Lo ngại xuất hiện 'siêu biến chủng' nCoV
- Thứ năm - 25/11/2021 23:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hàng tuần, một nhóm chuyên gia dịch tễ trên khắp phía đông bắc Mỹ lại họp qua Zoom để thảo luận những phát hiện mới nhất về các chủng nCoV mới trên toàn thế giới.
"Nó giống như báo cáo thời tiết", William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, nói. "Chúng tôi từng nói về Gamma hay Alpha, nhưng giờ chỉ Delta thôi".
Kể từ khi lần đầu phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, chủng Delta hiện chiếm tới 99,5% giải trình tự gene nCoV toàn cầu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dù các chủng mới tiếp tục xuất hiện, như AY.4.2 (còn gọi là Delta Plus) ở Anh, chúng gần như giống hệt với Delta, ngoài một số đột biến nhỏ. Hanage xem chúng là "hậu duệ" của Delta.
Nhưng lý do Hanage và đồng nghiệp vẫn quét các cơ sở dữ liệu như Pangolin và Nextstrain, cũng như trao đổi qua Zoom mỗi tuần, là để tìm hiểu về những điều có thể xảy ra trong tương lai. Câu hỏi họ quan tâm là liệu Delta có phải biến chủng nCoV cuối cùng hay không.Các nhà khoa học phương Tây tuần này bày tỏ lo ngại khi biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Giới chuyên gia nêu ra các kịch bản về biến chủng nCoV. Một khả năng là sau khi có những bước nhảy vọt về di truyền làm phát sinh các chủng mới như Alpha, Delta, nCoV sẽ đột biến chậm, đều đặn và có thể né các loại vaccine hiện tại, nhưng phải mất rất nhiều năm.
"Tôi đoán loại tiến hóa mà chúng ta sẽ thấy là trôi kháng nguyên, trong đó virus dần biến đổi để thoát hệ thống miễn dịch", Francois Balloux, giám đốc Viện Di truyền học UCL. Ông cho biết đối với virus cúm và các virus corona mà giới khoa học đã hiểu rõ, quá trình này phải mất khoảng 10 năm.
Một khả năng khác là xuất hiện chủng hoàn toàn mới có khả năng truyền nhiễm nhanh, nguy hiểm và né miễn dịch. Ravi Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, gọi những chủng như vậy là "siêu biến thể" và tin 80% sẽ xuất hiện chủng mới.
"Chúng ta đang có 'đại dịch Delta'. Chủng mới Delta Plus tương đối mờ nhạt so với loại mà tôi đang nghĩ đến. Có hai đột biến của chủng Delta, nhưng tôi không nghĩ chúng đáng lo ngại và không gây bùng phát lớn ở nhiều nước. Nhưng điều không thể tránh khỏi là sẽ có một biến thể đáng chú ý khác xuất hiện trong hai năm tới. Nó sẽ cạnh tranh và có thể đánh bại Delta", Gupta nói.
Trong nửa cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học bắt đầu quan sát những dấu hiệu của hiện tượng đáng lo ngại gọi là tái tổ hợp virus, trong đó nhiều phiên bản khác nhau của nCoV sẽ trao đổi đột biến và kết hợp tạo thành chủng hoàn toàn mới.
Gupta nói rằng hiện tượng này không phổ biến, nhưng vẫn có thể trở thành một nguồn khả thi dẫn tới xuất hiện siêu biến thể mới, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ lớn dân số chưa tiêm chủng. "Hiện Delta là chủng trội nên ít có khả năng này. Nhưng ở nhiều nơi trên hành tinh mà chúng tôi chưa lấy mẫu, không biết chuyện gì đang diễn ra. Do đó, đây là một khả năng thực tế", ông nói.
Khả năng thứ hai là xuất hiện các đột biến lớn để tạo ra phiên bản nâng cao của Delta. "Delta có khả năng đột biến lớn trong tương lai, khi những chủng mới gần đây đều là các phiên bản của nó", Gideon Schreiber, giáo sư khoa học sinh học phân tử tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel, nói.
Trong những tuần gần đây, xuất hiện những lo ngại rằng việc sử dụng thuốc kháng virus mới, đặc biệt là molnupiravir của Merck, có thể khiến nCoV tiến hóa. Molnupiravir hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng tái tạo của virus, đưa các đột biến vào bộ gene của virus cho đến khi nó không thể nhân lên được nữa. Một số nhà virus học cho rằng nếu bất kỳ đột biến virus nào trong số này "sống sót", về mặt lý thuyết, nó có thể thúc đẩy sự gia tăng biến chủng mới.
