Giáo sư Vũ Đình Cự - “Nhà thông thái” của giới khoa học Việt Nam
- Thứ hai - 12/09/2016 18:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lần đầu tiên, tôi được biết tên tuổi của Giáo sư Vũ Đình Cự (1936-2011) cách đây đã 43 năm. Một buổi chiều mùa hè năm 1973, khi tôi thi đỗ vào trường Cấp III Thị xã Thái Bình (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn), anh trai tôi, một cựu sinh viên Đại học Bách khoa đã rất đỗi vui mừng. Hôm đó, anh kể cho tôi nghe rất nhiều về GS Vũ Đình Cự, người con của quê hương Thái Bình chúng tôi với niềm tự hào khôn tả. Anh kể cho tôi nghe về những thành tựu to lớn trong lĩnh vực khoa học và cả thành tựu Giáo sư đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thật tình khi đó, tôi không biết và cũng không nhớ nhiều về những gì anh tôi nói bởi trong tôi, lâng lâng một cảm giác tự hào vì một điều chẳng dính gì đến khoa học, đó là GS Vũ Đình Cự chính là em trai của Thầy giáo hiệu trưởng Vũ Huy Hồi của chúng tôi.
Sau này khi lên Hà Nội, nhờ có lần được gặp ông và qua sưu tầm tài liệu, tôi mới biết đôi nét về vị giáo sư, nhà vật lý lừng danh này. Đặc biệt là từ những câu chuyện, bài viết của nhà báo Võ Đăng Thiên, Tổng Biên tập báo Bưu điện Việt Nam - Infonet, người đã có nhiều năm làm thư ký cho GS. Vũ Đình Cự khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội.
Nhà khoa học hàng đầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội
GS Vũ Đình Cự sinh ngày 15 tháng 2 năm 1936 tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân khá giả, có nghề làm thuốc gia truyền. Năm 1951, ông theo học dự bị đại học ở Thanh Hóa. Từ năm 1954 đến năm 1956, ông học khoa Vật lý, khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học cũng là lúc Trường Đại học Bách khoa thành lập, ông là một trong 8 cán bộ vật lý đầu tiên về trường dạy vật lý đại cương và xây dựng tổ chuyên môn vật lý.
Năm 1962, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về Vật lý chất rắn tại Đại học Lomonosov. Năm năm sau (1967), ông bảo vệ thành công luận án và trở thành Tiến sĩ Khoa học đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại trường đại học danh giá này.
Từ năm 1967, ông giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội và lần lượt đảm nhiệm các vị trí Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn, Tổ trưởng tổ nghiên cứu phá bom từ trường thủy lôi của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Viện trưởng Viện công nghệ Quốc gia, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử của nhà nước, Chủ tịch Hội đồng KH-KT TP Hà Nội…
Năm 1980, ông được công nhận học hàm Giáo sư. Tháng 6 năm 1991, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 7, ông được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng.
Năm 1992, ông là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường của Quốc hội, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu điện tử viễn thông của Nhà nước. Năm 1994 ông giữ chức Phó Trưởng ban khoa giáo TW và đến tháng 6 năm 1996, tại Đại hội Đại biểu lần thứ 8, ông lại được bầu vào Ban chấp hành TW Đảng.
Tháng 9 năm 1997, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 10, ông được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và Môi trường của Quốc hội. Ông là Đại biểu Quốc hội khoa VII, VIII, IX, X.
Trong cuộc đời khoa học của GS Vũ Đình Cự, ngoài những thành tựu về nghiên cứu, phát triển bộ môn Vật lý chất rắn cũng như đào tạo các thế hệ sinh viên và cả giảng viên trẻ, không thể không nhắc đến một công trình khoa học mang tính lịch sử, góp phần to lớn vào công cuộc thống nhất đất nước. Đó là công trình Phá thủy lôi và bom từ trường của Mỹ trong chiến dịch phong tỏa cảng Hải Phòng mà ông là một trong những tác giả chính.
Nhà báo Võ Đăng Thiên kể lại, vào một ngày trong tháng 8 năm 1972, GS Vũ Đình Cự được Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu gọi lên phòng làm việc. Tại buổi gặp, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã giao cho Vũ Đình Cự một nhiệm vụ quan trọng: biệt phái sang Bộ Giao thông - Vận tải làm thành viên của Tiểu ban rà phá bom mìn, thủy lôi với nhiệm vụ cụ thể là vận dụng các kiến thức đã nghiên cứu được, phối hợp với một số đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và các cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải thành lập một tổ đặc nhiệm gọi tắt là GK1 (viết tắt của từ Giao thông - Bách khoa) để nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cao để rà phá bom, mìn, thủy lôi hiệu quả, bảo đảm tránh thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ, góp phần đập tan âm mưu phong tỏa miền Bắc bằng bom, thủy lôi từ trường của kẻ thù.
Đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Nixon và ê kíp đang ráo riết thực hiện kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, cuộc đàm phán Paris về chiến tranh Việt Nam đang đi đến giai đoạn quan trọng. Vì vậy, Nixon rất muốn tung những đòn quyết định trên chiến trường để buộc ta phải nhượng bộ trên bàn đàm phán. Một trong những đòn đó là cho máy bay thả bom từ trường và thủy lôi dày đặc tại cảng Hải Phòng và tất cả các cửa sông, luồng lạch và các huyết mạch giao thông khác hòng làm tê liệt hệ thống giao thông thủy bộ của ta.
Ngày 9/5/1972, Nixon tuyên bố cuộc phong tỏa miền Bắc đồng thời ra lệnh cho máy bay ồ ạt thả bom từ trường và thủy lôi từ tính, trong đó có loại bom/thủy lôi từ trường mới nhất với cơ chế gây nổ gây nổ thông minh bằng thiết bị kỹ thuật số được quân đội Mỹ đặt cho cái tên: Kẻ hủy diệt (Destructor - DST). Việc rà phá bom, mìn, thủy lôi đã được các đơn vị quân đội và giao thông thực hiện từ cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1964 - 1968) cho đến thời điểm đó với nhiều chiến công to lớn với nhiều sáng kiến và kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, với việc quân đội Mỹ huy động cả bộ máy khoa học công nghệ khổng lồ của họ không ngừng nghiên cứu, cải tiến để cho ra đời những loại bom, mìn, thủy lôi mới ngày càng hiện đại, thông minh, thì việc rà phá càng trở nên khó khăn và nguy hiểm, phải chịu thương vong lớn.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thời điểm đó là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đặt vấn đề với Bộ trưởng Đại học và Trung học Tạ Quang Bửu, cùng báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương huy động các nhà khoa học vào cuộc để cùng với ngành giao thông thực hiện việc rà phá bom, mìn, thủy lôi với nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra các giải pháp rà phá hiệu quả và đặc biệt là tránh được thương vong cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Đó là chính là lý do ra đời của Tổ đặc nhiệm GK1 (sau đó còn có thêm GK2, GK3).
Nhận nhiệm vụ, Vũ Đình Cự cùng các đồng nghiệp ở Đại học Bách khoa và Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bắt tay vào công việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của thời chiến. Được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị thuộc ngành giao thông, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung tâm máy tính điện tử (duy nhất lúc đó ở miền Bắc) của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước và sử dụng cả các thiết bị nghiên cứu mới nhất vừa được Liên Xô viện trợ cho Trường Bách khoa, trong một thời gian ngắn, tổ GK1 đã “mổ phanh” 1 quả DST được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội để tìm ra cơ chế gây nổ tinh vi của nó, đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực nghiệm tại Hải Phòng và sân bóng Đại học Bách khoa.
Từ đó, GK1 đã chế tạo thành công một thiết bị phá bom, thủy lôi từ trường tự động (như robot), có thể “lừa” được những loại bom, thủy lôi từ trường mới nhất của Mỹ lúc đó, khiến chúng phát nổ mà không gây thương vong cho cho các lực lượng rà phá. Thiết bị đó nhanh chóng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả lớn trong việc rà phá bom, thủy lôi từ trường, tránh được thương vong ở cảng Hải Phòng và nhiều nơi khác, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong việc phá tan âm mưu phong tỏa miền Bắc của Mỹ những năm 1972 - 1973.
Trong quá trình tổ GK1 thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, 2 Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và Tạ Quang Bửu thường xuyên quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ làm việc. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gần như hằng ngày đều tranh thủ xuống gặp anh em GK1, hỏi han, trao đổi, động viên, thậm chí là cùng tranh luận những vấn đề khoa học nảy sinh. Cuối tháng 11/1972, sau khi nghe báo cáo về những kết quả bước đầu đáng phấn khởi trong việc triển khai kết quả nghiên cứu của tổ GK1, Bộ trưởng Phan Trong Tuệ đã chỉ đạo tổ chức một cuộc trưng bày nhằm báo cáo với các cấp lãnh đạo về kết quả rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường tránh được thương vong của GK1.
Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước lúc đó như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười và một số đồng chí lãnh đạo khác: Đinh Đức Thiện, Trần Đại Nghĩa… đều đến thăm triển lãm, nghe anh em GK1 giới thiệu về kết quả nghiên cứu và cho nhiều ý kiến khen ngợi, động viên kịp thời. Sau này, kết quả nghiên cứu GK1 còn được phát triển để rà phá bom mìn trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Với những thành tích vừa nêu, Vũ Đình Cự và các thành viên tổ GK1 đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Tổ GK1 được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996) lĩnh vực khoa học - công nghệ cùng với các lực lượng khác trong công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông thời chống Mỹ.
