GS. TS Phạm Thành Huy: Quỹ ĐMST Phenikaa sẽ hỗ trợ các đề xuất được lựa chọn ở mức cao nhất
- Thứ năm - 05/03/2020 17:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
GS. TS. Phạm Thành Huy, Giám đốc Quỹ ĐMST Phenikaa.
Khi nhìn vào xuất phát điểm của Quỹ ĐMST Phenikaa, chúng ta có thể thấy nó có điểm khác biệt so với những quỹ đầu tư tư nhân khác: đây là một trong những đơn vị của Tập đoàn Phenikaa, một tập đoàn đi lên từ sản xuất và thành công trong việc làm chủ một công nghệ rất tiên tiến của nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất đá thạch anh nhân tạo, hiện thương hiệu đá thạch anh VICOSTONE của Tập đoàn Phenikaa đã được đăng ký bảo hộ tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do nhận thức rất rõ vai trò của KH&CN nên tập đoàn cho rằng, vấn đề mấu chốt trong việc vươn lên bằng công nghệ và trên nền tảng công nghệ thì cần phải có con người nhưng nhìn chung, những con người làm KH&CN lại chưa được đầu tư đủ, các đề tài mà họ thực hiện vẫn chưa có được nguồn kinh phí đủ lớn và được tiến hành trong thời gian đủ dài để giải quyết trọn vẹn vấn đề.
Xuất phát từ điều đó, Quỹ ĐMST Phenikaa được thành lập với mục đích rất rõ là đồng hành cùng nhà nước, tài trợ các đề tài nghiên cứu cơ bản, ưu tiên những nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phát triển kết quả nghiên cứu thành công nghệ, startup công nghệ, đầu tư cho con người hoặc tài trợ những giải thưởng để khuyến khích các hoạt động KH&CN. Có một điều đáng chú ý là Tập đoàn Phenikaa sẽ sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho Quỹ. Theo luật, sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp với nhà nước, Tập đoàn có thể tự tiêu số tiền sau thuế cho những nhu cầu của mình nhưng Tập đoàn lại dành để đầu tư cho khoa học, qua đó đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.
Vậy Tập đoàn Phenikaa và Ban giám đốc Quỹ kỳ vọng gì vào Quỹ?
Tôi cho rằng, về bản chất, không chỉ Quỹ ĐMST Phenikaa mà bất kỳ quỹ nhà nước hay tư nhân nào cũng đều mong muốn trở thành nơi thu hút được sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu KH&CN, và thu hút được những đề xuất tốt và tìm được các ý tưởng sáng tạo mới, định hướng phát triển KH&CN mới để tài trợ. Và muốn được như vậy, tất cả đều phải gây dựng được niềm tin với các nhà nghiên cứu và thuyết phục họ gửi gắm những ý tưởng và đề xuất các nhiệm vụ, đề tài, dự án KH&CN tới quỹ.
Đó là lẽ đương nhiên thôi bởi thông qua việc thực hiện các ý tưởng và đề xuất này, các quỹ kỳ vọng có thể góp phần giải quyết được những bài toán lớn cho xã hội, tạo ra đột phá và tạo ra những đóng góp cho xã hội. Kỳ vọng chung của các quỹ là như vậy, không chỉ của riêng Quỹ ĐMST Phenikaa. Thông qua hoạt động của Quỹ ĐMST Phenikaa, chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra động lực mới, tạo tiền đề cho các nhà nghiên cứu khoa học nuôi dưỡng đam mê và tự tin dấn thân trên con đường khoa học. Quỹ Phenikaa cũng sẽ là chỗ dựa cho các startup công nghệ, công ty khởi nghiệp (spin off) bắt đầu một hành trình mới trong phát triển công nghệ vị kinh doanh. Ngoài ra, Quỹ Phenikaa còn là một thành tố quan trọng trong Hệ sinh thái Phenikaa được hình thành và phát triển dựa trên sự gắn kết chặt chẽ của ba trụ cột: Doanh nghiệp – Nghiên cứu Khoa học – Giáo dục và Đào tạo. Hệ sinh thái này sẽ tạo thành một chuỗi các mắt xích hoạt động gắn kết cơ hữu, hỗ trợ nhau phát triển bền vững, ươm mầm và phát triển tài năng, khuyến khích tự do sáng tạo, gắn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với việc giải quyết các yêu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.
