Người góp phần tạo nên chiếc máy tính laptop đầu tiên qua đời ở tuổi 75
- Thứ ba - 30/08/2016 17:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Kỹ sư máy tính John Ellenby, người có công lớn trong việc phát triển và thương mại hóa rộng rãi máy tính laptop, đã qua đời ở tuổi 75. Thông tin vừa được chính thức xác nhận bởi con của ông là Thomas và công bố trên The New York Times. Nguyên nhân cái chết của Ellenby vẫn chưa được xác định và hiện chỉ mới biết chính xác rằng ông đã qua đời vào hôm 17/8 vừa rồi tại San Francisco.
Vào những năm 1980, trên vai trò CEO của Grid Systems (công ty do chính Ellenby sáng lập), ông cùng với nhà thiết kế nổi tiếng người Anh Bill Moggridge phát triển nên The Compass - chiếc máy tính đầu tiên có thiết dạng vỏ sò với màn hình cam công nghệ EL gập lại được. Được bán ra vào năm 1982, mặc dù mức giá cực kỳ đắt là 8150 đô la (tương đương 20.325 đô la hiện tại), hầu như chỉ bán được cho các doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ, nhưng The Compass chính là khởi đầu cho kỷ nguyên máy tính laptop dành cho mọi người dùng phổ thông.
Kỹ sư máy tính John Ellenby.
The Compass ra đời thay thế cho chiếc máy tính di động trước đó là Osborne 1 hoặc Kaypro với thiết kế cũng gập lại được nhưng to bằng cả một chiếc vali và màn hình nhỏ xíu. Trước đó, Ellenby cũng có những ảnh hưởng nhất định trong sự phát triển của công nghệ máy tính nói chung.
John Ellenby sinh vào ngày 9/1/1941 tại Corbridge, miền bắc nước Anh. Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế địa lý tại Đại học London, ông đã dành ra 6 năm tiếp theo để tiếp tục nghiên cứu tại Đại học kinh tế London, nơi mà ông có dịp tiếp xúc với những chiếc máy tính mainframe. Sau đó, ông chuyển sang làm việc cho hãng sản xuất máy tính Anh là Ferranti, đồng thời giảng dạy ngành khoa học máy tính tại Đại học Edinburgh ở Scotland. Tới đầu những năm 1970, ông chuyển tới miền bắc California để làm việc cho Viện nghiên cứu Palo Alto của tập đoàn Xerox. Vào thời điểm đó, Xerox đang thiết kế một chiếc máy tính bàn có tên là Alto và đây được cho là nguồn cảm hứng cho sự hình thành của Apple Lisa và Macintosh, cũng như Windows của Microsoft. Tại Xerox, người ta gọi Alto bằng cái tên "Dynabook tạm thời" để ám chỉ về một nguyên mẫu máy tính di động sẽ được phát triển sau đó. Tại trung tâm nghiên cứu, Ellenby được sắp xếp làm quản lý cho dự án phát triển Alto II, một phiên bản dễ sản xuất hơn nguyên mẫu ban đầu. Và cũng từ đây, ông bắt đầu được mệnh danh là bậc thầy trong việc chuyển đổi công nghệ thành sản phẩm. David Liddle, giám đốc điều hành thời bấy giờ của Xerox nhận định "Ellenby là con người tuyệt vời, năng nổ và thậm chí là táo bạo". Sau khi rời Xerox để sáng lập nên Grid vào những năm 1979, ông đã tạo nên những sản phẩm cực kỳ phổ biến trong các doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ và các tập đoàn lớn tại Mỹ. Nhà sử học máy tính Weber cho biết tên gọi Grid cho thấy tầm nhìn của Ellenby về một mạng lưới các máy tính - tiền thân của internet - cho phép nhiều chiếc máy kết nối với nhau và chia sẻ thông tin. Và rồi 1982, chiếc máy tính gập lại dạng vỏ sò The Compass chính thức được bán ra thị trường, nhanh chóng trở thành thiết bị cần thiết của các cơ quan chính phủ và công ty, bao gồm cả NASA hoặc Ngân hàng Mỹ. Ban đầu thì Compass đòi hỏi nhiều năng lượng và cần cắm điện mới xài được, tuy nhiên nó đã vượt qua các đối thủ máy tính di động vào thời điểm đó bằng sự nhỏ gọn đáng kinh ngạc. Trong một phép so sánh, chiếc máy tính cũng có khả năng "di động" vào thời điểm đó là Osborne 1, có kích thước bằng cả một vali hành lý. Trong khi đó, Compass có thể nằm gọn gàng trên mặt bàn phẳng và mở ra thành chiếc máy tính xách tay. Tới tháng 3 năm 1988, Ellenby bán Grid cho tập đoàn Tandy. Sau đó, ông tiếp tục thành lập Agilis nhằm tạo nên những chiếc máy tính tablet cầm tay. Sau này, ông cùng người con là Thomas đã tiếp tục thành lập nên tập đoàn GeoVector phát triển các ứng dụng dẫn đường và tăng cường thực tế ảo. Những năm cuối đời, Ellenby vẫn tiếp tục suy nghĩ về những thách thức lớn trong sự phát triển của máy tính xách tay đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ qua. Trong một lần phỏng vấn, ông từng cho biết rằng ông có mong muốn được đi thăm Nhà Trắng. Tại đó, ông sẽ gặp lại một viên chức, người đã từng gặp ông hồi xưa và nói rằng ông ấy muốn có một chiếc máy tính cá nhân với kích thước bằng một nửa chiếc cặp tài liệu mà lúc đó Ellenby đang xách khi đi gặp người bạn ấy. Và Ellenby từng hồi tưởng lại rằng: "Cái cặp tài liệu này ah hả? Khó lắm nha". |