Với vốn ngoại ngữ phong phú, có thể sử dụng thành thạo 3 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Vũ Đình Cự cũng đi sâu nghiên cứu các vấn đề về triết học và kinh tế chính trị với nhiều phát hiện mới mẻ. Có thể nói rằng, hiếm có nhà khoa học nào có thể cùng lúc đạt được đỉnh cao tri thức ở cả 2 lĩnh vực: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như Vũ Đình Cự. Một vị bộ trưởng khi trò chuyện với tôi đã gọi ông là “nhà thông thái”.
Kỉ niệm nhỏ với một nhà khoa học lớn
Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được gặp GS Vũ Đình Cự cách đây tròn 15 năm (2001), khi ông là Phó Chủ tịch Quốc hội trong buổi hội thảo về qui định viết hoa trong các văn bản do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì.
Sau buổi hội thảo, tôi đã chủ động đến gặp ông và khi giới thiệu xã tôi ở gần xã của ông, ông rất vui, nhất là khi biết tôi là học trò của nhà giáo Vũ Huy Hồi, anh trai ông.
Bữa đó, ông đã kể rất say sưa và đầy tự hào về người anh của mình và sau đó, chẳng hiểu sao, câu chuyện chuyển hướng áng lĩnh vực văn chương. Và ông đã làm tôi vô cùng bất ngờ trước sự am tường cũng như sức đọc khủng khiếp nơi ông. Ông nói về nền văn học Pháp, văn học Anh, văn học châu Mỹ la tinh và đặc biệt là văn học nước Nga Xô viết. Ông nói về các nhà thơ cổ đại Trung Quốc như Khuất Nguyên, Bạch Cư Dị và truyện Kiều của Nguyễn Du đến phong trào Thơ mới.
Tôi còn ngạc nhiên hơn, cho đến khi đó và suốt cuộc đời mình, ông chọn cuộc sống độc thân. Nhà báo Võ Đăng Thiên kể lại: “Hầu hết những người quen biết Vũ Đình Cự đều biết ông chọn cuộc sống độc thân, không lấy vợ. Gần ông, tôi hiểu ông là người có thiên hướng sống cô đơn, thanh bạch, giản dị, thậm chí hơi thoát tục. Niềm vui, niềm say mê lớn nhất của ông là công việc, là đọc sách, vào Internet tìm tư liệu, nghiên cứu, viết sách, viết báo. Còn những nhu cầu vật chất trần tục, đối với ông, lại không đáng để quan tâm.
Cho đến lúc qua đời, ông vẫn sống ở căn hộ tập thể 32m2 ở khu Bách khoa mà ông được phân từ năm 1976. Có lần, ông kể chuyện vui với tôi (Võ Đăng Thiên - PV), trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện Công nghệ quốc gia, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Có một đoàn doanh nghiệp Mỹ sang làm việc với ông, đến lúc ăn trưa, tay trưởng đoàn hỏi ông: “Mr. Cự, ông có thích nhiều tiền không?”, ông trả lời: “Nếu kiếm nhiều tiền cho đất nước tôi thì tôi rất thích nhưng cho cá nhân tôi thì không cần. Đối với tôi, nhiều tiền chỉ phức tạp”. Tay người Mỹ cười: “Nếu thế thì tôi rất khó hợp tác với ngài”.
Những năm cuối đời, có một giai đoạn mà GS Vũ Đình Cự rất suy sụp. Đó là người cháu Vũ Hoàng Huy gọi ông là chú ruột (con trai Nhà giáo Vũ Huy Hồi) được ông coi như con, từng tham gia đội tuyển thi Olympic Toán Quốc tế bị tai nạn giao thông khi vừa bước sang tuổi 23. Có lẽ do Huy là người cháu mang đậm tố chất của một nhà khoa học mà ông dày công vun đắp để mong kế tiếp sự nghiệp khoa học của mình.
GS Vũ Đình Cự mất ngày 7/9/2011 ở tuổi 75. Những công trình khoa học, sự cống hiến và tấm gương tận tụy, dành trọn cuộc đời mình cho khoa học của ông sẽ còn mãi với thời gian.
Gần đây, gia đình ông đã tổ chức xây ngôi nhà tưởng niệm ông ở chính nơi ông đã sinh ra. Tại buổi lễ khánh thành (ngày 10/9/2016), nhiều nhà khoa học, các vị lãnh đạo của Quốc hội, tỉnh Thái Bình và đông đảo nhân dân địa phương đã tham dự trong niềm tự hào về một nhà khoa học hàng đầu, một nhân cách lớn của quê hương.