Hoạt động nhộn nhịp hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh Paris
- Thứ hai - 25/05/2015 15:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các hoạt động này sôi động và dồn dập lôi cuốn sự tham gia không chỉ các nhà lãnh đạo chính phủ và các tổ chức chính trị mà cả các tôn giáo lớn và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp lớn trên thế giới…
“Tuần lễ Khí hậu” Paris
Tuần lễ Khí hậu (Climate Week) được tổ chức ở Paris từ 19 đến 22/5 là một trong những hoạt động đó với tâm điểm là “Hội nghị thượng đỉnh về Doanh nghiệp và Khí hậu” diễn ra trong hai ngày, thứ Tư 20/5 và thứ Năm 21/05/2015. Theo phóng viên TTXVN và VOV ở Paris, với chủ đề “Cùng hành động để xây dựng một nền kinh tế tốt hơn” Hội nghị này hội tụ được những 1.000 đại diện của các chính phủ, lãnh đạo của các doanh nghiệp, các tập đoàn quốc tế. Về mục đích của hội nghị, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, ông Brice Lalonde cho rằng Hội nghị lần này xoáy vào hai trọng điểm của COP-21 Paris cuối năm.
Quả vậy, tất cả mọi hoạt động khác nhau, cũng chỉ nhằm vào chuẩn bị cho các văn bản thỏa thuận về “Biến đổi khí hậu” của Hội nghị Thượng đỉnh cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2015 tại Paris. Trong đó, trọng tâm là đưa ra hai khuyến nghị: nỗ lực cắt giảm lượng khí thải CO2 và tăng cường huy động tài chính chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nói cách khác, ở Hội nghị Thượng đỉnh Paris cuối năm sẽ phấn đấu đạt cho kỳ được một “Bản Thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu” để thay thế cho Nghị định thư Kyoto có kỳ hạn đến năm 2020 với các nội dung đã cũ, không còn thích hợp nữa.
“Đối thoại Khí hậu Petersberg”
Đây là hoạt động nữa, vốn là sáng kiến của Thủ tướng Đức Merkel đưa ra từ năm 2010 và do nước Đức đồng chủ trì với quốc gia đăng cai tổ chức hàng năm.
Tổng thống François Hollande phát biểu tại phiên khai mạc “Hội nghị thượng đỉnh về Doanh nghiệp và Khí hậu”. |
Cuộc “Đối thoại Khí hậu Petersberg” năm nay là lần thứ sáu, vừa chính thức khai mạc tuần trước, ngày 18/5, tại thủ đô Berlin với sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 35 nước trên thế giới. Cuộc đối thoại về khí hậu này, rõ ràng, cũng là một hoạt động bổ ích để chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên hợp quốc lần thứ 21 (COP-21) tại Paris vào tháng 12 tới.
Khai mạc đối thoại, Bộ trưởng Môi trường LB Đức Barbara Hendricks nhấn mạnh rằng, năm 2015 là năm quyết định đối với việc bảo vệ Trái Đất trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, các bên tham gia sẽ phải nhất trí cách thức hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Bà Hendricks cũng nhấn mạnh mục tiêu của Đức tới năm 2020 là giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990, nền tảng cơ bản để hướng tới mục tiêu giảm ít nhất từ 80-95% lượng khí CO2 vào năm 2050.
Đồng chủ trì cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh, rằng “Đối thoại Khí hậu Petersberg” là một bước đi quan trọng nhằm mang lại thành công cho Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP-21 ở Paris vào cuối năm nay. Theo ông, tất cả các nước đều phải có trách nhiệm với việc bảo vệ Trái Đất trước sự biến đổi khí hậu, bởi đó là sự lựa chọn duy nhất.
