GIÁO SƯ TRẦN THANH VÂN NGƯỜI TIẾP SỨC CHO MỘT CƯỜNG QUỐC KHOA HỌC VIỆT NAM TƯƠNG LAI
- Thứ sáu - 08/02/2019 12:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương.
GS Trần Thanh Vân
[1]
Tên tuổi Giáo sư Trần Thanh Vân từ nhiều năm qua trong dư luận được gắn liền với bốn hoạt động: (1) Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (GGVN), (2) Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành Quy Nhơn, có tên ICISE, (3) Học bổng giáo dục Vallet, và (4) Làng nuôi trẻ mồ côi SOS. Nhưng có lẽ nổi bật và được dư luận biết nhiều nhất là hai hoạt động đầu. Hoạt động (2) là sự tiếp nối của hoạt động (1) đã bắt đầu từ năm 1993, kéo dài 25 năm nay, và từ năm năm qua với cơ sở vật chất được xây dựng rất hiện đại. Và những hoạt động (1) và (2) cũng là sự tiếp nối của “ngọn lửa Moriond” được ông và hai đồng nghiệp Pháp tổ chức năm 1966 tại một ngôi làng hẻo lánh có tên Moriond trong dãy núi Alps.
Từ Gặp gỡ Moriond, GS. Vân đã thành lập thêm hai diễn đàn kết nối khác là Gặp gỡ Blois (1989) và Gặp gỡ Việt Nam (1993) làm “cầu nối không biên giới”. Với bề dầy kinh nghiệm, GS Trần Thanh Vân là người có đầy đủ uy tín và năng lực để kêu gọi các nhà khoa học quốc tế tầm cỡ đặt chân đến Việt Nam, tại một vùng đất khó ai nghĩ đến là Quy Nhơn, nằm xa các trung tâm của các thành phố lớn, nhưng cũng vì thế mà các hoạt động khoa học được tập trung hơn và không bị phân tâm, giống như những trung tâm khoa học thường thấy trên thế giới.
Ông được vinh danh không những tại Pháp, Nga và cả tại Mỹ. GS Vân là người châu Á thứ ba nhận được Huân chương Tate của Hội vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia, năm 2011 dành cho những người không có quốc tịch Mỹ có công phụng sự cộng đồng vật lý và có vai trò lãnh đạo. Họ công nhận vai trò của GS Vân “kéo dài bốn thập niên quy tụ cộng đồng các nhà vật lý xuyên biên giới quốc gia và văn hóa bằng Gặp gỡ Moriond và Blois, và những nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam”. Hai người châu Á trước là Abdus Salam, nhà vật lý Pakistan giải Nobel 1979, và Yu Lu của Trung Quốc.
[2]
Bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, các cuộc Gặp gỡ Việt Nam đầu tiên diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ Mỹ, có cả J. Steinberger, người khám phá hạt muon neutrino (1962): Lần I diễn ra cuối năm 1993 tại Bộ Quốc phòng, Hà Nội; lần II vào tháng 10, năm 1995 sau tại Dinh Thống nhất, TP HCM. Lần này, có hiện tượng nhật thực toàn phần, sự kiện thu hút đông đảo nhà vật lý thế giới. 66 năm trước, 1929, cũng đã từng có nhật thực toàn phần diễn ra tại Việt Nam, và một đoàn thám hiểm Pháp đã bay đến Côn Đảo để đo đạc kiểm tra thuyết tương đối rộng Einstein một lần nữa. Nhưng rủi thay, thời tiết không thuận lợi nên đoàn đã không có kết quả tốt, làm mất đi cơ hội nghìn năm một thuở làm cho tên tuổi Việt Nam xuất hiện trên bản đồ khoa học thế giới!
Trong lần II này, có hơn 220 nhà khoa học từ 40 quốc gia đến TP HCM tham dự hội nghị vật lý hạt và vật lý thiên văn một cách sôi nổi. Trong khi thủ tướng Pháp Alain Juppé gửi thư khích lệ, thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt gửi thư và lẵng hoa chúc mừng hội nghị. 1995 là thời điểm rất nóng của ngành vật lý hạt, với cuộc truy tìm sôi nổi những hạt cuối cùng. Năm 1983, hai nhà vật lý Carlo Rubbia và Simon van der Meer khám phá các hạt boson W and Z của lực điện yếu trong các hạt neutron và proton tại cỗ máy gia tốc khổng lồ LHC mới đi vào vận hành của CERN. Hai ông chẳng bao lâu sau được trao giải Nobel. Và 1995, hạt top quark, hạt cơ bản cuối cùng cũng được tìm thấy tại phòng thí nghiệm Fermi nổi tiếng, trước khi viên hạt kim cương boson Higgs được tìm thấy ở LHC năm 2012, là hạt chịu trách nhiệm tạo ra khối lượng cho con người và vũ trụ.