Một số người cho rằng khả năng này đáng quan tâm, nhưng không phải vì thế mà không sử dụng loại thuốc có khả năng cứu sống các ca bệnh nặng.
Gupta nói vấn đề lớn hơn và có thể dẫn tới siêu biến chủng là tỷ lệ lây nhiễm cao ở các nước như Anh, do Delta vẫn có khả năng lây lan ở những người đã tiêm chủng. "Càng có nhiều ca nhiễm mỗi ngày, càng dễ xảy ra khả năng một người bị nhiễm virus và các tế bào T của họ không đủ mạnh để bảo vệ", ông nói, thêm rằng điều này dẫn tới nguy cơ virus học được cách né miễn dịch và tiếp tục lây lan.
Hồi đầu năm nay, Gupta đăng một bài viết cho thấy quá trình này có thể xảy ra ở những bệnh nhân nặng đã dùng huyết tương giai đoạn phục hồi (huyết tương từ người từng mắc Covid-19) chứa kháng thể tiêu diệt virus. Bởi hệ miễn dịch của họ không thể loại bỏ virus, virus đã học cách đột biến trước các kháng thể đó. Nhiều người suy đoán rằng sử dụng rộng rãi huyết tương này trong giai đoạn đầu dịch bùng phát là nguyên nhân thúc đẩy biến chủng xuất hiện.
"Chúng tôi không chắc, nhưng rất nhiều huyết tương đã được sử dụng và nó có thể là một trong những yếu tố dẫn đến xuất hiện biến chủng", ông nói. "Nó được sử dụng rất nhiều ở Brazil, Ấn Độ, Anh và Mỹ, tất cả những nơi phát hiện biến chủng mới".
Các nhà dịch tễ học đang nỗ lực xây dựng mô hình về những siêu biến chủng mới. Cho đến nay, những biến đổi lớn nhất của nCoV đã giúp nó tăng cường khả năng lây nhiễm.
Hanage giải thích một trong những lý do khiến Delta trở thành chủng trội nguy hiểm là bởi chúng sinh sôi cực nhanh trong tế bào người, trước khi hệ miễn dịch kịp khởi động. Kết quả là người nhiễm Delta mang tải lượng virus trong mũi nhiều gấp 1.200 lần so với các chủng ban đầu và phát triển triệu chứng sớm hơn 2-3 ngày.
Giới chuyên gia cho rằng đây là kết quả của chọn lọc tự nhiên. nCoV có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng phiên bản có thể tồn tại và trở thành chủng trội là những loại có khả năng lây nhiễm cho người mới. Tuy nhiên, ở những nước như Anh, nơi tỷ lệ người chưa tiêm chủng đang giảm dần, điều này có thể thay đổi. Các chủng né được kháng thể có khả năng chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, các chuyên gia không bi quan về tình hình sắp tới. Với các loại vaccine Covid-19 được phát triển để ngăn virus đột biến, các nhà dịch tễ học cho rằng không siêu biến thể mới nào có thể khiến vaccine trở nên hoàn toàn vô dụng và dẫn tới đợt bùng phát lớn nghiêm trọng.
Ngoài ra, thế hệ vaccine thứ hai cũng đang được phát triển. Nhà phát triển Novavax hy vọng vaccine của họ được cấp phép sử dụng trong vài tháng tới, trong khi nhiều loại vaccine sẽ xuất hiện trên thị trường từ nay đến 2023.
Theo Karin Jooss, phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty dược Gritstone ở Mỹ, nơi đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một vaccine thế hệ thứ hai, nhiều công ty đang giải mã tất cả chủng nCoV hiện có để tạo ra các phản ứng kháng thể trung hòa chống virus.
Nhưng các chuyên gia dịch tễ tin rằng chỉ dựa vào vaccine là không đủ. Gupta nói ngay cả khi tìm cách sống chung với Covid-19, Anh cũng nên duy trì một số biện pháp hạn chế để ngăn virus lây lan và giảm cơ hội virus đột biến.
"Chúng ta không nên đến những nơi đông người, các tòa nhà mà không đeo khẩu trang", Gupta nói. "Những biến thể mà chúng ta có đều xuất hiện ở những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao và không được kiểm soát như Anh, Ấn Độ và Brazil. Có lý do để chúng ta không thấy biến chủng mới xuất hiện ở các nước như Singapore hay Hàn Quốc".