Nghiên cứu vaccine phòng Covid-19: Viện, trường, doanh nghiệp cùng vào cuộc
- Thứ tư - 06/05/2020 17:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là phiên họp quan trọng Thứ tư do Bộ KH&CN tổ chức kể từ đầu mùa dịch, gắn liền với những nhiệm vụ triển khai trong phòng ngừa đại dịch Covid-19 như phát triển và sản xuất bộ kit phát hiện virus SARS-CoV2, robot hỗ trợ chăm sóc y tế Vibot-1a…
Tại phiên họp này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh: “Mục tiêu đặt ra là phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19 ứng dụng trong thực tế, không phải là những công bố mang tính chất học thuật đơn thuần”. Việc chủ động phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19 ở thời điểm này có nhiều ý nghĩa với Việt Nam, bởi vì bên cạnh mục tiêu tự chủ vaccine để đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta sẽ có được nền tảng công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh mục tiêu phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19 ứng dụng trong thực tếtại cuộc họp. Ảnh: Thanh An
"Đại dịch không chỉ có một, nếu làm tốt thì sau này khi có đại dịch khác xảy ra, chúng ta sẽ chủ động hơn. Có thể bây giờ chúng ta không đi nhanh được như thế giới, nhưng khi cùng đồng hành ở thời điểm này, chúng ta có cơ hội tiếp cận rất nhiều kiến thức và công nghệ liên quan đến sản xuất vaccine", TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech cho biết.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, đây là lúc cần nhiều bên cùng tham gia nghiên cứu, phát triển vaccine. Hiện nay, nhiều đơn vị ở Việt Nam đã tham gia phát triển vaccine phòng ngừa Covid-19, bao gồm nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac), Công ty TNHH công nghệ sinh học dược Nanogen... Mỗi đơn vị đều theo đuổi một phương pháp khác nhau: Vabiotech áp dụng công nghệ vaccine vector (tích hợp gene protein S của virus SARS-CoV-2 vào virus gây bệnh trên muỗi); Viện Công nghệ sinh học sử dụng công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp trên thực vật và nấm men; Polyvac áp dụng công nghệ vaccine tái tổ hợp trên dựa trên vaccine phòng sởi.
Mặc dù các đơn vị đều có kinh nghiệm trong nghiên cứu và sản xuất một số loại vaccine trước đó song “vaccine Covid-19 hoàn toàn mới và rất khó”, theo TS. Đỗ Tuấn Đạt. “Thứ nhất, nếu sản xuất và thương mại hóa thành công, đây sẽ là vaccine về virus corona đầu tiên trên thế giới có thể thương mại hóa. Thứ hai, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, sản xuất vaccine cần đáp ứng tiêu chí ‘nhanh, nhiều, rẻ’. Thứ ba, Covid-19 còn nhiều yếu tố về miễn dịch chưa có câu trả lời, trong khi bản chất của vaccine là miễn dịch. Do vậy, việc phối hợp giữa nhiều đơn vị là điều cần thiết, mỗi nơi sẽ có một thế mạnh riêng”.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cho rằng việc phối hợp giữa nhiều đơn vị là điều cần thiết, mỗi nơi sẽ có một thế mạnh riêng. Ảnh: Thanh An.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cũng có ý kiến, rằng việc phối hợp giữa các nhà phát triển vaccine mới chỉ giải quyết được vấn đề công nghệ. Một thách thức trong thương mại hóa sản phẩm vaccine là quy trình đăng ký sản phẩm, bao gồm những nghiên cứu đánh giá trên động vật và trên người, thường tốn rất nhiều thời gian. “Thiết nghĩ trong phần này, Bộ KH&CN không chỉ hỗ trợ về mặt công nghệ sản xuất mà phải hỗ trợ ngay từ nghiên cứu cơ bản ban đầu, về việc đánh giá trong phòng thí nghiệm, trên động vật và trên người để rút ngắn thời gian, làm sao ra vaccine thật nhanh. Những việc này chúng ta cần chuẩn bị trước chứ không thể đợi có các dự tuyển vaccine rồi mới làm”, TS. Đỗ Tuấn Đạt đề xuất.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 100 đơn vị nghiên cứu vaccine Covid-19 với nhiều công nghệ khác nhau trong đó 8 vaccine đang thử nghiệm lâm sàng trên người. Việc nghiên cứu sản xuất một loại vaccine phải tuân thủ theo quy trình rất nghiêm ngặt, đòi hỏi chi phí rất tốn kém và thời gian kéo dài.