MERS khó có khả năng bùng phát thành đại dịch

MERS khó có khả năng bùng phát thành đại dịch
Bùi Thu Trang dịch theo Nature và WHO

Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho học sinh một trường
tiểu học ở Pyeongtaek, cách Seoul 65km,hôm
15/6/2015 khi trường mở cửa trở lại sau
một thời gian đóng cửa tạm thời do dịch bệnh
Theo các chuyên gia, chúng ta có những lý do để tin rằng MERS sẽ không bùng phát thành đại dịch. Tuy nhiên, các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai vẫn được thực hiện ráo riết ở Hàn Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện cách đây một tháng.

Tính đến ngày 15/6 vừa qua, theo công bố chính thức, tại Hàn Quốc đã có 150 ca nhiễm bệnh và 15 ca tử vong do nhiễm virus MERS-CoV. Kể từ khi trường hợp nhiễm virus đầu tiên được phát hiện ngày 20/5 năm nay, dịch bệnh này lây lan nhanh chóng trong các bệnh viện. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày hiện đang có dấu hiệu giảm xuống, cho thấy tốc độ lây lan của dịch chậm lại. Điều này phần nào chứng tỏ rằng các biện pháp khống chế dịch tại chỗ đã có hiệu quả, dẫu vẫn còn sớm để đánh giá đầy đủ tác động của các biện pháp này.

Bài viết này nhằm đưa ra những khó khăn trong việc phát hiện và kiểm soát dịch bệnh tại Hàn Quốc, đặc điểm dịch, cũng như những biện pháp được khuyến nghị để khống chế dịch.

Những thách thức trong việc chẩn đoán ban đầu

MERS-CoV rất khó chẩn đoán, đặc biệt là trong thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh, bởi lúc này nhận thức về dịch vẫn ở mức tương đối thấp. Trong lần đầu tiên đi khám, bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên tại Hàn Quốc đã không thông báo rằng anh mới ở Trung Đông về, do đó các bác sĩ không nghi ngờ anh nhiễm MERS, và phải một tuần sau đó bệnh nhân mới bị cách ly. Ngoài ra, các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng tương tự như các chứng cảm cúm thông thường khác, nên càng khó phát hiện hay nghi ngờ bệnh nhân nhiễm MERS. 

 

Để có thể lây lan ở cấp độ đại dịch, virus phải có khả năng lây truyền dễ dàng giữa người với người, nhưng MERS-CoV lại chủ yếu là virus lây truyền trong động vật. Virus này thi thoảng lây từ người sang người như tình hình ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng chúng chỉ lây lan trong môi trường bệnh viện, hoặc ở quy mô hẹp hơn là trong các gia đình có bệnh nhân mắc virus và các thành viên khác gần gũi để chăm sóc bệnh nhân.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, đường hô hấp trên của bệnh nhân bị nhiễm trước tiên nên càng khó phát hiện ra virus. Kết quả chẩn đoán sẽ chính xác hơn nếu lấy được mẫu bệnh phẩm ở đường hô hấp dưới, tuy nhiên tới lúc này thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn sau, khi bệnh nhân phải nhập viện. Hơn nữa, các mẫu bệnh phẩm ở đường hô hấp trên (ví dụ: nước mũi) đôi khi có kết quả âm tính với bệnh, còn các mẫu bệnh phẩm ở đường hô hấp dưới, vốn khó lấy hơn, lại thường cho kết quả dương tính. Hiện Hàn Quốc đang tiến hành kiểm tra lại các trường hợp có triệu chứng của bệnh nhưng có kết quả kiểm tra âm tính.

Một xu hướng chung giữa dịch bệnh này và các dịch bệnh khác là, xuất phát từ những nhầm lẫn trong việc chẩn đoán bệnh nên không kịp thời cách ly bệnh nhân, cộng với thói quen giới thiệu bệnh nhân tới các cơ sở y tế khác để kiểm tra thêm, nên từ một ca nhiễm bệnh đầu tiên, dịch có thể lây lan rất nhanh chóng. 

Đặc điểm dịch bệnh MERS ở Hàn Quốc

Điều kiện sống và phong tục tập quán ở Hàn Quốc cũng có thể là một tác nhân giúp dịch bệnh phát tán nhanh như hiện nay. Với điều kiện sống của người Hàn và mạng lưới chăm sóc sức khỏe dày đặc ở đất nước này, người dân Hàn Quốc có thói quen tới thăm khám tại nhiều địa điểm y tế khác nhau trước khi ra quyết định cuối cùng.