Có điểm gì khác biệt giữa Quỹ ĐMST Phenikaa với những quỹ của nhà nước và tư nhân ở Việt Nam?
Tôi cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa Quỹ ĐMST Phenikaa với những quỹ của nhà nước và tư nhân hiện có ở Việt Nam là Quỹ ĐMST Phenikaa cam kết tài trợ đủ mạnh để các nhà khoa học có thể tin cậy gửi gắm các ý tưởng khoa học và dám chấp nhận tài trợ cho các đề tài mang tính đột phá, nghĩa là đi kèm với sự dài hạn và rủi ro. Ví dụ nhìn sang một vài quỹ ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy việc tài trợ cho các đề tài mang tính đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vẫn chưa thực sự nhiều và kinh phí tài trợ cũng chưa quá lớn. Khi chính thức triển khai hoạt động, việc tài trợ cho những nhiệm vụ như thế với Quỹ ĐMST Phenikaa chưa phải là vấn đề lớn. Quỹ sẵn sàng tài trợ cho nhà khoa học thực hiện tới cùng nhiệm vụ, đi kèm với đó là sự đơn giản hóa thủ tục để có thể tiết kiệm nhất về thời gian cho nhà khoa học.
Trong quá trình chuẩn bị, Quỹ ĐMST Phenikaa đã tham khảo rất nhiều mô hình quỹ trong nước và quốc tế để rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách thức tài trợ hiệu quả và những khuôn khổ mà ta nên áp dụng…, đồng thời tham khảo rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm, từng tham gia quá trình xin tài trợ và triển khai những nhiệm vụ tài trợ trong nước và quốc tế.
Ông có nhắc đến vấn đề tạo dựng được niềm tin trong cộng đồng khoa học. Vậy Quỹ ĐMST Phenikaa sẽ làm gì để có được điều đó?
Xây dựng được niềm tin trong cộng đồng khoa học là một việc không dễ làm nhưng cũng không quá khó bởi nó phụ thuộc vào chính các nhiệm vụ và con người cụ thể mà Quỹ sẽ tài trợ. Tôi cho rằng, nếu giới khoa học họ nhìn thấy là mình tài trợ cho những nhiệm vụ của các nhà khoa học nghiêm túc thì họ sẽ tin thôi. Nếu thấy những nhà khoa học thực sự giỏi, đang muốn vươn lên và có nhiều ý tưởng khoa học mới thì việc mình tài trợ cho chính những con người ấy sẽ đem lại hiệu quả, không chỉ là những sản phẩm cụ thể mà còn là điều chứng minh rằng mình thực hiện các cam kết một cách nghiêm túc, còn nếu mình tài trợ cho những đề tài không chất lượng thì chẳng ai người ta còn tin mình nữa.
Bằng cách nào Quỹ ĐMST Phenikaa có thể trao tài trợ cho những đề tài có chất lượng và loại bỏ những đề tài không chất lượng?
Cũng như các quỹ trong nước và quốc tế khác, Quỹ ĐMST Phenikaa cũng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để xét duyệt đề tài. Nhìn chung, về cơ bản thì việc lập các hội đồng khoa học của các quỹ đầu tư cho khoa học đều giống nhau cả. Để có được hội đồng tốt, Quỹ ĐMST Phenikaa sẽ tham khảo các ứng viên qua nhiều kênh khác nhau như lý lịch khoa học, sự giới thiệu của các nhà khoa học có uy tín, những người được các nhà khoa học tin cậy rồi. Tôi nghĩ, các nhà khoa học thực sự muốn đóng góp vào sự phát triển của khoa học sẽ nhận lời tham gia các hội đồng xét duyệt những nhiệm vụ cụ thể của Quỹ.