Những năm 1990, GS Trần Thanh Vân thường tâm sự với báo chí Việt Nam:
Tôi có thể nói, vào thời điểm này, Việt Nam ta đang dẫn đầu cả vùng Đông Nam Á về vật lý lý thuyết nói chung và vật lý cơ bản nói riêng. Vấn đề là làm sao để giữ được vị thế đó? Muốn có một đội bóng vô địch Đông Nam Á, chắc hẳn ta phải đầu tư cả triệu đô la. Vậy thì, tại sao ta đang có sẵn một “đội bóng” toán học và vật lý lý thuyết mạnh, đủ sức “ngang ngửa” với Hàn Quốc, mà ta lại không chịu đầu tư chút ít để nó giữ được vị thế hiện nay?
Với hoạt động của Hội Gặp gỡ, ông cũng muốn kết nối lại chặt chẽ hơn cộng đồng khoa học gia Việt Nam đang sống rải rác ở hải ngoại:
Qua các tạp chí vật lý quốc tế, tôi thấy xuất hiện tên tuổi một số nhà vật lý trẻ người Việt làm việc rải rác khắp nơi: Hà nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và cả Moskava, Warsawa, Berlin, Geneva, Paris, New York, Chicago…. Tôi muốn các bạn trẻ ấy có dịp gặp gỡ nhau, đồng thời gặp gỡ các nhà vật lý lớn trên thế giới, nắm bắt những ý tưởng tiên phong để rồi từ đó có những công trình nổi bật, tăng thêm sự hiện diện của Việt Nam trong cộng đồng vật lý quốc tế.
Những ý tưởng thật là tuyệt vời.
Hội nghị “Khoa học để Phát triển”, 2018
(Ảnh của tác giả)
[3]
Sau khi Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn ra đời năm 2013, hoạt động của GGVN càng có thêm xung lực. Nhiều hội nghị quốc tế tiếp tục diễn ra tại cơ sở mới. Hội nghị tháng 8, 2018, năm kỷ niệm 25 năm hoạt động của Hội, có chủ đề là “Windows of the Universe” – Những cánh cửa sổ của Vũ trụ – là một chương trình lớn hỗn hợp của hai ngành: Vật lý Hạt và Vật lý Thiên văn/Vũ trụ học. Cũng năm đó có một hội nghị lớn với chủ đề “Khoa học để phát triển”, bao hàm ý nghĩa, khoa học là chìa khóa cho sự phát triển quốc gia. Trước đó, một buổi giao lưu lớn giữa GS Trần Thanh Vân, Jerome Friedman (giải Nobel 1990), và Đàm Thanh Sơn (Giải Dirac 2018) dành cho 30 học sinh Việt Nam toàn quốc từng đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế để truyền lửa và kinh nghiệm. Trong mọi kỳ Gặp gỡ Việt Nam đều có sự tiếp xúc học sinh sinh viên với các học giả nước ngoài.
Hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam ngày càng đa dạng và đi vào thực tiễn. Hội đã phối hợp với mạng lưới các trường kỹ sư ứng dụng quốc gia Pháp (INSA, Institut National des Sciences Appliquées) để đào tạo kỹ sư chất lượng cao cho Việt Nam. Hội đã phối hợp với các giáo sư Pháp và các sở giáo dục địa phương đào tạo hơn 1.500 giáo viên cốt cán giảng dạy kiến thức khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột – La main à la pâte” dựa trên phương pháp “Hands-on” ở Mỹ học để khám phá từ thực tiễn. Từ năm 2011, Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tập huấn cho tất cả các địa phương trên toàn quốc. Hội cũng hỗ trợ triển khai Trung tâm thực nghiệm phương pháp bàn tay nặn bột tại Quy Nhơn, Bình Định.
