Hơn 100 tổ chức Việt Nam tham gia “Chân trời 2020” của EU

Hơn 100 tổ chức Việt Nam tham gia “Chân trời 2020” của EU

Bàn chủ tọa sự kiện Những ngày KHCN và Đổi mới 
sáng tạo ASEAN-EU 2016. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
 Từ ngày 10-12/5, “Những ngày KHCN và Đổi mới Liên minh châu Âu và ASEAN” diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 13/5, Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức gặp gỡ báo chí với ông Kostas Glinos, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng vụ Nghiên cứu và Đổi mới (Ủy ban châu Âu).

Tại buổi gặp gỡ, ông Kostas Glinos, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng vụ Nghiên cứu và Đổi mới (Ủy ban châu Âu), cho biết sự kiện “Những ngày Khoa học Công nghệ và Đổi mới Liên minh châu Âu và ASEAN” lần này nhằm thúc đẩy khoa học, kỹ thuật công nghệ và đổi mới giữa Liên minh châu Âu và ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận về hợp tác nghiên cứu và đổi mới giữa các đối tác châu Âu và ASEAN cũng như đề cập đến chính sách đổi mới, những thách thức toàn cầu, khu vực bao gồm cả cuộc chiến chống vi trùng và quản lý các nguồn nước.

Ông Kostas Glinos nhấn mạnh Liên minh châu Âu là một trong những đối tác lớn nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới. Liên minh châu Âu luôn coi nghiên cứu và đổi mới là cốt lõi của phát triển bền vững và thịnh vượng.

Do đó, trong thời gian qua, chương trình nghiên cứu và đổi mới của Liên minh châu Âu có tên là “Chân trời 2020” với 80 tỷ euro được hỗ trợ thông qua chương trình “Chân trời 2020” cho tất cả các nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới.

Hiện tại có khoảng hơn 100 tổ chức, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam đã và đang tham gia. Một số dự án điển hình như: bảo tồn đa dạng sinh học; xử lý các chất thải sinh học; giảm nghèo. Đây là các dự án mà các tổ chức của Việt Nam liên kết với các công ty của Liên minh châu Âu.

Ông Kostas Glinos cho biết Liên minh châu Âu đại diện hơn 28% sáng chế hàng năm và 45% khám phá khoa học quốc tế của thế giới.

Ngoài ra, khoản đầu tư này cho thấy châu Âu tiếp tục tiên phong trong khoa học và công nghệ dựa trên hợp tác quốc tế như là một trong những động lực chủ chốt của thành công, mở cửa đổi mới và mở cửa khoa học.

Những thách thức toàn cầu liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, hệ thống kỹ thuật số cần sự hỗ trợ của châu Âu và sự hợp tác của các đối tác quốc tế.

Chia sẻ về lĩnh vực ưu tiên hợp tác với Việt Nam, ông Kostas Glinos cho biết tất cả các lĩnh vực đều khuyến khích hợp tác nhưng Liên minh châu Âu đặc biệt quan tâm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nuôi trồng thủy sản, quản lý thủy lợi.

Ông Kostas Glinos cũng khẳng định, hợp tác về khoa học và công nghệ với Việt Nam là lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng.

Nhân dịp này, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet, phát biểu nghiên cứu và đổi mới là chìa khóa của mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam.

Việt Nam đã chứng tỏ được sự ưu việt trong những lĩnh vực mà Liên minh châu Âu coi trọng. Bằng việc hợp tác, hai bên có thể giải quyết những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/hon-100-to-chuc-viet-nam-tham-gia-chan-troi-2020-cua-eu/385882.vnp