Gặp gỡ nhóm sinh viên đưa “Cờ toán Việt Nam” lên hệ điều hành IOS và Android
- Thứ sáu - 04/12/2015 18:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là sản phẩm nghiên cứu của các sinh viên Nguyễn Hà Thanh, Trần Hữu Trung, Trần Văn Hưng thuộc Trường ĐH Công nghệ đã được nhận giải nhất giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên ĐHQGHN năm 2015.
Nhóm sinh viên Nguyễn Hà Thanh, Trần Hữu Trung, Trần Văn Hưng
Chia sẻ với phóng viên Dân trí sinh viên Nguyễn Hà Thanh cho biết, khi học môn trí tuệ nhân tạo ở năm thứ 3 đại học, nhóm chúng tôi được GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, giảng viên dạy trực tiếp môn học, giới thiệu về môn Cờ toán Việt Nam và nỗi khắc khoải của người sáng lập Vũ Văn Bảy về việc phổ biến rộng rãi môn chơi này.
Tháng 3 năm 2015, chúng tôi đã hoàn thiện sản phẩm Cờ toán Việt Nam và đưa thành công lên các kho ứng dụng của các hệ điều hành IOS và Android. Hiện nay, các thiết bị thông minh dùng các hệ điều hành có thể tải về và cài đặt miễn phí phần mềm trò chơi này.
“Cờ toán Việt Nam” hữu ích với học sinh phổ thông
- Cờ toán Việt Nam do các bạn lập trình là một trò chơi/ game được sử dụng trên các thiết bị thông minh. Trong suy nghĩ của số đông người Việt, game thường mang đến những hệ quả tiêu cực cho người chơi. Game Cờ toán Việt Nam có mang hệ lụy nào không?
Sinh viên Trần Hữu Trung: Chúng tôi khẳng định rằng, Cờ toán Việt Nam mang đến lợi ích lớn cho người chơi và cho đến bây giờ, chúng tôi chưa tìm ra được bất kỳ hệ lụy tiêu cực nào. Cờ toán Việt Nam đặc biệt hữu ích đối với học sinh phổ thông, khi phải làm quen với các phép tính.
Cờ là một môn thể thao rèn luyện trí não. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, năng lực tập trung, khả năng sáng tạo, tư duy cục diện do bán cầu não phải chỉ huy, não trái dành cho tư duy logic, ngôn ngữ và các con số. Cờ toán Việt Nam là một môn cờ mà bên cạnh việc nhìn nhận thế trận, người chơi phải phát huy khả năng tính toán rất nhiều, do vậy giúp cho não phát triển một cách toàn diện.
Kể từ khi sản phẩm Cờ toán Việt Nam được trưng bày ở Chợ công nghệ Techmart 2015 và cung cấp trên các kho ứng dụng, chúng tôi chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào về môn chơi này. Trong khi đó, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Đó là những tín hiệu vui ban đầu cho nhóm lập trình sản phẩm này.
- Khả năng tính toán trong Cờ toán Việt Nam được thể hiện như thế nào?
Trần Văn Hưng: Cờ toán Việt Nam đem đến lợi ích tăng cường khả năng tính toán cho người chơi ngay bởi chính luật chơi Cờ mà tác giả Vũ Văn Bảy đã đưa ra.
Bàn cờ toán là bàn cờ hình chữ nhật, gồm 99 ô (9 ô hàng ngang và 11 ô hàng dọc). Ô thứ 5 ở hàng thứ 2 của mỗi bên có đường chéo là vị trí cố định của quân số 0 (tức trong khi chơi, số 0 không được di chuyển).
Mỗi bên có 10 quân cờ hình tròn từ 0 đến 9, với màu khác nhau. Trên mỗi quân có các dấu chấm tròn thể hiện các số thứ tự 0-9 (ví dụ, quân số 1 có một chấm tròn; quân số 9 có chín chấm tròn).
Trong quá trình chơi, dựa vào tài năng của mình, hai bên có thể phân thắng bại bằng tổng số điểm bắt được, nhưng điểm thú vị trong cờ toán là bất kể khi nào, cứ bắt được quân số 0 của đối phương là thắng tuyệt đối.
