Máy bay tự chế thứ hai của "hai lúa" Bình Dương đã cất cánh
- Thứ ba - 13/09/2016 17:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 12.9, "hai lúa" Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã chính thức công bố chiếc máy bay tự chế thứ hai mang tên "Giấc mơ" với khả năng bay khá ổn định ở độ cao thử nghiệm khoảng 2m. Trên đuôi máy bay, ông Hiển không quên đề dòng chữ "Bùi Hiển" để khẳng định thương hiệu của "đứa con" mình "sinh" ra.
Ông Bùi Hiển là nhân vật được nhiều người biết đến với sáng chế máy bay trực thăng Bùi Hiển 1. Sau thành công của chiếc máy bay này, ông Hiển đã ngay lập tức bắt tay vào chế tạo chiếc máy bay mới, bổ sung những công nghệ hiện đại và cải tiến những điểm còn hạn chế trên chiếc máy bay đầu tiên.
Ông Hiển bên cạnh chiếc máy bay mang tên "Giấc mơ".
Theo chia sẻ của "cha đẻ" chiếc máy bay mang tên "Giấc mơ", sản phẩm này có trọng lượng 390kg, chưa tính thùng nhiên liệu nặng 15kg và trọng lượng của phi công. Với động cơ hiện tại, thực tế máy bay có khả năng nâng tới 600kg, nhưng tổng trọng lượng nói trên hiện chỉ mới hơn 450kg.
"Mặc dù máy bay có thể bay ở vận tốc 200km/h nhưng trong thời gian thử nghiệm, tôi chỉ bay thử ở độ cao 2m với vận tốc khoảng 40 - 50km/h. Điều tôi ấn tượng ở chiếc máy bay này là nó bay rất ổn định", ông Hiển chia sẻ.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên ông Hiển đưa chiếc máy bay "Giấc mơ"vào thử nghiệm. Ở những lần trước đây, máy bay có thể bay ở độ cao khoảng 25cm so với mặt đất.
"Những đợt bay trước, tay tôi còn cứng lắm, phải gồng thật chặt và không dám kéo ga lên cao. Bây giờ thì tuyệt vời rồi, muốn bay cao cỡ nào cũng được", ông Hiển tự hào nói.
Mặc dù vậy, theo ông Hiển, để tạo nên một chiếc máy bay trực thăng đúng nghĩa thì mọi thành phần đều phải được xử lý kỹ lưỡng. Trong đó, cánh quạt, động cơ chính, đĩa điều khiển và động cơ đuôi,... là những yếu tố quan trọng. Song, đĩa điều khiển và động cơ đuôi trên "Giấc mơ" chưa đạt yêu cầu mà ông đề ra, riêng cánh máy bay còn khá nặng so với tiêu chuẩn. Do đó, độ cao 2m là mục tiêu tạm chấp nhận được ở "đứa con" này.
Ông đã âm thầm tập bay trong 6 tháng trước khi công bố "Giấc mơ" với giới truyền thông.
Đặc biệt, để có được những thước phim giá trị về quá trình bay thử máy bay"Giấc mơ", ông Hiển đã dành 6 tháng tập bay với khoảng 30 phút/ngày. Trong tương lai, nếu được cơ quan chức năng cho phép nhập động cơ và đĩa điều khiển từ các công ty chuyên sản xuất linh, phụ kiện cho ngành hàng không, ông Hiển hứa hẹn sẽ tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh hơn.
Ông Hiển cho biết, trong quá trình bay thử "Giấc mơ", ông đã bị cơ quan chức năng lập biên bản ít nhất một lần. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình, ông vẫn tiếp tục dành nhiều tháng liền âm thầm tập luyện mà không công bố với giới truyền thông. Theo đó, trong 6 tháng liền, cứ khoảng 7 giờ sáng, ông lại có mặt ở bãi tập để kiểm tra trang thiết bị, tra nhớt, sau đó bay thử khoảng 10 phút/lần, kéo dài tới 8h30 cùng ngày.
"Máy bay giờ bay êm, mượt lắm rồi, không cần phải chỉnh sửa gì nữa đâu. Tôi chỉ cần tập lái để làm quen là có thể kéo ga bay lên cao hơn nữa. Vấn đề là cơ quan chức năng có cấp phép cho tôi bay hay không", ông Bùi Hiển trăn trở.
Trong giai đoạn tập bay, ông Hiển đã bay thử "Giấc mơ" với cả bài bay tới và bay treo. Trong đó, bay treo là một thử thách khó mà ông cần tới nhiều tháng tập luyện nhưng vẫn chưa thể gọi là nhuần nhuyễn.
Ông Hiển tỏ ra rất tự hào với sản phẩm máy bay tự chế này.
Nói về tên gọi "Giấc mơ" cho chiếc máy bay thử hai, ông Hiển chia sẻ: "Giấc mơ của tôi bây giờ đã tạm trở thành hiện thực rồi, nhưng tôi còn muốn làm được nhiều hơn như thế. Tôi dự định sẽ lắp thêm hệ thống phun thuốc trừ sâu vào dưới bụng của máy bay để phục vụ nông nghiệp. Tất nhiên là tôi muốn tiếp tục bay nhiều nữa, điều tôi còn thiếu bây giờ là thời gian bay còn quá ít. Khi đã "thuần phục" được nó, tôi tin tự có thể kéo ga bay cao hơn".
Dự kiến, chiều 13/9, ông Hiển sẽ lắp thêm hệ thống phun thuốc trừ sâu cho máy bay "Giấc mơ" để công bố hình ảnh chính thức của chiếc máy bay này với truyền thông, khi đó, trọng lượng của máy bay tăng thêm khoảng 20 - 30kg.