Quang cảnh buổi “Đối thoại Khí hậu Petersberg” lần thứ 6 diễn ra ở Berlin. Ảnh: Getty Images |
Bên cạnh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các đại biểu tham dự “Đối thoại Khí hậu Petersburg” cũng thảo luận về việc cung cấp tài chính cho các dự án bảo vệ và thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu, cũng như thống nhất về các quy định chung về một Hiệp định toàn cầu theo kế hoạch vào cuối năm nay. Các đại biểu cũng thảo luận cách thức tận dụng tối đa thời gian từ nay tới trước khi diễn ra COP-21 để giải quyết các vấn đề còn dở dang trong thời hạn sớm nhất.
Các nước lớn, các vĩ nhân lên tiếng
Liên quan đến mục tiêu tối thượng của Hội nghị Paris COP-21, trong bài phát biểu khai mạc “Tuần lễ Khí hậu” Paris sáng ngày 20/5/2015, Tổng thống nước chủ nhà François Hollande nói: “Chúng ta không được giới hạn hội nghị Paris sắp tới (COP-21) như một tuyên bố đơn giản, như một văn bản dài hay một lời kêu gọi dài dòng. Thỏa thuận Paris phải là một văn kiện mà trong đó các nước phải đưa ra cam kết cụ thể. Điều này sẽ quyết định sự thành bại của “Thỏa thuận Khí hậu”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người đồng cấp Pháp Francois Hollance. Ảnh: AP |
Hội nghị Thượng đỉnh Paris cuối năm quả là có tầm quan trọng cho cả thế giới, là sự mong đợi của mọi dân tộc. chính vì thế, ngay cùng ngày 20/5/2015, bên kia đại dương, tận dụng diễn đàn lễ tốt nghiệp của “Các học viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ”, Tổng thống Barack Obama cũng đề cập đến vấn đề này và khẳng định: Biến đối khí hậu là một trong những ưu tiên chính trong 19 tháng nắm quyền còn lại của ông.
Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Biến đổi khí hậu là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất hiện nay. Đây không chỉ là vấn đề của các nước nằm bên bờ đại dương hay là các khu vực riêng biệt trên thế giới. Biến đối khí hậu sẽ tác động đến tất cả các nước trên hành tinh này. Không quốc gia nào không bị ảnh hưởng. Và tôi ở đây ngày hôm nay để nói rằng biến đối khí hậu là nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu, nguy cơ trực tiếp đối với an ninh quốc gia và không được phạm sai lầm”.
Điều thật hiếm hoi khi bản thân Giáo hoàng Phanxicô từ Tòa thánh Vatican cũng lên tiếng cảnh báo về nhiệm vụ chống hiện tượng “nóng lên của trái đất”, bảo vệ môi trường. Trước đây mươi hôm, ngày 12/05/2015, tại Thánh đường Phêrô, Giáo hoàng Phanxicô phát biểu lên tiếng với “các thế lực (chính trị hay kinh tế) trên toàn thế giới” rằng, họ “sẽ bị Chúa phán xử” nếu không bảo vệ được môi trường, để có được đủ lương thực thực phẩm nuôi sống dân cư toàn cầu. Và không dừng ở đây, theo AFP, sau vài tuần nữa, Giáo hoàng Phanxicô sẽ công bố một huấn thị được nhiều người mong đợi về “các khía cạnh đạo lý của Sinh thái học”.
Sự quan tâm của mọi quốc gia
“Biến đổi khí hậu” hay “Sự nóng ấm lên của trái đất” là mối lo của mọi quốc gia. Ngay từ đầu năm nay, ngày 14/2/2015, các nhà đàm phán Liên Hợp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng đã thông qua kế hoạch chi tiết về chống biến đổi khí hậu, một bước ngoặt biểu tượng trong quá trình đàm phán đầy đủ hướng tới việc ký kết một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm nay.
Mối đe dọa của hiện tượng “Ấm nóng toàn cầu” quả đã thức tĩnh mọi quốc gia trên trái đất. Mối đe dọa này đến với cả những nước chậm phát triển, nghèo nhất ở Châu Phi, nhưng lại là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tại “Diễn đàn Carbon châu Phi” lần thứ 7 vừa diễn ra tuần trước, tại thành phố Marrakech (Morocco), các đại diện của các nước Phi châu đã thông qua “Lời kêu gọi khu vực tăng cường phối hợp chống biến đổi khí hậu”.
