Quỹ NAFOSTED: Tỷ lệ “cạnh tranh” cần ở mức cao hơn

Quỹ NAFOSTED: Tỷ lệ “cạnh tranh” cần ở mức cao hơn
Đợt xét duyệt hồ sơ tài trợ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật lần thứ hai năm 2018 của Quỹ NAFOSTED đã kết thúc với 159 hồ sơ được Quỹ chấp thuận tài trợ, đạt tỷ lệ “cạnh tranh” ở mức trung bình.

 


Phòng thí nghiệm Kính hiển vi điện tử của Viện nghiên cứu KH&CN Tiên tiến AIST (trường Đại học Bách khoa HN). Nguồn: trường Đại học Bách khoa HN.

Theo thông báo của Quỹ NAFOSTED vào ngày 25/12/2018, số lượng 159 hồ sơ được phân bố ở các ngành: Vật lý 40 hồ sơ; Hóa học 36 hồ sơ; Cơ học 22 hồ sơ; Khoa học Sự sống – Sinh học Nông nghiệp 19 hồ sơ, Toán học, Khoa học Trái đất và Môi trường 11 hồ sơ; KH Thông tin và Máy tính 12; Khoa học Sự sống – Y sinh Dược học 8. Kết quả xét duyệt lần này phản ánh xu hướng phát triển của các ngành của Việt Nam: mạnh về vật lý và hóa học nhưng vẫn còn yếu ở một số ngành mới và thiên về thực nghiệm như sinh học, khoa học trái đất…

Mặt khác, kết quả cho thấy, vẫn còn tồn tại một vấn đề ở khắp các ngành khoa học, dù thế mạnh hay không, là tỷ lệ cạnh tranh vẫn còn ở mức trung bình khoảng 50%, thấp hơn so với nhiều quỹ tài trợ cho khoa học khác của quốc tế, “nhiều quỹ cũng ngạc nhiên về tỷ lệ cạnh tranh hiện nay của Việt Nam”, TS. Phạm Đình Nguyên – Phó giám đốc Quỹ NAFOSTED, cho biết. Trong một cuộc trao đổi năm 2016, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cũng đưa ra nhận xét tương tự và cho rằng, lý tưởng nhất là số lượng đề tài được chấp thuận tài trợ sẽ cần ít hơn nữa để có thể tạo được tính cạnh tranh cao trong các đợt xét duyệt. Đây sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta có được những công trình nghiên cứu có giá trị và xuất bản trên những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học cho rằng, dù đang cần đẩy mạnh chất lượng chất lượng công bố nhưng Việt Nam vẫn cần số lượng công bố thông qua việc có được một đội ngũ nhà nghiên cứu đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức văn hóa, giáo dục và khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO), mỗi quốc gia cần phải có ít nhất 380 nhà khoa học trên 1 triệu dân nhưng theo số liệu điều tra kết quả hoạt động KH&CN của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) năm 2014, con số này của Việt Nam mới ở mức chưa đầy 120 người. Do đó, việc chưa đặt cao tính cạnh tranh trong xét duyệt hồ sơ tài trợ của Quỹ NAFOSTED cũng là giải pháp để Việt Nam có thể tạo điều kiện duy trì và phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ mới từ nước ngoài trở về.

Hiện nay, việc củng cố và phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu đang có dấu hiệu tiến triển. Kể từ năm 2017, Quỹ NAFOSTED bắt đầu áp dụng việc xét duyệt hồ sơ hai lần một năm để các nhà nghiên cứu có điều kiện thực hiện các đề tài một cách tương đối liên tục và giữ được tính mới trong các đề tài. Tuy vậy “ban đầu mọi người cũng e ngại là số lượng hồ sơ gửi đến Quỹ sẽ giảm xuống nhưng điều bất ngờ là số lượng này lại tăng lên nhiều hơn, ví dụ đợt 2 năm 2018 con số này vào khoảng 300 hồ sơ. Do đó, số lượng hồ được phê duyệt cũng tăng nhẹ”,  TS. Phạm Đình Nguyên nói. Đơn cử, theo quan sát của một nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết, số lượng đề tài ngành vật lý được tài trợ đợt này của Quỹ không chỉ thể hiện được đúng năng lực của các nhà nghiên cứu và có sự tiếp nối với những đề tài trước của họ mà còn mở rộng phạm vi  “phủ sóng” tài trợ của Quỹ, từ các trường viện ở hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM tới nhiều địa phương như Thái Nguyên, Trà Vinh, Bình Định, từ các đơn vị nghiên cứu công lập đến các trường đại học dân lập, đúng như nhận xét của GS. TS Đinh Dũng (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN) trong cuộc họp hội đồng khoa học ngành cuối năm 2017, “Quỹ là một trong số hiếm hoi các đơn vị ở Việt Nam không phân biệt công tư trong tài trợ”. 

Tác giả bài viết: Thanh Nhàn

Nguồn tin: Tia Sáng