Cờ toán khác cờ tướng ở chỗ cờ tướng thì ăn trực tiếp (ngoại trừ quân pháo). Còn cờ toán buộc phải có hai quân để có thể làm một phép tính và khai triển đòn tấn công.
Ngoại trừ quân số 0 không được phép di chuyển ra khỏi vị trí, các quân còn lại 1-9 đều được đi theo tám hướng (trong đó bốn hướng đi thẳng ra bốn phía ngang, dọc và bốn hướng đi chéo theo đông - tây - nam - bắc). Mỗi ô trống trên bàn cờ là một bước đi. Số bước đi được thực hiện theo trị số riêng của từng quân cờ.
Triết lý xuyên suốt của Cờ Toán là “Lấy dân làm gốc”.
- Các bạn tâm đắc với điều gì trong triết lí của Cờ toán Việt Nam?
Trần Hữu Trung: Cờ toán Việt Nam có nhiều thế rất hay, chứa đựng triết lí sâu sắc. Trong cờ toán, con số 0 – tức dân là quân cờ quan trọng nhất. Luật chơi chỉ rõ, mất dân là mất nước tức mất 0 là thua toàn cục. Quân 0 không di chuyển được nhưng là gốc để phân thắng bại.
Mỗi phép tính cộng khi chơi biểu hiện cho sự cộng hưởng, đoàn kết, phép trừ mang hàm ý lùi một bước để tiến nhiều bước, biết nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ, phép nhân là biểu hiện của việc nhân lên bội phần của sức mạnh tập thể, phép chia là sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống.
Một nguyên tắc khác của cờ toán Việt Nam là quân đi lẻ sẽ bị tiêu vong, đoàn kết đi chung thì sức mạnh được nhân lên.
Bác Bảy từng nói, chơi cờ toán không chỉ giúp rèn tư duy chiến lược sắc bén, tính cẩn thận mà còn hướng người chơi đến những giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam. Bàn cờ toán luôn có ba chữ “Thân Thiện - Trí Tuệ - Sáng tạo” cũng bắt nguồn từ tâm niệm đó. Chơi cờ là để khai trí, khai tâm, xích mọi người lại gần nhau hơn chứ không phải để chấp vặt thắng thua. Nếu có cơ hội tìm hiểu sâu về cờ toán, người chơi sẽ thấy thú vị với các nước cờ biến hóa, mang đậm chất dân gian người Việt như: Dẫn thủy nhập điền, Tát nước be bờ hay Đếm cua trong lỗ... Triết lý xuyên suốt của Cờ Toán là “Lấy dân làm gốc”.
Thành công trong nghiên cứu khoa học đã thể hiện kỹ năng làm việc nhóm xuất sắc của các chàng trai tài năng này
- Chương trình cờ toán Việt Nam trên di động được các bạn thực hiện như thế nào?
Trần Văn Hưng: Nhóm chúng tôi đưa các thuật toán theo 3 mức: dễ, trung bình và khó để người chơi có thể chọn lựa. Hiện nay, phần mềm của Cờ toán Việt Nam do chúng tôi lập trình là bất khả chiến bại với phần đông người chơi. Cho đến thời điểm hiện tại, ở mức độ trung bình, nhóm mới tìm ra được một người chiến thắng là con trai bác Bảy.
Tại hội chợ Techmart 2015, đa phần người chơi bị đánh bại ngay từ mức dễ, trong số những người chơi thử chương trình ngày hôm đó, chúng tôi ấn tượng với một em học sinh lớp 5. Em ấy chia sẻ rằng mình thích học môn toán nhất trên lớp và đã dành được chiến thắng trước máy (với sự giúp đỡ của Thanh). Bản thân chúng tôi, những người viết thuật toán cho game này cũng chỉ đôi lần thắng máy ở mức dễ.
Chứng minh sức mạnh của các thuật toán Trí tuệ nhân tạo
- Liệu có phải do khó có thể thắng máy mà game chưa thu hút được đông đảo người chơi?
Nguyễn Hà Thanh: Theo chúng tôi, đó là một trong số những nguyên nhân dẫn tới chương trình chưa thực sự phổ biến. Mục tiêu ban đầu của chúng tôi xây dựng chương trình là để chứng minh sức mạnh của các thuật toán Trí tuệ nhân tạo đã được cài đặt chứ chưa hướng nhiều tới độ hấp dẫn của game cũng như việc thu hút người chơi.