Hơn nữa, người dân Hàn Quốc còn có thói quen tới thăm họ hàng hoặc bạn bè nằm viện. Các thành viên trong gia đình cũng hay túc trực tại giường bệnh nhân để có thể chăm sóc bệnh nhân 24/24, chính vì thế càng làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh trong các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, chúng ta có những lý do sau đây để tin rằng MERS sẽ không bùng phát thành đại dịch:

1.    MERS không phải là virus lây từ người sang người

Để có thể lây lan ở cấp độ đại dịch, virus phải có khả năng lây truyền dễ dàng giữa người với người, nhưng MERS-CoV, loại virus được phát hiện lần đầu ở Saudi Arabia năm 2012, lại chủ yếu là virus lây truyền trong động vật. Có giả thiết cho rằng virus này xuất nguồn từ loài dơi, và thỉnh thoảng lây sang người qua các loài động vật trung gian, có thể là lạc đà. Virus này thi thoảng lây từ người sang người như tình hình ở Hàn Quốc hiện nay, nhưng chúng chỉ lây lan trong môi trường bệnh viện, hoặc ở quy mô hẹp hơn là trong các gia đình có bệnh nhân mắc virus và các thành viên khác gần gũi để chăm sóc bệnh nhân. Bệnh nhân nhiễm virus MERS-CoV đầu tiên ở Hàn Quốc là một cụ già 68 tuổi, trở về Seoul ngày 4/5 vừa qua sau một chuyến du lịch tới bốn quốc gia Trung Đông. Trước khi được chẩn đoán nhiễm MERS-CoV, bệnh nhân đã lây virus sang cho người thân trong gia đình, các nhân viên y tế và bệnh nhân tại bốn cơ sở y tế mà ông đã tới điều trị. Để trở thành đại dịch, virus MERS-CoV cần phải biến đổi để có thể lây truyền dễ dàng hơn từ người sang người trong một môi trường rộng hơn, nhưng những thông tin về dịch tễ học hiện nay cho thấy không có gì bất thường ở đợt bùng phát dịch này ở Hàn Quốc.

2.    MERS chủ yếu lây lan trong bệnh viện

Tuy không được coi là virus gây bệnh trên người, nhưng MERS-CoV lại hoạt động tương tự như loại virus này khi ở trong một môi trường cụ thể là bệnh viện. Tại đây, các quy trình điều trị đối với bệnh nhân chưa được chẩn đoán nhiễm virus – chẳng hạn trợ thở - có thể đưa sol khí [chất lơ lửng phân tán trong không khí với kích thước dạng keo và tương đối bền, khó lắng] từ phổi phát tán ra ngoài, khiến virus lây truyền sang những người xung quanh. Ở môi trường khác, virus MERS-CoV vốn đi sâu vào các khu vực khác trong phổi nên không dễ bay ra ngoài khi bệnh nhân ho. Trong đợt bùng phát dịch lần này ở Hàn Quốc, người bệnh phát triển các triệu chứng giống cảm cúm và bị ho vào ngày 11/5, nhưng người ta chỉ phát hiện ra bệnh và tiến hành cách ly bệnh nhân vào ngày 20/5. Trong khoảng thời gian này, không có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm nào được áp dụng, nên bệnh nhân đã truyền virus sang cho người khác. Việc bệnh nhân tới thăm khám ở bốn cơ sở y tế khác nhau cũng làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm.

3.    Hàn Quốc đang xử lý dịch rất tốt

Vì khả năng lây nhiễm từ người sang người rất hạn chế, nên có thể kiểm soát virus MERS-CoV bằng các biện pháp bảo đảm sức khỏe y tế cộng đồng, và Hàn Quốc đang rất tích cực thực hiện các biện pháp này. Các nhà chức trách Hàn Quốc đã và đang ráo riết triển khai việc tìm kiếm những đối tượng tiếp xúc với người nhiễm bệnh và theo dõi họ trong 14 ngày – khoảng thời gian ủ bệnh tối đa của virus này. Bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm bệnh đều được cách ly. Tính đến nay, tất cả các ca mới mắc bệnh đều nằm trong danh sách những người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh, do đó chúng ta càng có lý do để tin rằng bệnh dịch đang được kiểm soát tốt. 

4.    MERS không phải là SARS


Liệu MERS-CoV có tiến hóa để gây ra đại dịch như SARS không? Không thể loại trừ khả năng đó. Nhưng kết quả nghiên cứu [bộ gene virus] không cho thấy điều gì bất thường trong đợt bùng phát dịch MERS hiện nay ở Hàn Quốc.
Dịch MERS có thể khiến nhiều người liên tưởng tới đại dịch SARS từng quét qua nhiều quốc gia trên thế giới vào năm 2003. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa SARS và MERS: chủng coronavirus gây ra đại dịch SARS đã tiến hóa để có thể lây lan từ người sang người nhanh hơn, còn virus MERS-CoV thì ngược lại. Liệu MERS-CoV có tiến hóa để gây ra đại dịch như SARS không? Virus là loài khó đoán trước, nên không thể loại trừ khả năng đó, nhưng nếu khả năng đó tồn tại, thì cũng có thể tránh được. Khi dịch bệnh bùng phát, các nhà khoa học sẽ tiến hành giải trình bộ gene virus để tìm hiểu xem có sự biến đổi nào không. Nhưng kết quả nghiên cứu không cho thấy điều gì bất thường trong đợt bùng phát dịch MERS hiện nay ở Hàn Quốc, nên thiết nghĩ cũng không cần phải quá lo lắng.