Tổng kết lại, sau 25 năm, thông qua Gặp gỡ Việt Nam, hàng nghìn nhà khoa học quốc tế tầm cỡ đã đến với Việt Nam, và sẵn sàng đứng bên cạnh. Gặp gỡ Việt Nam đã truyền đi cảm hứng và thông điệp cho thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam, cũng như giới lãnh đạo, mở cánh cửa kết nối cho lớp người trẻ với thế giới, kích thích sự phát triển; qua các chương trình học bổng, đến nay đã có 35.000 suất học bổng Vallet được cấp, tiếp sức cho học sinh, sinh viên về tài chính, và tạo ra cơ hội du học; kích thích phát triển giáo dục khoa học cho học sinh. Cung thiên văn được khai trương năm 2018 là một sự cuốn hút cho tuổi trẻ vào thế giới khoa học, di sản thành tựu từ mấy nghìn năm của nhân loại, để nhìn thấy khoa học là chìa khóa quyết định của sự phát triển mà mọi chính sách nhà nước phải đi theo, không phải ngược lại.
[4]
Đối với những ai thao thức, câu hỏi tự nhiên là: Sau 25 năm được Gặp gỡ VN tiếp sức, nền vật lý VN đã có những tăng tốc đáng kể nào để có thể nói sắp tới điểm “cất cánh” không? James Cronin, nhà vật lý hạt của Hoa Kỳ và giải Nobel 1980, từng đến Việt Nam rất nhiều lần và yêu mến đất nước, đã phóng tầm mắt khi tâm sự tại một hội nghị của Gặp gỡ năm 2006 tại Hà Nội:
Việt Nam là một nước dân đông tới 84 triệu, đất rộng xấp xỉ Nhật Bản, Pháp, Anh… Tại sao các bạn không mơ ước nước các bạn sẽ trở thành một cường quốc khoa học? Không nên cho rằng, đối với đang phát triển như Việt Nam, thì chỉ cần chú trọng nghiên cứu ứng dụng, chứ chưa cần tham gia nghiên cứu cơ bản. Các bạn nên nhớ rằng, khoa học cơ bản là một bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa. Thiếu hiểu biết về khoa học cơ bản tức là thiếu đi một mảng lớn của văn hóa hiện đại ở trình độ cao.” (nhấn mạnh của tôi)
Và ông tiếp:
“Tôi sẽ nhẹ nhõm trong lòng trước lúc nhắm mắt xuôi tay nếu thấy nền khoa học Việt Nam cất cánh.”
Câu nói chạm vào lương tâm. TS Nguyễn Trọng Hiền, Caltech, là nhân chứng của giây phút đó, buột miệng nói với ông: “Thật là cảm động!”. Cronin đáp “Anh Hiền, tôi nói từng mỗi chữ với cả trái tim”. Mười năm sau ông mất, hưởng thọ 84 tuổi. Có lẽ ông vẫn còn nặng lòng và trăn trở với Việt Nam lúc nhắm mắt ra đi.
GS Trần Thanh Vân (đứng), TS Nguyễn Trọng Hiền, James Cronin
(giữa) và Klaus von Klitzing, hai nhà vật lý Giải Nobel,
tại Hà Nội 2006 (ảnh của TS N.T. Hiền)
Nhật Bản đầu thế kỷ 20 đã xây dựng xong các định chế phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, và có cả trăm nhà nghiên cứu trẻ, thế hệ thứ 3 của họ từ cuộc Minh Trị Duy tân 1868. Trong thập niên 1920, giới vật lý mới tiếp nhận chuyến thăm của ba nhà khoa học hàng đầu từ châu Âu: Albert Einstein (năm 1922), Werner Heisenberg và Paul Dirac (năm 1926). Nhưng họ đã đủ nội lực để biến cảm hứng thành những thành tựu xuất sắc. Yukawa Hideki mang về giải Nobel đầu tiên cho Nhật Bản năm 1949, và Shin’ichirō Tomonaga giải thứ hai năm 1965. Họ là những nhà khoa học “home-made” một trăm phần trăm của Nhật Bản. Và đất nước họ đã trở thành một trung tâm khoa học tỏa sáng tại châu Á, điều họ đã quyết tâm ngay từ lúc mở cửa. Họ ý thức họ là dân tộc đẳng cấp.