Mặc dù được đánh giá là một sản phẩm công nghệ hoàn thiện nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi còn nhiều việc phải làm trong thời gian sắp tới nhằm nâng cấp chương trình và thu hút đông đảo người chơi hơn nữa.
- Các bạn suy nghĩ thế nào về phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên?
Nguyễn Hà Thanh: Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên chúng chúng tôi nắm chắc hơn, hiểu sâu hơn những kiến thức đã học và rèn cho chúng chúng tôi khả năng phát hiện vấn đề mới, tư duy sáng tạo, sự kiện trì với một niềm đam mê khám phá.
Chương trình cờ toán Việt Nam được chúng tôi thực hiện tại năm thứ 4 đại học, tất cả các kiến thức trong 4 năm học được vận dụng để giải quyết một vấn đề thiết thực và ý nghĩa, xây nên một sản phẩm chất lượng cao.
Xây dựng một chương trình đánh cờ thông minh, với niềm đam mê, yêu thích của mình, chúng tôi đã có những đêm thức trắng đầy cảm xúc khi viết dòng lệnh tưởng chừng khô khan, hồi hộp chờ đợi và rồi vỡ òa trong vui sướng mỗi khi chương trình tiến bộ thêm một chút và dần dần trở nên bất khả chiến bại đối với con người.
Nghiên cứu khoa học sinh viên còn là dịp để Thầy và Trò có cơ hội gắn kết và gần gũi hơn và là cơ hội để sinh viên chúng chúng tôi có được những trải nghiệm thực tế đầy quý giá.
Sau chuyến đi với thầy Nguyễn Thanh Thủy, được gặp tác giả cờ toán Vũ Văn Bảy, bên cạnh những kiến thức thu nhận được về cờ toán để đưa vào chương trình, hiểu biết còn non kém của chúng tôi được mở mang rất nhiều. Từ tấm gương tác giả cờ toán, chúng chúng tôi học được rằng con người có thể học và học xuất sắc ở mọi lúc mọi nơi. Một người nông dân, một công nhân bốc vác hoàn toàn có thể có một trí tuệ và kiến thức đáng được ngưỡng mộ.
Đối với chúng chúng tôi, mỗi công trình như một món đồ lưu niệm nho nhỏ mà chúng chúng tôi may mắn được tặng khi trên đường đời có dịp tham gia cuộc hành trình mang tên « Đời sinh viên ».
Sau cuộc hành trình này sẽ là những cuộc hành trình khác thú vị nhưng đầy thử thách, gian nan.
- Cảm ơn về cuộc trao đổi và chúc các bạn tiếp tục thành công!
Lãnh đạo ĐH QGHN đã trao tặng bằng khen nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất tới nhóm
Sinh viên Nguyễn Hà Thanh chia sẻ: Cờ toán Việt Nam của bác Vũ Văn Bảy (sinh năm 1938, người Bắc Ninh) là môn chơi được Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chính thức công nhận là sản phẩm trí tuệ vào tháng 5/2005. Năm 2008, nhóm tác giả Vũ Văn Bảy và một số kỹ sư của Trường ĐH Bách Khoa về Cờ toán Việt Nam đã lọt vào vòng chung kết và giành Giải Ấn tượng tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2008. Tuy nhiên, phần mềm đó cũng chưa thúc đẩy được việc phổ biến môn chơi thuần chất Việt Nam này như mong muốn của tác giả. Trong câu chuyện của bác Bảy, chúng tôi đồng cảm với khát vọng về việc duy trì môn chơi và thấy được khó khăn khi phổ biến môn chơi vì việc sản xuất cờ gặp nhiều khó khăn. Nếu sử dụng trên các thiêt bị thông minh, người chơi có thể luyện cờ và thỏa đam mê chơi cờ ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng tôi đã ghi chép cẩn thận kỹ thuật chơi và triết lý chơi Cờ toán Việt Nam từ tác giả sáng lập. Và chúng tôi đã mã hóa thành công chiến lược chơi, các thế cờ trong máy hướng đến việc ứng dụng trên thiết bị thông minh.
|
Diệp Anh (thực hiện)