Tuy nhiên, ở đây có một nét khác biệt về hội đồng khoa học của Quỹ ĐMST Phenikaa với Quỹ NAFOSTED mà cộng đồng khoa học Việt Nam đã quen thuộc: nếu Quỹ NAFOSTED sẽ phải xử lý một số lượng hồ sơ lớn thì với những quỹ mới bắt đầu ra mắt và triển khai tài trợ như Quỹ ĐMST Vingroup (VINIF) hay Quỹ ĐMST Phenikaa, số lượng hồ sơ cần xử lý sẽ ít thôi, ít nhất trong thời gian ban đầu vẫn còn chưa nhiều. Do đó, trừ hội đồng tư vấn cố định thôi chứ hội đồng chuyên môn sẽ rất cơ động và được thành lập dựa theo nhiệm vụ. Ở đây, hội đồng sẽ không có sẵn như Quỹ NAFOSTED mà theo nhóm nhiệm vụ, nhờ vậy mình sẽ mời được chuyên gia phù hợp nhất cho từng đề xuất hoặc nhóm, công việc sẽ linh hoạt hơn.
Vậy công việc sẽ linh hoạt như thế nào?
Chúng ta hãy thử hình dung, đối với những đề xuất mang tính dài hạn và đặt mục tiêu rất tham vọng thì thực sự hội đồng xét duyệt sẽ phải làm việc rất sát sao và lúc đó, hội đồng không chỉ để chấm đỗ hay đạt mà còn để tham gia tư vấn cho các nhà khoa học, qua đấy họ sẽ thấy đề xuất của mình còn thiếu những gì, có thể thêm được những gì để từ đó đề xuất của mình có thể đạt được kết quả mà mình mong muốn. Ở đây, các hội đồng của Quỹ sẽ đồng hành với các nhà khoa học.
Trong quá trình phê duyệt hồ sơ hiện nay, một số quỹ áp dụng xét duyệt theo kiểu “án tại hồ sơ” nên sẽ có đề xuất nhà khoa học có thể bị loại nhưng ở đây, Quỹ ĐMST Phenikaa sẽ cố gắng tạo điều kiện cho các nhà khoa học cơ hội thực hiện các ý tưởng khoa học của mình với sự hỗ trợ tốt nhất có thể và có cơ hội thành công cao hơn.
Mặt khác, với trường hợp những đề xuất mang tính cấp bách và có ý nghĩa thì Ban giám đốc Quỹ có thể quyết định ngay mà không cần đến hội đồng bởi qua hồ sơ, mình có thể biết chắc chắn những người đề xuất làm gì, có xứng đáng nhận tài trợ hay không và ý nghĩa đề xuất của họ như thế nào.
Vậy là ngoài các đợt mở tài trợ hằng kỳ, Quỹ ĐMST Phenikaa sẽ còn “mở cửa” với các đề tài đột xuất?
Ngay sau khi ra mắt vào ngày 26/11/2019 và chưa mở tài trợ thì vào ngày 2/1/2020, Quỹ ĐMST Phenikaa đã tiến hành tài trợ cho dự án đầu tiên, dự án “Phát triển bộ cơ sở dữ liệu khoa học ngành toán Việt Nam“ do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán chủ trì với mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu khoa học ngành toán Việt Nam trên cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế như ISI Clarivate Web of Science, Scopus, Mathscinet, Zeltralblatt, Arxiv nhằm tổ chức nghiên cứu và công bố các ấn phẩm khoa học trong nước và quốc tế theo các chủ đề như năng suất khoa học ngành toán, lịch sử toán học, chính sách phát triển toán học và khoa học nói chung. Đây là việc mà những nhà nghiên cứu ngành toán Việt Nam như giáo sư Ngô Việt Trung, Hà Huy Khoái, Ngô Bảo Châu… đã mong muốn làm từ lâu. Do đó Quỹ có thể quyết định rất nhanh bởi nhà khoa học đề xuất và thực hiện là người có thể tin được. Thực sự là việc tài trợ cho dự án này đã vượt ra khỏi khuôn khổ hành chính và sẽ được Quỹ tài trợ cho đến khi thực hiện hoàn thành các nội dung và đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Nhóm nghiên cứu vật liệu MOF của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (ĐH Quốc gia TPHCM). Nguồn: SGGP.
Nhìn chung, những công việc tài trợ sau này của Quỹ ĐMST Phenikaa cũng sẽ không bị hành chính hóa vì mục tiêu quan trọng là tìm được những người khả tín và làm thực.
Tương ứng với cam kết sẽ tạo điều kiện về thủ tục, về qui trình xét duyệt và kinh phí tài trợ cho các nhà khoa học, Quỹ ĐMST Phenikaa có những yêu cầu gì với họ?