Nói những điều đó để trở lại Việt Nam. Trong 25 năm qua đất nước hưởng nhiều trận “mưa Nobel” và các tinh hoa thế giới đổ về, một hiện tượng độc nhất vô nhị ở vùng Đông Nam Á, như muốn tưới cho mảnh đất xanh tươi. Nhưng Việt Nam có phát huy được hiệu ứng từ cuộc tiếp xúc với thế giới tinh hoa này hay không? Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, hai ngôi sao sáng chói của VN, xuất hiện từ những năm 2010. Nhưng hai ông xuất sắc không từ Việt Nam, mà tại các quốc gia tiên tiến. Hai ông chứng minh hùng hồn trước thế giới và khu vực rằng Việt Nam có đầy đủ trí tuệ xuất sắc, và điều mà Việt Nam cần là có một cơ chế xuất sắc tương ứng để phát triển để phát triển các tài năng. Đất nước nào cũng thế, để có một sự phát triển đột biến, cần có những điều kiện nội lực xuất sắc để mở cánh cửa của tài năng. GS Đàm Thanh Sơn, người đã từng tham dự nhiều lần các hội nghị của Gặp gỡ Việt Nam, có nhận xét mùa hè năm 2018:
Việt Nam vẫn còn cần rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Vì không có những viện nghiên cứu, trường đại học như thế cho giới trẻ làm khoa học thì hiện tượng chảy máu chất xám sẽ tiếp tục. Trong một thời gian dài, nhiều người trong số chúng tôi đã nghĩ, tìm cách nâng cao chất lượng khoa học ở Việt Nam, chúng tôi hiểu rằng bài toán này là bài toán rất khó. Chúng tôi đang nhìn trung tâm ICISE như là một ví dụ chứng minh rằng có thể làm một cái gì thành công cho khoa học Việt Nam.
Bài toán rất khó này nằm ở đâu? Nói như GS Gerard ‘t Hooft – giải Nobel Vật lý hạt – rằng: “Những người châu Âu không phải thông minh hơn châu Á nhưng họ tò mò hơn, thích khám phá hơn, vì thế họ có nhiều phát minh hơn, quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do sáng tạo”. Vấn đề là “cơ chế”. Khoa học và giáo dục đại học cần được định chế hóa với một cơ chế hợp lý thì mới phát triển được. Đại học và khoa học là sản phẩm độc nhất vô nhị của châu Âu Trung cổ mà không có nền văn minh nào khác có. Trong lịch sử 900 năm của đại học đến nay, tất cả các nhà khoa học của đại học đều có vị trí và cuộc sống xứng đáng theo tài năng của họ, và có đầy đủ điều kiện để phát triển khoa học của mình, không như những người làm khoa học Việt Nam phải “chạy sô” năm này qua năm khác để tồn tại rồi đánh mất đi chức năng nghiên cứu và lãnh đạo khoa học đối với sinh viên, xã hội và quốc gia. Họ tuy có thể tồn tại, nhưng với cái giá đắt mà quốc gia phải trả: sự phát triển kém cỏi, nếu không muốn nói tụt hậu. Một Einstein nếu phải sống như thế, thì không thể nào là Einstein. Cái giá phải trả là vô cùng to lớn, bằng sự đánh mất tên tuổi của của một dân tộc có đủ tiềm năng trác việt. Việt Nam thiếu hụt một lớp tinh hoa lãnh đạo khoa học ngang bằng với thế giới. Lực lượng kinh tế đã được cởi trói hơn 30 năm, nhưng lực lượng làm khoa học, tạo ra tri thức thì chưa, mặc dù tri thức được biết là khu vực đầu tàu của mỗi nền kinh tế.
