Lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột thành công

Lần đầu tiên Việt Nam ghép ruột thành công
Hai bệnh nhân nam bị viêm phúc mạc phải cắt bỏ ruột khối lượng lớn, được các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 ghép ruột thành công.

Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y sáng 31/10 cho biết đây là hai ca ghép ruột trên người từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam. Với thành công này, Việt Nam ghi danh là một trong 22 nước trên thế giới thực hiện kỹ thuật ghép ruột.

Đến nay, thế giới đã thực hiện được thành công khoảng 1.000 ca ghép ruột.

Bệnh nhân Việt đầu tiên là nam, 26 tuổi. Đầu tháng 9, anh bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non, được bệnh viện ở Lai Châu phẫu thuật cấp cứu cắt gần như hoàn toàn ruột non. Chiều dài ruột non còn lại của bệnh nhân chỉ gần 20 cm trong khi ruột non của người bình thường dài trung bình khoảng 6 m.

Ngày 29/9, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103 với chẩn đoán suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3. Anh được điều trị tích cực, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng gan chuyển hóa liên quan hội chứng suy chức năng ruột.

Các bác sĩ thực hiện ghép ruột non cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
 

Các bác sĩ thực hiện ghép ruột non cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân thứ hai cũng là nam, 42 tuổi, từng 5 lần phẫu thuật ổ bụng vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột. Anh đã cắt khối lượng lớn ruột, chiều dài ruột non còn lại khoảng 80 cm, vào tháng 5/2007.

Ngày 2/5, anh điều trị ở Bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Bệnh nhân được nuôi dưỡng tích cực qua đường tĩnh mạch và điều chỉnh các rối loạn do suy chức năng ruột gây ra.

Các bác sĩ quân y hội chẩn nhiều chuyên gia trong nước, xác định ghép ruột là hy vọng cuối của cả hai bệnh nhân.

Trung tướng Quyết cho biết ruột của hai bệnh nhân này đã mất hoàn toàn chức năng tiêu hóa, phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch.

"Nếu không được ghép ruột, họ sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nuôi dưỡng tĩnh mạch như nhiễm trùng, tổn thương gan, suy mòn suy kiệt, tử vong bất cứ lúc nào", ông Quyết nói.

Việc phẫu thuật ghép ruột sẽ giúp bệnh nhân phục hồi chức năng tiêu hóa của ruột. Từ đó, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Học viện Quân y tiến hành ca ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103. Ngày 27/10, gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Tohoku (Nhật Bản), thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân đầu tiên. Người hiến ruột là mẹ đẻ của bệnh nhân.

Hôm sau, ê kíp tiếp tục thực hiện thành công ca ghép ruột cho bệnh nhân thứ hai. Người hiến ruột là em trai của bệnh nhân.

Bệnh nhân ghép ruột được theo dõi tích cực sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân ghép ruột được theo dõi tích cực sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Sau mổ, cả hai người hiến ruột đều ổn định. Hai bệnh nhân ghép ruột đang được theo dõi, các chỉ số sinh tồn đều ổn định.

Trung tướng Quyết cho biết khó khăn nhất trong ghép ruột là nối động mạch, tĩnh mạch để nuôi dưỡng ruột ghép. Quá trình thuốc chống thải ghép và chống nhiễm trùng cũng khó hơn ghép tạng khác. Khi ca mổ thành công, chăm sóc hậu phẫu với hai bệnh nhân cũng là một thử thách lớn. Các nguy cơ có thể đối mặt là nhiễm trùng, thải ghép.

Ở Nhật Bản, tỷ lệ bệnh nhân ghép ruột sống thêm 5 năm là khoảng 80% và sống từ 10 năm trở lên là 60%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá Học viện Quân y là cơ sở hàng đầu của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học.

"Tôi chúc mừng những thành tựu mà Học viện cùng bệnh viện đã đạt được. Đây là mốc son đánh dấu bước tiến trong khoa học của ngành y", Thứ trưởng Thuấn nói.

Tác giả bài viết: Lê Nga