Hội nghị về Hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa Ba lan và Việt nam (Pol-Viet)
- Chủ nhật - 12/11/2017 22:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Truyền thống hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Ba lan và Việt nam có từ nhừng năm 50 thế kỷ trước. Kể từ đó đến nay Việt nam đã gửi sang Ba lan hàng nghìn sinh viên (SV), nghiên cứu sinh (NCS) và thực tập sinh (TTS). Hầu hết các SV, NCS và TTS về Việt nam đã trở thành những cán bộ tốt có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong số những SV, NCS đã được đào tạo ở Ba lan có những cán bộ đã trở thành những người lãnh đạo cao cấp của Việt nam như TS Trần Đức Lương - nguyên chủ tịch nước VN, GS TS Chu Tuấn Nhạ - nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Tài Nguyên, TS Phạm Khôi Nguyên - nguyên bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một trong những cơ sở khoa học của Ba lan có số lượng đào tạo SV và NCS nhiều nhất cho Việt nam đó là Học Viện Mỏ-Luyện kim Kraków, nay là Đại học Khoa học và Công nghệ AGH Kraków (AGH-UST).
Sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học (NCKH) và kinh tế giữa Ba lan và Việt nam luôn được các cấp lãnh đạo hai nước và các cơ sở đào tạo và NCKH quan tâm và giúp đỡ. Sự hợp tác này càng được phát triển một cách sâu rộng và cụ thể bắt đầu từ năm 2014.
Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng Trường AGH-UST GS TSKH Tadeusz Słomka, Hội nghị Hợp tác Khoa học và nghiên cứu giữa Ba lan và Việt nam lần thứ nhất đã được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 6 năm 2014. Đến với Hội nghị có khoảng 40 cán bộ đại diện cho 15 cơ sở nghiên cứu, đào tạo và sản suất từ Việt nam như Trường Đại học Mỏ Địa chất Hà nội, Viên Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Công ty Thép VN v.v..Trong số những đại biểu của VN có 6 đại biểu đang làm việc ở các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Ba lan. Về phía Ba lan có khoảng 50 đại biểu từ nhừng cơ sỏ như Viện Hàn lâm KH Ba lan, Đại học Bách khoa Wrocław, Viện Nghiên cứu Thực phẩm Olsztyn, Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz Poznań, Bách khoa Świętokrzyska, Công ty Luyện kim ReAlloys Gliwice và các Khoa của Đại học AGH –UST. Điều đáng chú ý là tham gia Hội nghị còn có ông Jerzy Miller nguyên chủ tịch tỉnh Małopolska và TS Phan Kiến Thiết Đại sứ của VN tại Ba lan. Ở Hội nghị này 37 báo cáo về các lĩnh vực khai thác thiết kế mỏ, địa chất, địa vật lý, trắc địa, luyện kim, vật liệu công nghệ, vật lý và khoa học xã hội đã được trình bày.
Ảnh lưu niệm tại Pol-Viet 2014, Krakow
Hội nghị về hợp tác trong nghiên cứu khoa học lần thứ hai được tổ chức vào các ngày 5-8 tháng 11 năm 2015 tại Đại học Mỏ-Địa chất Hà nội VN. Đến với Hội nghị có trên 20 cán bộ từ AGH-UST và các cơ sở nghiên cứu khác của Ba lan. Hội nghị đã có đông đảo cán bộ của Đại học Mỏ-Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa hoc và công nghệ VN, trường Đại học Bình dương thành phố HCM. Đến với Hội nghị còn có bà Đại sứ Ba lan tại VN Barbara Szymanowska. Hội nghị có trên 40 bài báo từ các lĩnh vực thiết kế mỏ, khai thác tài nguyên, địa chất, địa vật lý, cơ khí, vật lý và bảo vệ môi trường.
Ảnh lưu niệm tại Pol-Viet 2015, Hà Nội
Nhân dịp hội nghị phái đoàn của AGH-UST đã gặp và trao đổi với các lãnh đạo của trường Đại học Bình dương thành phố HCM về các lĩnh vực đào tạo và NCKH, đặc biệt là lĩnh vực tin học và xã hội.
Ảnh lưu niệm tại Pol-Viet 2016, Hà Nội
Hội ghi Hợp tác trong Khoa học và Nghiên cứu Việt Ba lần thứ III được tổ chức vào ngày 15 đến 20 tháng 11 năm 2016 tại Đại học Mỏ Địa chất Hà nội. Đại hội lần này mang thêm mầu sắc đặc biệt đó là kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Mỏ Địa chất Hà nội. Đại hội có tiêu đề „Các Khoa học về Trái đất và sự Phát triển của Địa tài nguyên”. Đến với Hội nghị lần thứ III ngoài phái đoàn Ba lan ra còn có rất nhiều các phái đoàn từ các nước khác như Liên Bang Nga, Trung quốc, Cộng hòa Liên Bang Đức, Cộng hòa Pháp, Rumani, Nhật bản, Nam Triều tiên, Lào, Cam Pu Chia v.v. Nhân kỷ niệm 50 Thành lập, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã vinh danh các Giáo sư từ nước ngoài có nhiều công lao đối với Trường Mỏ VN. Nhìn chung mỗi phái đoàn nước ngoài chỉ có một người được nhận danh hiệu trên, nhưng phái đoàn Ba lan đã có ba người được vinh danh đó là Hiệu phó GS TSKH Jerzy Lis, GS TSKH Adam Piestrzyński và TSKH Nguyễn Đình Châu GS AGH.
Năm nay Hội nghị Khoa học Ba-Việt lần thứ IV lại được tổ ở AGH-UST từ ngày 20-22 tháng 11. Hội nghị lần này sẽ có 80 báo cáo ở các tiểu ban Địa chất, Địa chất du lịch, Địa vật lý, Khai thác mỏ, Khoan khai thác, Vật lý ứng dụng, Công nghệ vật liệu và Xã hội học. Từ VN đến với Đại hội lần này có khoảng 30 đại biểu từ các Trường Đại học Mỏ Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Trường Đại học Bình Dương, PetroVietnam, Vinacomin và nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất của VN. Về phía Ba lan sẽ có nhiều cơ quan NCKH như Viện Hàn lâm Khoa học Ba lan, Tổng cục Địa chất Ba lan, Đại học Tổng hợp Kraków, Đại học Sư phạm Kraków, Tập Đoàn Than Balan, Công ty Luyện kim mầu ReAlloys và các cán bộ của các Khoa của AGH-UST và nhiều cơ sở nghiên cứu và sản suất khác.
Chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị về hợp tác trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy lần này sẽ mang lại cho các cán bộ Việt nam cũng như Ba lan rất nhiều bổ ích, Hội nghị sẽ giúp các đại biểu đưa ra những hợp đồng nghiên cứu khoa học mới giữa các trường đại học và các cơ sở sản suất, cùng nhau giúp đỡ và giải quyết những vấn đề mang tính thời sự như công nghệ nano, triệt để áp dụng tin học trong các khâu thiết kế, phân tích tài liệu, phục vụ sản suất tiến tới Cách mạng Công nghiệp 4.0.