Mỗi tháng Việt Nam có thêm 1.000 ca nhiễm HIV
- Thứ năm - 25/09/2014 16:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Con số nói trên được ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đưa ra tại Hội thảo Xây dựng hệ thống cộng đồng bền vững trong phòng, chống HIV/AIDS diễn ra sáng nay, 25/9.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo ông Long, so với năm đỉnh cao của dịch HIV/AIDS là năm 2007, Việt Nam phát hiện 30 ngàn ca nhiễm HIV, tới năm 2013, Việt Nam chỉ phát hiện mới 12 ngàn ca, giảm 60%. Số lượng người mắc AIDS và tử vong do HIV/AIDS cũng giảm một nửa so với năm 2007.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn.
“Theo các phân tích gần đây, HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn dịch tập trung”, ông Long nói.
Ông Long cho biết, HIV/AIDS ở Việt Nam có giảm xu hướng gia tăng, nhưng giảm chưa sâu, chưa bền vững. Số lũy tích HIV và mắc AIDS vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến 31/8/2014, Việt Nam có 223.130 người nhiễm HIV được báo cáo. “Đây chỉ là số người nhiễm HIV được phát hiện và xác nhận. Trong thực tế, con số có thể lớn hơn”, ông Long nói.
Một thống kê gần đây cũng cho thấy, trong năm 2013, 28 bệnh truyền nhiễm chỉ gây ra 262 ca tử vong. Trong khi đó, riêng HIV/AIDS đã gây ra 2.299 ca tử vong.
Trong khi đó, các yếu tố lây nhiễm HIV/AIDS đang biến đổi phức tạp, khó kiểm soát với việc xuất hiện các yếu tố lây nhiễm mới như ma túy tổng hợp, mại dâm nam, tình dục đồng giới nam…
Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Theo thống kê, hiện nay, bao cao su chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu, việc điều trị chỉ mới đáp ứng được 37% số người nhiễm HIV…
Một khó khăn rất lớn của công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam là công tác này chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài. Thống kê cho thấy, khoảng 80% kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở việt Nam là từ viện trợ.
Trong khi đó, nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS lại đang bị cắt giảm nghiêm trọng. Ngân sách nhà nước giảm từ 245 tỷ năm 2013 xuống chỉ còn 85 tỷ năm 2014, chỉ bằng 1/3. Các dự án viện trợ từ tổ chức quốc tế đã kết thúc, một số dự án còn lại đang bị giảm mạnh chi phí.
Cần một hệ thống cộng đồng bền vững
Trong bối cảnh nói trên, xây dựng một hệ thống cộng đồng bền vững với việc tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS có một ý nghĩa quan trọng.
Theo GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), trong năm qua, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Các tổ chức này đảm trách ngày càng nhiều hơn các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ người bị nhiễm HIV, trẻ mồ côi và dễ bị tổn thương, các hoạt động dự phòng cho nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, nam tình dục đồng giới... Các tổ chức cũng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, vận động chính sách, giám sát và đánh giá.
"Chỉ tính riêng Dự án thành phần VUSTA - Dự án Quxy toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, tính đến hết tháng 6/2014 đã xây dựng hệ thống cộng đồng với 83 tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho trên 30 ngàn người thuộc nhóm đối tượng đích", GS Minh cho biết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các tổ chức này lại đang gặp phải nhiều khó khăn như nguồn tài chính hạn chế và chưa bền vững, chưa có tư cách pháp nhân, chưa được thừa nhận chính thức, năng lực còn hạn chế…
Ngoài ra, nhà nước cũng chưa có chính sách xứng tầm trong huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng chống HIV/AIDS.
Do vậy, làm thế nào để các tổ chức xã hội vượt qua được các rào cản, tham gia tốt hơn vào công tác phòng chống HIV/AIDS đang là một vấn đề cần phải giải quyết trong thời điểm hiện nay.
"Trong thời gian tới, cần tiếp tục tìm các nguồn tài trợ cho các tổ chức xã hội, kể cả nguồn từ ngân sách nhà nước", GS Đặng Vũ Minh khẳng định.
"Việt Nam đang ở vào một thời khắc quan trong để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV", bà Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) nói.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, tăng cường hơn nữa việc trao quyền cho các tổ chức cộng đồng để họ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc cugn cấp các dịch vụ phòng, chống HIV sẽ giúp tăng chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ phòng, chống HIV", bà Schoultz khẳng định.
Lê Văn