Dĩ nhiên, các quốc gia giàu có, những nước phát triển và đang phát triển, các nước lớn hay đông dân lại càng quan tâm hơn đến hiểm họa “Biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các Hiệp hội hạt nhân lên tiếng
Hơn ba chục hiệp hội nghề nghiệp hạt nhân trên toàn thế giới đã ký kết vào bản thông điệp "Hạt nhân cho khí hậu” với lời kêu gọi năng lượng hạt nhân tham gia đóng góp vào việc chống lại “biến đổi khí hậu”.
Đầu tháng 5, vào ngày 4/5/2015, trong Hội nghị Quốc tế về “Các tiến bộ về nhà máy điện hạt nhân” ở Nice (Pháp), đại diện của 39 hiệp hội hạt nhân và các tổ chức kỹ thuật đã ký một tuyên bố chung nêu rõ niềm tin của họ rằng năng lượng hạt nhân "là một phần quan trọng của các giải pháp trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu".
Bằng cách ký vào một bản tuyên bố chung, 39 hiệp hội muốn thể hiện rằng, họ "nhận thức năng lượng hạt nhân là một trong một số ít các phương án khả dĩ giảm bớt các loại năng lượng liên quan phát thải khí nhà kính".
Trong số những người ký tên vào bản tuyên bố có các đại diện của Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc, Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc, Hiệp hội Hạt nhân Úc, Hiệp hội Hạt nhân Canada, Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân Nam Phi và Viện Hạt nhân Anh Quốc.
Trung - Ấn bắt tay vì “Biển đổi khí hậu”
Cũng trong tháng 5/2015 này, gạt lại những bất đồng lớn khác, hai nước đông dân nhất hành tinh đồng thời cũng đang phát thải lượng khí CO2 lớn nhất, Trung Quốc và Ấn Độ, đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cộng tác giữa hai nước và giữa họ với các nước khác nhằm tiến đến ký kết một thỏa thuận khí hậu đầy tham vọng, toàn diện, phổ quát, cân bằng và công bằng ở Paris vào cuối năm nay.
Thủ tướng Modi và Thủ tướng Lý gặp nhau ở Bắc Kinh. (Ảnh: Chinese government) |
Cả hai quốc gia đang tìm kiếm ở năng lượng hạt nhân như là một phương tiện của việc giảm phát thải khí nhà kính của họ. Trung Quốc và Ấn Độ đang chiếm phần lớn các dự án xây dựng lò phản ứng mới. Ngoài 26 lò đã đi vào hoạt động, Trung Quốc hiện có 24 lò phản ứng đang được xây dựng và hơn 40 lò khác trong kế hoạch sẽ xây. Và Ấn Độ có 21 lò phản ứng đang hoạt động, 6 lò đang xây dựng và 35 lò khác nằm trong kế hoạch xây dựng.
Ấn Độ và Trung Quốc "nhận ra rằng sự thay đổi khí hậu và tác dụng phụ của nó là những mối quan tâm chung của nhân loại và là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21”. Hai nước, trong quá khứ, đã từng ký kết một thỏa thuận hợp tác về việc giải quyết biến đổi khí hậu vào năm 2009 và một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác về công nghệ xanh trong năm 2010.
Họ sẽ tiếp tục làm việc với nhau, và với các nước khác, để đạt được một "bản thỏa thuận toàn diện, cân bằng, công bằng và hiệu quả" theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2015.
Tất cả các hoạt động nhộn nhịp trên đây cũng đều nhắm đến kỳ vọng bản Công ước vô cùng quan trọng này sẽ được thông qua ở Hội nghị Thượng đỉnh gồm các nguyên thủ quốc gia thành viên COP-21 tại Paris vào tháng 12 sắp tới.
Để năm 2015 được kết thúc trong niềm vui của mọi dân tộc, mọi quốc gia và toàn nhân loại sống trên Trái Đất này.
Trần Minh