử nghiệm đối với P1 nhưng một điều rõ ràng là tiêm chủng có tác dụng bảo vệ hơn hẳn lây nhiễm trong tự nhiên.
Liệu đột biến này có thể ngăn chặn đột biến khác?
Một số nhà khoa học cũng bắt đầu đưa ra một số phỏng đoán về việc có thể P1 lại "chịu thua" biến thể B.1.1.7 của Anh vì dường như P1 khó xâm nhập vào nước Anh hơn. Tương tự ở Nam Phi, cho đến nay P1 cũng chưa có khả năng "vượt mặt" biến thể B.1.351.
Các nhà khoa học đang hồi hộp hướng về São Paolo, nơi hai biến thể virus này đang đối đầu với nhau. Nếu B.1.1.7 vượt qua được thì có lẽ P1 không có cửa để lây lan sang những vùng còn lại của thế giới.
Các nhà sản xuất vaccine đã tiến hành tối ưu hóa các loại vaccine của họ đối với các loại biến thể khác nhau. Theo Sharon Peacock, hiện các vaccine đang được điều chỉnh và thử nghiệm. Ngoài ra, hãng Biontech còn xem xét liệu có nên thêm liều thứ ba để làm tăng khả năng bảo vệ hay không.
Sharon Peacock phỏng đoán, những biến thể vẫn sẽ xuất hiện nhưng cũng không quá lo ngại vì có thể chúng không thể lây nhiễm nhiều hơn B. 1.351, B 1.1.7 hoặc P1.
Xuân Hoài tổng hợp