Hội thảo về các bước đột phá của khoa học cơ bản

Hội thảo về các bước đột phá của khoa học cơ bản
Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond), được sáng lập từ năm 1966 bởi giáo sư Trần Thanh Vân.
Hội thảo về các bước đột phá của khoa học cơ bản
GS Trịnh Xuân Thuận (trái) và GS Kurt Wuthrich trò chuyện với GS Trần Thanh Vân (giữa) khi vừa đến Quy Nhơn sáng 6-7 - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
""

 

Trong hai ngày 7 và 8-7, hơn 300 đại biểu gồm các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới; sáu giáo sư đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, hòa bình và kinh tế; các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý khoa học của quốc tế, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương, tập đoàn quốc tế thảo luận về bảy chủ đề liên quan đến các ngành khoa học cơ bản tại hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định.

Theo giáo sư Trần Thanh Vân - chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, mong muốn của các nhà khoa học là qua hội thảo này các nhà lãnh đạo sẽ nhìn thấy tầm quan trọng của khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng. Bởi ở các nước, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, chỉ tập trung hướng đến nghiên cứu khoa học ứng dụng mà quên đi khoa học cơ bản. “Nếu bỏ qua khoa học cơ bản sẽ mãi mãi tụt hậu vì không làm chủ được khoa học công nghệ”, giáo sư Vân khẳng định.

Theo ban tổ chức, vấn đề sẽ được nhấn mạnh ở hội thảo lần này là khoa học cơ bản với các bước đột phá, đã biến đổi thế giới chúng ta đang sống ra sao. Hội thảo cũng sẽ tạo cơ hội để các nhà khoa học tương tác, trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và các đại diện của khu vực 
kinh tế tư nhân, về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội.

Tại hội thảo sẽ có các chủ đề quan trọng: giáo sư Kurt Wuthrich, Nobel hóa học năm 2002, báo cáo đề dẫn về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với các nước mới nổi. Giáo sư Lars Brink, nguyên chủ tịch Hội đồng Nobel ngành vật lý, chủ trì thảo luận bàn tròn cùng chủ đề. Giáo sư Jean Jouzel, phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc, giải Nobel hòa bình 2007, báo cáo và chủ trì thảo luận vấn đề nghiên cứu cơ bản liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu. GS Carlo Rubbia, Nobel vật lý năm 1984, trình bày báo cáo đề dẫn cùng chủ đề. Giáo sư Jean Audouze báo cáo đề dẫn chủ đề khoa học cơ bản đối với sự phát triển giáo dục toàn cầu.

Ngoài vật lý, các chủ đề được mở rộng sang liên ngành khác như toán, tin, hóa, sinh, kinh tế và tài chính...

Dự kiến lập Viện nghiên cứu quốc tế xuất sắc Việt Nam

Trong khuôn khổ hội thảo, chiều 7-7 sẽ có buổi làm việc riêng giữa giáo sư David Gross (Nobel vật lý năm 2004), giáo sư Jerome Friedman (Nobel vật lý năm 1990) và Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh, Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ GD-ĐT) về dự án thành lập Viện nghiên cứu quốc tế xuất sắc Việt Nam tại Bình Định.

Theo ông Trần Thanh Sơn - phó giám đốc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE, Viện nghiên cứu quốc tế xuất sắc Việt Nam được thành lập nhằm tận dụng nguồn chất xám của các nhà khoa học quốc tế hằng năm đến Quy Nhơn làm việc.

Viện sẽ do giáo sư David Gross và Jerome Friedman đỡ đầu.

Tuy nhiên, để thành lập và hoạt động, viện cần các chính sách, môi trường và cơ chế tốt để mời gọi các nhà khoa học quốc tế đến làm việc, cũng như cần được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ về cơ sở vật chất.

 

Tác giả bài viết: HỒNG NHUNG

Nguồn tin: tuoitreonline