Người đàn ông giàu nhất trong lịch sử nhân loại

Người đàn ông giàu nhất trong lịch sử nhân loại
Vua Musa Keita I, hay còn gọi là Mansa Musa, được cho là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại, với khối tài sản không thể đo đếm.

Theo Time, Musa Keita I, vị vua cai trị đế chế Mali ở châu Phi thế kỷ thứ 14, là người giàu nhất mọi thời đại, với khối tài sản "nhiều hơn bất cứ ai có thể mô tả". Ông nắm trong tay nhiều vùng đất chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nổi bật nhất là vàng. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

Musa Keita I lên nắm quyền năm 1312. Ông được gọi là Mansa, có nghĩa là vua. Vào thời gian này, nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh đói nghèo và chiến tranh, nhưng nhiều quốc gia châu Phi lại phát triển rực rỡ.

Trong thời gian nắm quyền, Mansa Musa mở rộng khá nhiều lãnh thổ. Ông sáp nhập thành phố Timbuktu và tái thiết lập quyền lực ở Gao. Đế chế của ông trải dài hơn 3.200 km, bao phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày nay như: Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea, Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria, và Chad (vùng khoanh tròn màu đỏ trên bản đồ). Ảnh: Thư viện New York.

 

Năm 1324, cả thế giới biết đến khối tài sản khổng lồ của Mansa Musa khi ông thực hiện chuyến hành hương kéo dài hơn 6.400 km đến thánh địa Mecca. Theo Smith, Mansa Musa dẫn theo đoàn tùy tùng gồm hàng chục nghìn binh lính, thường dân và nô lệ, 500 sứ giả mặc áo lụa, một đoàn lạc đà, ngựa chở đầy vàng miếng. Ảnh minh họa: Flickr.

 

Khi dừng chân tại Cairo, Mansa Musa dành tặng rất nhiều vàng và tiền cho người nghèo, nhiều đến mức gây ra lạm phát. Trải qua nhiều năm sau đó, thành phố này mới hoàn toàn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ảnh: Flickr.

 

Mansa Musa là một người Hồi giáo mộ đạo và đặc biệt quan tâm tới thành phố Timbuktu. Ông đô thị hóa thành phố này bằng cách xây dựng trường học, nhà thờ Hồi giáo và một trường đại học lớn. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

Mansa Musa cho xây dựng nhà thờ Hồi giáo huyền thoại Djinguereber tại Timbuktu. Qua nhiều thế kỷ, công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

Mansa Musa qua đời năm 1337, sau khi cai trị đất nước 25 năm. Người kế vị ông là con trai, vua Maghan I. Nhiều di sản mà Mansa Musa để lại như lăng tẩm, thư viện, nhà thờ Hồi giáo là những bằng chứng cho thời kỳ vàng son của đế chế Mali dưới thời trị vì của vị vua huyền thoại. Ảnh: Wikimedia Commons.

 

 

Lê Hùng

Nguồn tin: VNExpress