Tôi cho rằng nếu đánh giá ở hồ sơ đầu vào thì một đề tài tốt là đề tài phải có tính khả thi cao nhất đối với những thông số mà họ đưa ra, đối với con người mà họ có và đối với hệ thống trang thiết bị mà họ được trang bị. Còn nếu nhìn nhận ở kết quả thực hiện thì một đề tài tốt cần thực hiện được những mục tiêu mà nhà nghiên cứu đặt ra trong hồ sơ xin tài trợ.
Tập đoàn Phenikaa là nơi rót vốn cho Quỹ ĐMST Phenikaa hoạt động. Vậy tập đoàn có can thiệp vào công việc tài trợ của Quỹ không?
Trong quá trình tìm hiểu các quỹ chính phủ và tư nhân, cả trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy các quỹ ưu điểm là có tính độc lập tương đối cao, đối với cả quỹ có được sự hỗ trợ của chính phủ cũng vậy, không phải vì thế mà nó kém độc lập. Và mọi quỹ đều phải chịu sự kiểm toán của nhà nước. Ví dụ Quỹ NAFOSTED có tính độc lập khá cao về mặt học thuật, do đó Ban quản lý Quỹ ĐMST Phenikaa cũng sẽ tôn trọng tối đa quyết định của các hội đồng chuyên ngành, vấn đề là hội đồng chuyên ngành có đảm bảo tính liêm chính, minh bạch, công minh trong các quyết định của mình hay không.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị và hình thành Quỹ ĐMST Phenikaa, chúng tôi thấy thực ra để quỹ được ra đời là kết quả của một quá trình “mang nặng đẻ đau”. Do đó, mọi vấn đề của nó được xem xét rất kỹ với mục tiêu để nó hoạt động tối ưu hoạt động tài trợ của mình. Ngoài ra, tập đoàn coi Quỹ như một luồng năng lượng, mở cho xã hội và ở đây xã hội cũng là mình. Dù tập đoàn chưa quá giàu, việc kiếm tiền bằng sản xuất trên nền tảng khoa học công nghệ khó khăn hơn nhiều tập đoàn khác nên chắc chắn tài trợ sẽ không ồ ạt và nhiệm vụ sẽ được cân nhắc đến nhiều yếu tố khả thi, tác động đến xã hội… Tuy vậy, tập đoàn đã xác định việc đầu tư cho hoạt động KH&CN sẽ là nhiệm vụ mang tính lâu dài và cần được thực thi một cách minh bạch.
Vậy khi nào Quỹ có thể mời các nhà khoa học gửi đề xuất đầu tiên?
Các đợt mở tài trợ sẽ diễn ra hằng năm, dự kiến trong năm 2020 này sẽ rơi vào quý 2. Bây giờ, Quỹ ĐMST Phenikaa đang chuẩn hóa quy chế hoạt động, trang web giới thiệu Quỹ cũng như các quy trình khác… Cũng như với làm khoa học, chúng ta không nên làm nhanh quá mà cần tối ưu các chi tiết, công đoạn, tuy nhiên tôi có thể nói rằng, từ lúc mở tài trợ, tiếp nhận hồ sơ đề xuất đến thông báo kết quả sẽ trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.
Trong mùa đầu tiên này, có thể lượng hồ sơ mà Quỹ nhận được sẽ không nhiều và tôi hi vọng, những người dũng cảm là người có “phần thưởng” bởi theo thời gian thì tỷ lệ cạnh tranh sẽ cao hơn.
Cảm ơn ông. □
Thanh Nhàn thực hiện
Theo GS. TS Phạm Thành Huy, việc mở rộng phạm vi tài trợ của Quỹ ĐMST Phenikaa còn thể hiện trên một bình diện khác. Nhìn chung, Quỹ có thể đầu tư đủ lớn, đủ dài hạn cho các đề tài nghiên cứu, và Quỹ chưa đặt ra giới hạn trên của kinh phí tài trợ. Nếu như nhận được hồ sơ có nhiệm vụ nghiên cứu quá lớn và có tính khả thi thì Quỹ có thể liên hệ với một số quỹ hoặc tổ chức khác để cùng các bên đồng tài trợ cho nhiệm vụ đó.