Ngày hội Toán học Mở 2018: Toán học giải mã thế giới hỗn độn
- Chủ nhật - 21/10/2018 10:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày hội do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có chủ đề “Toán học giải mã thế giới hỗn độn”, xuất phát từ ý tưởng, Toán học giúp con người khám phá những quy luật trong sự hỗn loạn, những phương cách tái tạo dữ liệu từ các phần mất mát và sai lệch, giành chiến thắng trong những cuộc đấu trí bảo vệ dữ liệu hay biết kiếm tìm những hạt ngọc tri thức từ biển thông tin mênh mông…
Những khách mời tham gia thuyết trình và tọa đàm tại Ngày hội Toán học Mở 2018. Nguồn: viasm.edu.vn
Ngày hội bao gồm hai phần chính, trong đó ở phần bài giảng đại chúng dưới tiêu đề chung “Toán học không xa cách” sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học uy tín như GS.TS Phan Dương Hiệu (Đại học Limoges, Pháp) với bài giảng “Bảo mật thông tin trong thời đại số”; PGS.TS Đinh Văn Trung (Viện Vật lý, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với bài giảng “Vật lý thiên văn tính toán - từ hố đen siêu nặng trong nhân thiên hà đến sự hình thành của hệ hành tinh”; và GS.TS Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện John von Neumann) với bài giảng “AI nào cho Việt Nam”.
Bên cạnh đó, còn có tọa đàm “Việt Nam: Từ AK đến AI” với sự tham gia của các nhà quản lý khoa học như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Nếu như các nhà khoa học chiếm trọn phần bài giảng thì phần hoạt động trải nghiệm là nơi các trường phổ thông, các đơn vị hoạt động giáo dục và xuất bản sách thể hiện vai trò của mình. Mỗi đơn vị tham gia đều mang đến một chủ đề trải nghiệm riêng như Touch Math With Amsers (Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam), Chơi toán cùng Chuyên Hưng Yên (Trường THPT Chuyên Hưng Yên), Mathemagics (Trường THPT Khoa học Giáo dục- Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), Vạn vật chuyển động (Học viện sáng tạo S3), Từ đếm cát đến dữ liệu lớn (Trung tâm toán tư duy POMATH)...
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, nhà sáng lập Trung tâm toán tư duy POMATH, nói với Khoa học và Phát triển về phần trải nghiệm của Trung tâm mình: “Chúng tôi muốn tạo ra một trò chơi toán học mà ở đó người chơi tương tác với các vật liệu và mô hình nhỏ để cùng tạo ra một bức tranh lớn. Người chơi không cần biết nhau, không cần ‘chơi’ cùng một lúc nhưng bằng cách dùng chung một thuật toán, đến cuối ngày, sản phẩm của họ sẽ tạo thành một bức tranh lớn.”
Ở phần triển lãm của ngày hội, TS Đặng Văn Sơn, người sáng lập Học viện sáng tạo S3, cho biết, Học viện của anh chịu trách nhiệm thiết kế những mô hình toán học, trong đó có những mô hình “khổng lồ”, làm từ tre, gỗ, giấy, nhựa in 3D… như Mô hình ảo giác 3D, giúp tìm hiểu một số ảo giác quang học; Mô hình chứng minh định lý Pytago cho phép người chơi chứng minh định lý này bằng nhiều cách dựa vào thể tích ba hình hộp chữ nhật có cùng chiều cao; Mô hình Con lắc giúp tìm hiểu hình dạng các quỹ đạo mà con lắc vẽ nên; Mô hình Đường đoản thời giúp tìm hiểu liệu di chuyển giữa 2 điểm trong không gian trên 1 đường thẳng có nhanh hơn di chuyển trên các đường cong nối hai điểm đó không, và các mô hình toán học in 3D…
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người tích cực tham gia tất cả các Ngày hội Toán học Mở được tổ chức thời gian gần đây, nhìn nhận, phổ biến tri thức là một trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học cũng như các đơn vị nghiên cứu, và những sự kiện như Ngày hội Toán học Mở chính là dịp tốt để họ thực hiện trách nhiệm này. “Tôi mong hoạt động này không những được duy trì mà còn mở rộng sang tất cả các lĩnh vực khoa học khác,” chị Thơ nói.
Thông tin tổ chức:
Thời gian: 08:00 đến 17:00 Ngày 04/11/2018
Địa điểm: Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Số 1 Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội
Đăng ký tham dự: http://viasm.edu.vn/hdkh/mod2018?userkey=dang-ky-tham-du
Đăng ký trở thành tình nguyện viên: http://viasm.edu.vn/hdkh/mod2018?userkey=dang-ky-tinh-nguy