5.    Quy mô dịch bệnh nhỏ

Hàn Quốc có thể là địa điểm bùng phát dịch lớn nhất bên ngoài khu vực Trung Đông, song quy mô của nó không lớn. Đợt bùng phát dịch bệnh ở Jeddah, Saudi Arabia, vào mùa xuân năm 2014 khiến 255 người nhiễm bệnh; và đợt bùng phát bệnh trong một bệnh viện ở Al-Hasa, miền đông Saudi Arabia năm 2013 khiến 23 người nhiễm bệnh, 11 người nghi nhiễm. Tính đến nay, ở Saudi Arabia đã có hàng chục đợt bùng phát bệnh trong các bệnh viện, và các nhà chức trách y tế địa phương đã khoanh vùng lực lượng nhân viên y tế ở đó để kiểm soát việc lây nhiễm bệnh. Số ca nhiễm virus ở Hàn Quốc có thể cũng sẽ tăng lên, bởi các nhà chức trách ở đây đã thực hiện kiểm tra toàn diện đối với các trường hợp tiếp xúc với virus, và có thể họ sẽ phát hiện ra một số ca nhiễm bệnh nhẹ, không được phát hiện trong các đợt bùng phát bệnh trước đây ở các bệnh viện.

Các biện pháp kiểm soát dịch MERS

WHO và Hàn Quốc đã thực hiện một dự án chung nhằm đánh giá các đặc điểm dịch tễ học của virus MERS-CoV ở Hàn Quốc cũng như các đặc điểm của loại virus này và các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Dự án cũng đánh giá về kết quả của các biện pháp chăm sóc sức khỏe y tế công cộng kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện. 

Ban thực hiện dự án đã công bố các phát hiện của mình vào ngày 13/6 vừa qua. Các kiến nghị trong đó được xếp thành ba lĩnh vực hành động chính như sau:

•    Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus: Xác định sớm và điều tra đầy đủ về tất cả các trường hợp tiếp xúc với virus; cách ly và theo dõi sát sao tất cả các trường hợp tiếp xúc với virus hoặc nghi nhiễm virus; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch; kiểm soát việc đi lại – đặc biệt là ra nước ngoài – của các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc những người từng tiếp xúc với virus. Các chuyên gia còn đề xuất lựa chọn một số bệnh viện để thực hiện phân loại và đánh giá các ca nghi nhiễm MERS. Điều này sẽ giúp bảo vệ các nhân viên chăm sóc sức khỏe, đồng thời giảm thiểu khả năng làm gián đoạn hoạt động chăm sóc sức khỏe thông thường do tâm lý người dân muốn tránh lui tới các địa điểm chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm MERS. 

•    Thường xuyên cung cấp thông tin cho công chúng: Để bảo đảm người dân nắm được thông tin đầy đủ về tình hình diễn biến dịch bệnh, các chuyên gia đề xuất cung cấp thông tin đều đặn bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Các thông tin cần bao gồm thông tin về tiến triển của dịch bệnh, và các biện pháp cần làm khi nghi nhiễm bệnh cũng như các biện pháp cần tránh để không mắc bệnh. Nên tận dụng tối đa các kênh truyền thông được nhiều người sử dụng như TV và mạng xã hội để thông tin được lan tỏa. Cần huy động các chính quyền địa phương vào cuộc chiến toàn quốc chống lại dịch bệnh phức tạp và lan rộng này.

•    Chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai: Các chuyên gia đề xuất Hàn Quốc tăng cường củng cố các cơ sở y tế để có thể xử lý được những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, cụ thể: nâng cao số lượng phòng cách ly áp lực âm; nghiên cứu các cách giúp làm giảm thói quen đi khám nhiều nơi của người dân Hàn Quốc; đào tạo thêm nhiều chuyên gia ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, các nhà khoa học phòng thí nghiệm lâm sàng, các nhà dịch tễ học, và các chuyên gia truyền thông; đầu tư củng cố năng lực chăm sóc sức khỏe và năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực này. Đợt bùng phát bệnh này cũng tạo cơ hội để Hàn Quốc đầu tư hơn vào các nghiên cứu toàn diện nhằm lấp đầy lỗ hổng về kiến thức dịch bệnh như các nghiên cứu dịch tễ học huyết thanh.

 

Nguồn:http://www.nature.com/news/south-korean-mers-outbreak-is-not-a-global-threat-1.17709

http://www.who.int/csr/disease/coronavirus_infections/situation-assessment/update-15-06-2015/en/

Nguồn tin: Tia Sáng