Người Trung Quốc dùng công nghệ đối phó dịch corona

Người Trung Quốc dùng công nghệ đối phó dịch corona
TRUNG QUỐC - Nhiều tập đoàn công nghệ ra mắt các ứng dụng để người dân phòng bệnh và chẩn đoán từ xa hiệu quả.

Kể từ tháng 12/2019, dịch viêm phổi càn quét khắp Trung Quốc, cướp đi mạng sống của 638 bệnh nhân và lây nhiễm cho hơn 30.000 người. Bệnh viện đông đúc, người dân nước này bắt đầu tìm đến các ứng dụng công nghệ cao bao gồm bản đồ lây nhiễm, thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh và "bác sĩ AI" tư vấn trực tuyến miễn phí để tự bảo vệ bản thân. 

Công ty viễn thông Qihoo 360 cho ra mắt NoSugarTech, nền tảng theo dõi cho phép người dùng phát hiện gần đây có tiếp xúc với người nhiễm viêm phổi corona hay không. Nền tảng dữ liệu cập nhật từ các nguồn công khai và uy tín như báo cáo của phương tiện truyền thông quốc gia hoặc các cổng thông tin chính quyền địa phương. 

Nhiều người Trung Quốc tìm đến các ứng dụng công nghệ về sức khoẻ trong thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Ảnh: AFP

Nhiều người Trung Quốc tìm đến các ứng dụng công nghệ về sức khoẻ trong thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Ảnh: AFP

NoSugarTech cũng hợp tác với tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, để có được các thông tin chính thống.

Người dùng có thể nhập khu vực đã qua kèm ngày tháng, chuyến bay hoặc số hiệu tàu xe để biết mình có đi cùng tuyến đường với người mắc viêm phổi hay không. Kể từ ngày 31/1, hơn 55 triệu người đã sử dụng dịch vụ này.

Thông qua WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội quen thuộc của Trung Quốc, người dân ở Quảng Châu và Thẩm Quyến phát hiện được người nhiễm bệnh có ở trong khu phố của mình hay không. Bằng cách tổng hợp thông tin từ các báo cáo chính phủ, ứng dụng chỉ định các trường hợp dương tính với virus, biểu thị bằng dấu chấm than màu đỏ trên bản đồ. 

Một công ty bản đồ có tên QuantUrban cũng cho ra mắt tiện ích tương tự, mở rộng địa bàn theo dõi ra các tỉnh thành phố khác, bên ngoài Quảng Đông. 

Baidu, "ông lớn" công nghệ thông tin tại Trung Quốc đã tạo dựng một nền tảng tư vấn trực tuyến miễn phí giúp giải đáp thắc mắc liên quan đến bệnh viêm phổi. Bằng cách khuyến khích người bệnh có triệu chứng nhẹ tham khảo ý kiến chuyên gia từ xa, những ứng dụng như thế này đặc biệt có ích trong việc giảm thiểu gánh nặng đối với các bệnh viện tuyến đầu đã luôn trong tình cảnh quá tải kể từ tháng 1. 

Theo báo cáo của Baidu, chỉ tính riêng ngày 6/2, dịch vụ đã có hơn 92 triệu lượt truy cập, 2,7 triệu yêu cầu của bệnh nhân đươc thực hiện. "Gã khổng lồ công nghệ" cũng hợp tác với nhiều công ty chăm sóc sức khỏe khác như Ping An Good Doctor và WeDoctor để có thêm nguồn lực bác sĩ, tăng cường hiệu quả tư vấn cho khách hàng. Người dùng từ Vũ Hán đươc ưu tiên hàng đầu.

Viện Nghiên cứu Alibaba Học viện Damo đã phát triển một dịch vụ y tế công cộng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Dự án này được chính quyền tỉnh Chiết Giang triển khai lần đầu tiên vào ngày 27/1 năm nay. Hệ thống có nhiệm vụ cung cấp thông tin liên quan đến virus, giải đáp thắc mắc về đại dịch theo dữ liệu từ chính quyền tỉnh Chiết Giang. 

Với công nghệ nhận diện giọng nói và các tính năng khác, ứng dụng có thể định vị các bệnh viện gần người dùng, phân biệt các loại khẩu trang đảm bảo an toàn y tế. Trong trường hợp câu hỏi vượt ngoài kiến thức được lập trình sẵn của trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tự động chuyển tiếp chúng đến các chuyên viên. 

Bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới khởi phát vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, đến nay đã lan rộng ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc cùng 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 8/2, toàn thế giới ghi nhận hơn 34.000 người nhiễm bệnh và 724 trường hợp tử vong. 

Thục Linh (Theo SCMP)