Việt Nam lẽ ra phải có nhiều rồng bay, như cái tên Thăng Long đẹp đẽ và đầy cảm hứng từ nghìn năm! Nhưng Việt Nam là đất nước của “nghịch cảnh”. Người giàu có vô số, ném tiền qua cửa sổ như chơi, bao nhiêu của cải nhân dân bị thất thoát như ảo thuật, trong khi lực lượng tinh hoa của đất nước thì phải lo toan “hằng bữa toát mồ hôi” để tồn tại. Giống như Caesar phải đi cày thống khổ để nuôi sống bằng hai bàn tay mọn. Ai muốn thăng hoa, người đó phải tìm đường ra đi. Việt Nam bỏ công luyện nhiều “rồng nhỏ”, là các em học sinh đoạt giải Olympic, một công việc rất đáng trân trọng, nhưng đến khi lớn lên, rồng không thể bay, vì thiếu những điều kiện vật chất lẫn tinh thần thiết yếu, họ phải tìm đường sống tha hương để mong luyện đôi cánh tiếp. Đó là sự thiếu nhất quán, hay nói nôm na “đánh trống bỏ dùi”, làm cho các tài năng hụt hẫng. Việt Nam chưa tạo được một vườn khoa học có chỗ xứng đáng cho tất cả các tài năng, giống như các vườn khoa học của các quốc gia phát triển, như Nhật Bản đã từng gầy dựng. Cơ chế ở đây chưa làm cho cây khoa học phát triển lành mạnh. Nước Đức thế kỷ 19, sau khi ra khỏi đêm dài của một chế độ quân chủ nghẹt thở làm cho tài năng xuất chúng phải mai một, đã có đủ cơ chế cởi trói để cả thiên hà rồng bay, và quốc gia tiến lên không những làm cường quốc mà còn “bá chủ khoa học”.(1) Việt Nam chừng nào sẽ quyết tâm tạo được bệ phóng trác việt cho rồng của mình bay? Chừng đó sự phát triển của Việt Nam mới có nền móng vững chắc, tri thức mới phát huy sức mạnh.
[5]
Năm nay, Giáo sư Trần Thanh Vân tuổi đã ngoài thất tuần. Ông sinh ngày 4-7-1936 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Sức khỏe ông đã có yếu đi, nhưng lòng không hề yếu, ông vẫn tiếp tục cháy sáng như ngọn đuốc. Ai có dịp tiếp xúc riêng tư với ông, sẽ nghe được những điều cảm động từ một nhân cách, nghe về hoài bão, tình yêu đất nước của ông. Bẵng đi nhiều năm, tôi gặp lại ông và phu nhân tại một cuộc gặp mặt góp ý của Việt kiều tại Thành phố Hồ Chí Minh vài năm trước. Nhìn thấy ông bà sức yếu mà mà vẫn còn ngồi chăm chỉ lắng nghe các diễn giả trong suốt mấy ngày họp liền, thật tôi vô cùng xúc động. Đáng lẽ ông đã hưởng tuổi già yên ắng với con cháu, nhưng sao, vì ai, ông bà vẫn còn cặm cụi lao động vất vả đến thế? Ông cần được sự tiếp sức mạnh mẽ, và ông cũng rất trông mong một sự chung tay của những nhà giàu có hảo tâm của Việt Nam vì sự nghiệp lớn. Trên đường vào hội trường Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dừng lại rất lâu để thăm hỏi ông bà. Năm 2018, ông đã dành cho ICISE một chuyến viếng thăm. Một người bạn tôi, doanh nhân Tiêu Như Phương, sau nhiều ngày gặp ông và trò chuyện tại Quy Nhơn, đã quyết tâm cần làm một cuộc tiếp sức. Cuối năm 2019, ICISE sẽ đón nhận một khách sạn bốn sao đường hoàng trong khuôn viên để giúp cho hoạt động được khép kín, tạo thêm xung lực cho sự phát triển của Trung tâm, thúc đẩy giấc mơ một thành phố khoa học tỏa sáng cả vùng đi thêm một bước trên đường hiện thực.
Một cuộc đời vì người khác, nói như Albert Einstein, thật là một cuộc đời đáng sống! Sợi chỉ xuyên suốt tất cả các hoạt động của ông bà là trái tim, lòng thương yêu của ông bà đối với con người và đất nước Việt Nam. Ông bà Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc quả là những thiên thần của Việt Nam, không bao giờ biết mỏi cánh, muốn đánh thức tài năng Việt Nam và kêu gọi xã hội hãy dang tay tiếp sức, vì một Việt Nam phát triển, để xứng đáng là nòi giống “con rồng cháu tiên”. Chúng ta không thể tồn tại mà không phải là một cường quốc khoa học như lời di chúc đầy tâm huyết của GS James Cronin, người bạn chân tình của Việt Nam!